“Lãi suất là vấn đề đáng lo ngại”

“Lãi suất là vấn đề đáng lo ngại”

Báo cáo với Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết lãi suất huy động VNĐ bình quân đang ở mức 15,5%, cao hơn 1,5% so với trần quy định.

Đây là lần đầu tiên cơ quan quản lý nhà nước thừa nhận tình trạng lãi suất vượt trần cho dù các số liệu công bố công khai của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết mức niêm yết của các nhà băng đang tuân thủ không quá 14% một năm.

Trong báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế Quốc hội hôm 21/6, Bộ Kế hoạch và Đầu tư không nêu chi tiết lãi suất huy động VND cao nhất hiện nay là bao nhiêu và thấp nhất là bao nhiêu, chỉ cho biết mức bình quân là 15,5%, cao hơn cuối năm ngoái 3%. Theo bộ này, các tổ chức tín dụng đang cạnh tranh bằng công cụ lãi suất để giữ thị phần huy động vốn thông qua việc thỏa thuận trả thêm chi phí cho người gửi tiền ngoài mức trần quy định.

Trong khi đó, báo cáo công bố hôm qua của NHNN về tình hình thị trường tiền tệ 6 tháng đầu năm không đề cập tới lãi suất huy động VNĐ. Còn báo cáo tuần 11-17/6 do cơ quan này công bố hôm qua cho biết lãi suất huy động VNĐ niêm yết tại các tổ chức tín dụng là 13,5-14% một năm.

Theo khảo sát thực tế, tình trạng các ngân hàng đi đêm lãi suất với người gửi tiền vẫn diễn ra phổ biến. Và trong trào lưu phá trần lần này, một số ngân hàng quốc doanh còn tỏ ra hào hứng hơn cả ngân hàng cổ phần. Lý giải việc trả lãi tới 18% cho các khoản tiền gửi trên 1 tỷ đồng, nhân việc một ngân hàng quốc doanh có phòng giao dịch tại Tây Hồ cho biết nếu không làm như vậy sẽ bị ngân hàng cổ phần giành hết vốn.

Trao đổi với báo chí chiều qua, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc: "Cùng với lạm phát và nhập siêu, lãi suất là một vấn đề đáng lo ngại với kinh tế Việt Nam ít nhất là trong 6 tháng tới, đe dọa tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp".

Theo Bộ trưởng Phúc, lãi suất huy động VNĐ thực tế đã lên tới 18-19%, và lãi suất cho vay cao hơn thế khoảng 4-5%, khiến chi phí vay vốn của doanh nghiệp ngày một đắt đỏ.

"Chính phủ và NHNN muốn khống chế lãi suất huy động ở 14% một năm, nhưng thực tế giao dịch tại các ngân hàng không được như vậy. Một thị trường nhỏ như Việt Nam đang có quá nhiều ngân hàng hoạt động, trong đó lại nhiều ngân hàng nhỏ, cạnh tranh gay gắt mà hiệu quả không cao. Vì thế mà thời gian tới rất khó để hạ lãi suất xuống. Vấn đề này rất cần được chú ý", ông lo lắng.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như NHNN, lãi suất cho vay VNĐ bình quân thực tế khoảng 18,74% một năm, tăng 3,4% so với cuối năm 2010, trong đó, lãi suất cho vay nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu khoảng 17-19% một năm, lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất - kinh doanh khác khoảng 19,2% một năm, lãi suất cho vay lĩnh vực phi sản xuất khoảng 22-25% một năm.

Riêng lãi suất USD tương đối ổn định, trong đó huy động ở mức sát trần quy định, cho vay bình quân ở mức 6,4%/năm, tương đương mức lãi suất cuối năm 2010.

Tính tới 10/6, tổng phương tiện thanh toán của nền kinh tế tăng 2,33% so với cuối năm 2010. Trong khi đó, huy động vốn tăng 2,37% và dư nợ tín dụng tăng 7,05%. Huy động và cho vay VNĐ đều tăng chậm hơn nhiều so với ngoại tệ. Huy động vốn VNĐ chỉ tăng 1,15% trong khi vốn ngoại tệ tăng 8,89%. Cho vay VNĐ tăng 2,72% nhưng cho vay bằng ngoại tệ tăng tới 22,21%.

Dư nợ tín dụng lĩnh vực sản xuất tăng 10,97%, chiếm tỷ trọng 83% tổng dư nợ, trong đó tín dụng nông nghiệp nông thôn tăng 24,96%, tín dụng xuất khẩu tăng 25,77%. Dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất giảm 9,46%, chiếm tỷ trọng 16,92% tổng dư nợ.