Lãi suất khó giảm sâu

0:00 / 0:00
0:00
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cho biết, lãi suất cho vay có khả năng tiếp tục giảm nhưng khó giảm sâu, do mặt bằng lãi suất thời gian qua đã xuống mức khá thấp.

Thưa ông, tình hình tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM hiện nay ra sao?

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM.

Tính đến cuối tháng 9/2020, tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM tăng gần 5% so với đầu năm. Trước đó, đến hết tháng 8/2020, tín dụng chỉ tăng 0,4% so với tháng 7/2020 (tương đương tăng 3,68% so với cuối năm 2019 và tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước). Tính chung 7 tháng đầu năm 2020, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 3,27%, thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước.

Hiện ngành ngân hàng vẫn đang tập trung nguồn lực thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 phục hồi sản xuất, kinh doanh theo chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và UBND TP.HCM.

Tính đến nay, các ngân hàng thương mại trên địa bàn TP.HCM đã tái cơ cấu, giãn nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 với những con số cụ thể thế nào, thưa ông?

Triển khai và thực hiện chủ trương của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước ban hành, đến cuối tháng 7/2020, các ngân hàng thương mại trên địa bàn TP.HCM đã tái cơ cấu, giãn nợ 583.157 tỷ đồng cho 240.407 khách hàng. Trong đó, cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 170.915 khách hàng, với dư nợ đạt 142.023 tỷ đồng; miễn giảm lãi cho 18.274 khách hàng, với dư nợ đạt 53.654 tỷ đồng; cho vay mới lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến nay cho 51.218 khách hàng, với doanh số đạt 387.481 tỷ đồng.

Đồng thời, các ngân hàng trên địa bàn cũng đã tăng cường, chủ động đẩy mạnh các chương trình kết nối, hỗ trợ vốn lãi suất ưu đãi cho khách hàng. Dư nợ tín dụng của chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đến hết tháng 8/2020 đạt khoảng 289.000 tỷ đồng cho 75.164 khách hàng.

Nỗ lực giảm lãi suất của ngân hàng đã được ghi nhận, song doanh nghiệp kỳ vọng, mặt bằng lãi suất sẽ giảm thêm để chia sẻ, hỗ trợ họ vượt qua thách thức thời Covid-19. Kỳ vọng này của doanh nghiệp liệu có được đáp ứng?

Lãi suất cho vay tiếp tục giảm trong thời gian tới, nhưng khó giảm sâu, do thời gian qua, mặt bằng lãi suất đã dần xuống mức thấp để hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Cụ thể, đối với lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam, các ngân hàng thương mại cổ phần đã điều chỉnh giảm phổ biến khoảng 0,23%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn và điều chỉnh tăng nhẹ khoảng 0,14%/năm đối với các khoản vay trung, dài hạn. Trong khi đó, khối ngân hàng liên doanh và nước ngoài giảm lãi suất phổ biến khoảng 0,58-0,74%/năm đối với các khoản vay sản xuất, kinh doanh thông thường.

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP.HCM tiếp tục thực hiện Thông tư số 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, rà soát, xem xét, đánh giá và miễn, giảm lãi suất cho các doanh nghiệp, khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh...

Ông có thể cho biết, tín dụng đang tăng ở lĩnh vực, ngành nghề nào, thuộc các khoản vay ngắn hạn hay trung, dài hạn?

Trong 8 tháng đầu năm nay, chương trình tín dụng đối với các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp tăng trưởng khá cao. Trước đó, tính đến cuối tháng 7/2020, dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp đạt 180.584 tỷ đồng với 3.740 khách hàng vay vốn, tăng 12,7% so với cuối năm trước.

Đến hết tháng 8/2020, dư nợ tín dụng trung, dài hạn của các ngân hàng trên địa bàn chiếm tỷ trọng cao hơn khoảng 52% trong tổng tín dụng toàn địa bàn TP.HCM, ước tăng 4,31% so với cuối năm 2019; còn dư nợ tín dụng ngắn hạn tăng khoảng 3%. Đồng thời, có 12 ngân hàng đăng ký tham gia chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, với tổng vốn cam kết cho vay là 247.450 tỷ đồng.

Như vậy, có thể thấy, tuy lãi suất đã giảm, nhưng tín dụng vẫn tăng chậm. Theo ông, cầu tín dụng có tăng mạnh trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm nay?

Mặt bằng lãi suất giảm dần là điều kiện tích cực để kích cầu tín dụng tăng trưởng trong những tháng còn lại của năm 2020. Đây cũng là mùa kinh doanh cao điểm nhất trong năm, nên cầu tín dụng sẽ được cải thiện so với các tháng trong năm, cho dù chịu tác động bởi Covid-19.

Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM đã trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo phản ánh qua các sở, ngành, quận/huyện và hiệp hội doanh nghiệp gửi đến; đồng thời, tổ chức thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh tiếp cận vốn ngân hàng và các chính sách tín dụng, lãi suất thấp khác...

Đến ngày 17/8, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM tiếp nhận 725 trường hợp phản ánh gửi về từ các sở, ngành (Sở Công thương, Sở Du dịch và UBND 24 quận, huyện) qua đường dây nóng của Ngân hàng Nhà nước để tháo gỡ khó khăn về vốn.

Trước những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 lên nền kinh tế, ngành ngân hàng tiếp tục tập trung nguồn lực thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 phục hồi sản xuất - kinh doanh.

Tin bài liên quan