Lãi suất huy động của ngân hàng đồng loạt giảm

Lãi suất huy động của ngân hàng đồng loạt giảm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngay sau động thái giảm lãi suất điều hành của NHNN từ ngày 1/10, các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động, với mức giảm 0,1-0,7%/năm.

Tại Nam A Bank, từ ngày 1/10, Ngân hàng sẽ giảm lãi suất tiết kiệm. Cụ thể, kỳ hạn dưới 5 tháng lãi suất từ 0,2%/năm (tiết kiệm 1 tuần) đến 3,95%/năm 5 tháng.

Lãi suất tiết kiệm 6-12 tháng dao động từ 6,3%/năm -7%/năm; từ 12-24 tháng dao động 7-7,2%/năm. So với biểu lãi suất cũ, lãi tiền gửi tại Nam A Bank giảm khoảng 0,1-0,2%/năm.

Saigonbank công bố biểu lãi suất huy động mới từ 1/10, giảm mạnh tới 0,2-0,7% ở một số kỳ hạn so với tháng trước.

Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 1 - 2 tháng giảm mạnh từ 4,15% xuống còn 3,4-3,5%/năm; lãi suất kỳ hạn 3 giảm từ 4,25%/năm xuống còn 3,6%/năm; kỳ hạn 4-5 tháng giảm từ 4,25%/năm xuống mức 4%/năm.

Tại ACB, lãi suất tiết kiệm truyền thống ở kỳ hạn 1 tháng giảm 0,1% xuống còn 3,6-3,7%/năm. Lãi suất kỳ hạn 2 và 3 tháng giữ nguyên so với tháng 9, từ 3,8-3,9%/năm.

Đối với hình thức tiết kiệm online, lãi suất kỳ hạn 1-3 tháng của ACB giảm 0,23-0,3% còn 3,8-4%/năm, đáp ứng quy định mới của NHNN. Các sản phẩm tiết kiệm khác tại ACB cũng áp dụng lãi suất kỳ hạn 1 - 3 tháng tối đa còn 4%/năm.

DongABank cũng vừa điều chỉnh lãi suất, áp dụng lãi suất kỳ hạn 1 - 5 tháng ở mức 3,83%/năm, giảm 0,42%/năm so với trước điều chỉnh.

VietCapitalBank hồi đầu tháng 9 niêm yết lãi suất kỳ hạn 1 – 5 tháng ở mức 4,1%/năm cũng đã điều chỉnh xuống tối đa còn 3,9%/năm (đối với tiền gửi thông thường).

LienVietPostBank, lãi suất kỳ hạn 3 - 6 tháng từ 1/10 ở mức 3,8%/năm, giảm 0,2% so với trước đó. Lãi suất kỳ hạn 1 - 2 tháng giữ nguyên mức 3,7%/năm.

Tại OCB, lãi suất huy động cũng giảm khá mạnh khi kỳ hạn 1 tháng còn 3,75%/năm; 3 tháng là 3,9%/năm và 6 tháng là 5,8%/năm, giảm khoảng 0,25% so với biểu lãi suất cũ trước ngày 1/10.

Tuy nhiên, đánh giá được đưa ra từ Trung tâm phân tích chứng khoán SSI - SSI Research, ảnh hưởng của giảm lãi suất đến lợi nhuận ngân hàng không đáng kể.

Báo cáo nhận định các lãi suất mới giữa NHNN và NHTM vừa được SSI Research công bố cho rằng, việc giảm lãi suất không có nhiều tác động.

Thăm dò ý kiến
Lãi suất tiết kiệm tiếp tục giảm sâu, bạn sẽ làm gì với tiền nhàn rỗi?

SSI Research phân tích, lãi suất tiền gửi VND đã giảm từ đầu tháng 5 đến nay, tổng cộng từ 1,2% đến 2,5%/năm ở tất cả các kỳ hạn.

Lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng hiện phổ biến ở mức 3-3,8%/năm, cá biệt một số ngân hàng chỉ 2,2-2,5%/năm, thấp hơn trần mới.

Do đó, lãi suất tiền gửi sẽ không thay đổi nhiều sau quyết định của NHNN. Yếu tố chính tác động đến lãi suất tiền gửi thời gian tới vẫn là đầu ra tín dụng.

SSI Research vẫn giữ kỳ vọng lãi suất tiền gửi sẽ giảm thêm 0,1-0,3%/năm trong quý IV/2020.

Cũng theo SSI Research, ảnh hưởng trực tiếp nhất đến thị trường trong nhóm các lãi suất điều hành này là lãi suất cho vay kỳ hạn ngắn bằng VND với 5 nhóm ngành ưu tiên (nông nghiệp, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao).

Trong 9 tháng đầu năm 2020, dù trần lãi suất này đã được giảm 2 lần, tổng cộng 1%, nhưng tăng trưởng tín dụng của nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, nông nghiệp và xuất khẩu chỉ khoảng 3-4%, thấp hơn mức tăng trưởng chung.

Đánh giá về động thái cắt giảm lãi suất điều hành của NHNN lần này, các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng cho rằng, tác động thực tế tới nền kinh tế của các lần cắt giảm lãi suất điều hành càng về sau càng hạn chế.

Nguyên nhân, thanh khoản hệ thống ngân hàng kể từ tháng 5 đến nay luôn ở trạng thái tích cực, khiến lãi suất liên ngân hàng giảm sâu về mức thấp kỷ lục nên các ngân hàng không có nhiều nhu cầu vay vốn qua kênh OMO hay tái chiết khấu từ NHNN.

Điều này đồng nghĩa với việc giảm lãi suất cho vay qua các kênh vay mượn trên sẽ không có quá nhiều tác dụng trong việc giảm thêm lãi suất.

Trong khi đó, đối với trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng, lãi suất huy động thực tế của các NHTM trên thị trường tại các kỳ hạn này hiện cũng đều dưới 4%/năm, tức dưới mức trần mới mà NHNN ban hành.

Việc lãi suất huy động kỳ hạn ngắn tại các NHTM giảm chủ yếu do thanh khoản dư thừa khi tăng trưởng tín dụng đang ở mức thấp (đến 22/9 mới tăng 5,12%).

BVSC cho rằng, quyết định giảm lãi suất điều hành thêm 0,5% của NHNN không có quá nhiều tác động đối với mặt bằng lãi suất hiện nay trên thị trường.

Động thái này phần nhiều phản ánh nỗ lực đồng hành, hỗ trợ nền kinh tế của NHNN nhằm thúc đẩy tăng trưởng GDP trong quý cuối năm.

Về cơ bản, trong bối cảnh hiện nay, chính sách tiền tệ nới lỏng có tác động tương đối hạn chế tới tổng cầu. Thay vào đó, các chuyên gia cho rằng chính sách tài khóa nên đóng vai trò chính trong việc kích thích nền kinh tế.

Ngày 30/9, NHNN đã ban hành Quyết định số 1728/QĐ-NHNN với nội dung chính là giảm một loạt các loại lãi suất điều hành.

Theo đó, kể từ 1/10/2020, lãi suất tái cấp vốn sẽ được giảm từ 4,5%/năm xuống 4,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu giảm từ 3,0%/năm xuống 2,5%/năm; lãi suất chào mua giấy tờ có giá thông qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO) giảm từ 3%/năm xuống 2,5%/năm.

Đối với trần lãi suất tiền gửi ngắn hạn (dưới 6 tháng), NHNN cũng có Quyết định số 1729/QĐ-NHNN quy định lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 4,25%/năm xuống 4%/năm còn lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên vẫn do TCTD ấn định trên cơ sở cung – cầu vốn thị trường.

Đối với trần lãi suất cho vay ngắn hạn với các lĩnh vực ưu tiên, NHNN cũng ban hành Quyết định số 1730/QĐ-NHNN giảm mức lãi suất này từ 5%/năm xuống 4,5%/năm.

Như vậy, kể từ đầu năm đến nay, đây là lần thứ ba NHNN có quyết định giảm lãi suất điều hành với biên độ mỗi lần giảm đều khá lớn (0,5%).

Tin bài liên quan