Lãi suất hạ, chứng khoán có lên?

Lãi suất hạ, chứng khoán có lên?

Lãi suất có tín hiệu giảm đồng loạt, mặt bằng giá vàng đã quá cao và bong bóng vàng có thể nổ tung bất cứ lúc nào. Như thế, theo logic dòng tiền sẽ phải chuyển dần từ kênh vàng và kênh gửi ngân hàng sang chứng khoán. Nhưng bức tranh thị trường CK liệu có tươi sáng như vậy?

 

Té ra thị trường chứng khoán (TTCK) lại đi trước cả thị trường bất động sản (BĐS) trong việc hưởng ứng trào lưu giảm lãi suất. Độ nhạy cảm của TTCK đã được thể hiện không chỉ một lần trong quá khứ. Giờ đây, cần phải nhìn lại thời điểm tháng 2/2009 để dự đoán về tương lai của TTCK trong thời gian tới.

 

Vào đầu năm 2009, sau 17 tháng sụt giảm kinh hoàng, TTCK đã bất ngờ phục hồi. Sự phục hồi này đã diễn ra trước cả khi gói kích cầu 8 tỷ USD được Chính phủ tung ta để cứu nền kinh tế. Đó cũng là một sự phục hồi ít người ngờ tới, cộng hưởng với đà phục hồi của các chỉ số chứng khoán toàn cầu.

 

Cho đến nay, thời gian lao dốc của TTCK đã kéo dài gần 2 năm, tức còn lâu hơn cả giai đoạn khủng hoảng kinh tế năm 2008. Độ sụt giảm của mặt bằng giá cổ phiếu cũng mạnh hơn giai đoạn 2008. Tình trạng lỗ lãi của các doanh nghiệp niêm yết, đặc biệt là khối công ty chứng khoán, lại càng thê thảm hơn quá khứ. Nhiều kỷ lục đã được lập...

 

Bởi vậy, sự phản ứng tăng của chỉ số chứng khoán từ giữa tháng "cô hồn" vừa qua đã làm dấy lên hy vọng là lịch sử có thể lặp lại. Quả nhiên, khoảng 10 ngày sau đó, một cuộc họp giữa Ngân hàng Nhà nước với 12 ngân hàng thương mại lớn đã đánh dấu mốc đầu tiên cho làn sóng giảm lãi suất. Ít ra, chứng khoán cũng nhạy tin với trường hợp này.

 

Trong khi đó, thị trường BĐS cả ba miền Bắc, Trung, Nam vẫn hầu như bất động, trừ một vài tín hiệu manh mún ở Bình Dương. Ít nhất, thị trường nhà đất vẫn không bỏ được thói quen trì trệ truyền thống của nó.

 

Đã kết thúc tuần đầu tiên của tháng 9/2011, đã cơ bản hình thành những tín hiệu giảm lãi suất về vùng 17-19% từ hàng loạt ngân hàng lớn như Vietcombank, Techcombank, An Bình, BIDV, VP Bank... Đặc biệt, Ngân hàng Đầu tư phát triển (BIDV) còn là ngân hàng đầu tiên tuyên bố công khai mức cho vay 19-19,5% đối với chứng khoán và BĐS.

 

Tình hình đang có chiều hướng khả quan một cách thực chất. Mục tiêu của Ngân hàng nhà nước về giảm lãi suất không phải chỉ là chuyện nói cho vui mà đang được hiện thực hóa. Mặt bằng lãi suất huy động cũng bắt đầu hạ dần, thậm chí có cán bộ ngân hàng còn "lo lắng" rằng chỉ một vài tuần nữa đa số ngân hàng sẽ áp trần lãi suất huy động 14% hết.

 

Trong khi đó, mặt bằng giá vàng đã quá cao và bong bóng vàng có thể nổ tung bất cứ lúc nào (theo nhiều chuyên gia thế giới là như vậy). Mà như thế, theo logic dòng tiền sẽ phải chuyển dần từ kênh vàng và kênh gửi ngân hàng sang chứng khoán.

 

Logic là như vậy, nhưng còn tình hình hiện thời ra sao?

 

Sau khi hai chỉ số VNI và HNX đều tăng được khoảng 15%, thị trường bước vào những ngày nghỉ lễ 2/9. Đã nổi lên những nhận định khá lạc quan về việc sau lễ, thị trường sẽ bật mạnh. Nhận định này càng như được củng cố bởi sự đồn đoán về dòng tiền có dấu ấn "ngoại viện" từ Nhật Bản, Indonesia, Malaysia... vào Việt Nam, cùng với nhiều tổ chức kinh tế quốc tế đang bắt tay nghiên cứu TTCK Việt Nam với độ hấp dẫn vào bậc nhất của châu Á.

 

Tuy vậy dường như mọi chuyện lại không hẳn suôn sẻ. Hai phiên giao dịch đầu tuần này đã khiến cho nhà đầu tư lại một lần nữa phải thất vọng. Dù rằng thanh khoản tăng, dù rằng lực cầu tiềm tàng vẫn đang chờ chực, dù sóng đầu cơ cổ phiếu nhỏ đã nổi lên... nhưng vẫn chưa có một tố chất nào có thể làm cho nhà đầu tư tạm thời yên tâm về độ ổn định của thị trường, hay nói cụ thể hơn là nỗi lo sợ bị lừa gạt vẫn không hề mất đi trong sóng tăng hai tuần lễ vừa qua của thị trường.

 

Nếu không hẳn là lạc quan thì cũng nên suy xét đến khía cạnh bi quan như một tinh thần cảnh giác không bao giờ thừa thãi trong TTCK này. Vào năm 2010, trước lễ 30/4-1/5 cũng đã diễn ra một đợt tăng khá mạnh, nhưng sau lễ thị trường đột ngột lao dốc. Còn vào lễ 2/9 năm trước, kịch bản tăng trước giảm sau cũng đã tái hiện.

 

Chẳng lẽ kịch bản tăng trước giảm sau lại ứng vào mốc thời điểm 2/9 năm nay? Nếu kịch bản như thế lặp lại, điều oái oăm là nó sẽ phản lại chính cái điều kiện tốt nhất đã sinh ra nó - xu hướng giảm lãi suất - khi điều kiện này đang dần chín muồi đơm hoa kết trái.

 

Tất nhiên khó có thể cho rằng sự so sánh về kịch bản tăng trước giảm sau vào thời điểm lễ là có cơ sở thuyết phục cho mọi năm, nhất là trong năm 2011 này, khi thị trường đã giảm đến mức hình như không còn có thể giảm thêm được nữa. Sự vớt vát còn lại là kịch bản phục hồi năm 2009 sẽ được tái hiện, tức thị trường lập đáy ngay khi lạm phát lập đỉnh vào tháng 8/2011 (cho đến lúc này, việc lạm phát lập đỉnh của năm chỉ là một giả thuyết chứ hoàn toàn chưa chắc chắn được).

 

Phép thử và cũng là cơ hội - có lẽ là cuối cùng - để TTCK hồi phục trong năm 2011 sẽ được quyết định trong hai tháng 9-10/2011. Nếu ứng với xu hướng đi lên, thị trường có thể chưa thể bật tăng mạnh ngay, mà sẽ phải mất một khoảng thời gian vài tháng kể từ ngày lập đáy để rũ bỏ nguồn cung lỏng và đồng thời để các tổ chức lớn gom hàng. Trong thời gian này, lượng giao dịch trên thị trường sẽ phải tăng dần theo chiều hướng khả quan, đặc biệt tại các cổ phiếu có vốn hóa nhỏ và siêu nhỏ.

 

Trong trường hợp ngược lại, hai chỉ số chứng khoán lại giảm dần, giảm răng cưa như cái cách đã từng thể hiện từ giữa tháng 6/2011 đến giữa tháng 8/2011, đi kèm với thanh khoản cũng đi xuống, thì cơ may để thị trường phục hồi sẽ đặc biệt khó khăn.

 

Trong trường hợp xấu nhất, nếu chỉ số HNX phá vỡ đáy cũ 65 điểm của nó, cùng với mức thanh khoản trở về trạng thái cô kiệt cách đây không lâu, có thể xem là cơ hội cuối cùng của TTCK trong năm 2011 đã trôi qua, bất chấp sự hiện thực hóa của mục tiêu giảm lãi suất.

 

Khi đó, dòng tiền không những không chảy vào kênh chứng khoán mà còn có thể rút ra khỏi kênh này mạnh hơn. Cũng khi đó, giả định về xu hướng thoái dần vốn của các tổ chức lớn sẽ được chứng minh qua biểu đồ tăng đột biến về thanh khoản trong con sóng tăng từ giữa tháng 8/2011 đến thời điểm trước lễ 2/9 vừa qua.