Từ ngày 11/6, trần lãi suất huy động VND là 9%/năm - Ảnh: Vnexpress

Từ ngày 11/6, trần lãi suất huy động VND là 9%/năm - Ảnh: Vnexpress

Lãi suất sẽ giảm trên diện rộng

(ĐTCK) Nếu không giảm lãi suất cho vay, các ngân hàng lớn sẽ dễ mất khách hàng tốt vào tay ngân hàng nước ngoài.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có một quyết định mạnh mẽ khi giảm trần lãi suất huy động 2% xuống 9% làm tiền đề để giảm sâu các loại lãi suất cơ bản khác. Tiền đề của việc giảm lãi suất lần này là ở chỗ, các ngân hàng quốc doanh đã có chuyển động giảm lãi suất trước khi quyết định giảm lãi suất huy động xuống 9% được NHNN công bố và có hiệu lực từ ngày 11/6/2012.

Tại Ngân hàng Vietcombank, trong tuần trước đã liên tục điều chỉnh lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng từ 11% xuống 10,5%, xuống 9,5% và đương nhiên sẽ xuống 9% từ 11/6.  Với tiền gửi 12 tháng linh hoạt, Vietcombank cũng nâng thời gian rút gốc linh hoạt từ 3 tháng lên 6 tháng thì khách hàng mới được hưởng lãi suất kỳ hạn 12 tháng. Quan trọng hơn,  nhiều ngân hàng đã thông báo điều chỉnh lãi suất cho vay.

Theo ghi nhận từ các DN, lãi suất giải ngân của các ngân hàng như Vietcombank, Vietinbank tuần vừa qua đã là 12-13%/năm. Các ngân hàng lớn chịu áp lực cạnh tranh từ ngân hàng nước ngoài khi các ngân hàng nước ngoài đã và đang cung cấp nguồn vốn lãi suất 12% cho nhiều DN từ hơn 1 tuần trước. Nếu không giảm lãi suất cho vay, các ngân hàng lớn sẽ dễ mất khách hàng tốt vào tay ngân hàng nước ngoài.

Như vậy, trong lòng hoạt động của ngành ngân hàng, chuyển động giảm lãi suất đã diễn ra sớm hơn thời điểm có hiệu lực của lãi suất trần huy động mới. Từ sự chuyển động của khối ngân hàng lớn,  khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân sẽ buộc phải chuyển động theo trong việc giảm lãi suất cho vay kể từ sau ngày 11/6. Hiện nhóm ngân hàng cổ phần vẫn duy trì mặt bằng lãi suất cho vay khá cao so với trần huy động cũ là 11 và 12%. Nhiều DN phản ánh, nhóm ngân hàng cổ phần đang cố duy trì lãi suất cho vay cao được ngày nào là tốt ngày đó, thay vì hỗ trợ DN trong lúc khó khăn.

Theo cảm nhận của nhiều DN mà ĐTCK ghi nhận được, lãi suất vay vốn 12% là mức lãi suất có thể chấp nhận được. Nếu các ngân hàng nghiêm chỉnh áp dụng mức lãi suất này thì sẽ có chuyển biến rõ rệt trong hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trong thời gian tới. Với mức lãi suất cho vay mới, gánh nặng chi phí vốn vay của DN sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Tâm lý lo ngại rủi ro mất vốn, nợ khó đòi dần dần sẽ được giải tỏa. Sau một thời gian sắp xếp các tồn tại về nợ vay, các DN có thể nhìn lại thực lực của mình để tính đến bài toán đầu tư phát triển.

Tuy nhiên, điều DN cảm nhận rõ là không phải đối tượng DN nào cũng được hưởng lãi suất vay vốn 12%. Sự sàng lọc DN tiếp tục diễn ra và nhiều DN vẫn phải tiếp tục bán tài sản để cơ cấu nợ vì với tỷ lệ nợ hiện nay, DN sẽ không thể huy động được vốn với bất cứ hình thức nào để triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh.

Lãi suất vay vốn 12% là mức giảm sâu so với trước, nhưng cũng không phải là lãi suất cạnh tranh so với lãi suất vay vốn mà DN ở các nước trong khu vực và trên thế giới được hưởng. So với các năm trước đó, mức lãi suất này vẫn còn cao. Trước khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra (năm 2008), DN được vay với lãi suất phổ biến ở 9,5%. Năm 2009, lãi suất là 10,5%, nhưng nhiều DN được hỗ trợ 4% nên chỉ phải trả lãi suất 6,5%/năm.

Với DN, quyết tâm hạ lãi suất của NHNN mang đến hy vọng môi trường kinh doanh sẽ tốt dần lên. Nhưng trên bình diện vĩ mô, để giữ được sự ổn định của nền kinh tế song song với quá trình tái cấu trúc hiệu quả và giữ lạm phát ở mức thấp vẫn còn là thách thức lớn ở phía trước.