Tính đến cuối tháng 9/2020, huy động toàn ngành ngân hàng đạt hơn 9,8 triệu tỷ đồng, tăng lần lượt 14,12% và 8,92% so với cùng kỳ và cuối năm 2019. Ảnh:Dũng Minh

Tính đến cuối tháng 9/2020, huy động toàn ngành ngân hàng đạt hơn 9,8 triệu tỷ đồng, tăng lần lượt 14,12% và 8,92% so với cùng kỳ và cuối năm 2019. Ảnh:Dũng Minh

Lãi suất cứ giảm, tiền gửi cứ tăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặt bằng lãi suất huy động giảm từ 50-200 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ đầu tháng 10. Dẫu vậy, tiền nhàn rỗi vẫn chảy vào ngân hàng.

Cá nhân chọn dài, doanh nghiệp chọn ngắn

Chị N.H.Nhung, quận Cầu Giấy - khách hàng của SCB cho biết cũng hơi bất ngờ với thông tin Ngân hàng Nhà nước và SCB vừa hạ thêm lãi suất huy động, nhưng điều này không ảnh hưởng đến quyết định gửi tiết kiệm của chị.

“Nếu đầu tư, tôi sẽ mua nhà hoặc đất, nhưng thực tế hiện nay cho thấy giá bất động sản không rẻ, tính thanh khoản không cao, nên vừa dồn thêm được ít tiền, tôi lại mang đến ngân hàng gửi tiết kiệm. Tôi vẫn chọn kỳ hạn trên 6 tháng để vừa được hưởng lãi suất tốt, vừa an toàn, mà cần lúc nào là rút tiền được ngay lúc đó”, chị Nhung nói.

Còn chị H.T.Dương, quận Đống Đa - khách hàng của Vietcombank chia sẻ, biểu lãi suất điều hành mới có hiệu lực từ 1/10/2020 là lần giảm thứ 3 trong năm nay, cũng là lần thứ 4 trong 1 năm qua của Ngân hàng Nhà nước. Động thái này phù hợp với xu hướng giảm của cả lãi suất tiền gửi/cho vay và lãi suất liên ngân hàng, nhất là trong bối cảnh lạm phát 9 tháng thấp hơn kỳ vọng (CPI trung bình 9 tháng đầu năm 2020 tăng 3,85% so với cuối năm 2019).

“Hiện tôi chưa nhận thấy ‘cửa’ đầu tư nào sáng nên vẫn chọn gửi tiết kiệm kỳ hạn dài tại ngân hàng để được hưởng lãi suất cao. Lãi từ kỳ hạn gửi tiết kiệm dài (từ 6 tháng trở lên) so với kỳ hạn ngắn hơn chênh lệch đến vài chục triệu đồng là số tiền không nhỏ trong bối cảnh khó chọn kênh đầu tư như hiện nay. Còn khi nào thấy cơ hội đầu tư thì có thể vay lại đến 90% từ chính sổ tiết kiệm của mình với thủ tục đơn giản”, chị Dương chia sẻ.

Anh N.T.Hiếu, quận Ba Đình - một nhà đầu tư chuyên nghiệp thì cho biết, thời điểm này đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp sẽ có lãi suất cao nhưng rủi ro cũng nhiều không kém, tương tự là đầu tư vào vàng hay chứng khoán, trong khi sang năm mới là “điểm rơi” của giá nhà đất, cho nên gửi tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư khả dĩ lúc này.

“Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành thể hiện động thái hỗ trợ thúc đẩy nền kinh tế, còn thực tế các ngân hàng đã hạ lãi suất huy động từ trước đó. Việc các ngân hàng huy động được vốn nhưng khó cho vay nên tiếp tục giảm lãi suất huy động để hạ chi phí vốn. Nhưng vì hiện chưa có kênh đầu tư nào tốt hơn nên tôi cứ gửi tiền vào ngân hàng với kỳ hạn dài để hưởng lãi cao, còn lại tính sau”, anh Hiếu phân tích.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, bà Trịnh Thị Thanh, Quyền Giám đốc khối Nguồn vốn SCB cho biết, từ ngày 30/9/2020, SCB đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động kỳ hạn dài từ 0,2-0,3 điểm phần trăm cho từng kỳ hạn, chẳng hạn kỳ hạn 6 tháng hiện ở mức 6,1%/năm, giảm 0,3%/năm so với biểu lãi suất trước đây.

Tương tự, tại Nam A Bank, biểu lãi suất huy động cũng hạ 0,1%/năm chủ yếu ở các kỳ hạn dài, ví dụ kỳ hạn 14 tháng lãi suất còn 7%/năm, giảm 0,1%/năm so với trước.

Hay tại OCB, lãi suất huy động giảm khá mạnh khi kỳ hạn 1 tháng còn 3,75%/năm; 3 tháng là 3,9%/năm và 6 tháng là 5,8%/năm, giảm tối đa 0,25 điểm phần trăm so với biểu lãi suất trước đó.

Ghi nhận trên thị trường, do lãi suất liên tục hạ, một số ngân hàng đã yêu cầu nhân viên giao dịch khi khách hỏi phải trả lời rõ là bảng lãi suất “chỉ áp dụng trong ngày hôm đó” và “ngày mai có thể sẽ khác” để tránh khách hàng thắc mắc.

Điểm đáng chú ý được bà Thanh cho biết là dù lãi suất tiết kiệm giảm, song huy động vốn của SCB vẫn diễn ra bình thường.

“Cứ khoảng 100 khách hàng cá nhân thì có hơn 70% là gửi tiết kiệm kỳ hạn dài, phần còn lại là kỳ hạn ngắn. Đối với khách hàng doanh nghiệp, cấu trúc kỳ hạn phức tạp hơn, nhưng chủ yếu gửi kỳ hạn ngắn”, bà Thanh thông tin.

Chính sách tài khóa nên đóng vai trò chính trong kích thích nền kinh tế

Bà Thái Thị Việt Trinh, chuyên viên phân tích vĩ mô Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định, hạ lãi suất mua kỳ hạn OMO và các lãi suất chính sách khác như lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu nhìn chung sẽ không có nhiều tác động tới lãi suất ngắn hạn trên thị trường 1 (khu vực doanh nghiệp và dân cư) ở thời điểm hiện tại do thanh khoản hệ thống vẫn ở mức dồi dào.

Một trong những nguyên nhân chính khiến tiền đồng dư thừa trong hệ thống là do đầu ra tín dụng yếu. Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng tính đến 30/9/2020 đạt 6,09%. Con số này tuy thấp đáng kể so với mức 9,4% của cùng kỳ 2019, nhưng đã tăng nhanh bất ngờ so với mức chỉ 4,81% được công bố ngày 16/9/2020.

Tăng trưởng tín dụng ở các ngân hàng thương mại lớn vẫn kém khả quan, nên khả năng lãi suất tiền gửi còn chịu áp lực giảm thêm từ 10-30 điểm phần trăm trong quý cuối năm

Trong khi đó, huy động vẫn tăng trưởng khá tốt khi tính đến cuối tháng 9, toàn ngành đạt 9.812.709 tỷ đồng, tăng lần lượt 14,12% và 8,92% so với cùng kỳ và cuối năm 2019, trong đó nội tệ tăng 9,19% và ngoại tệ tăng 6,32% so với với cuối năm trước.

Mặt khác, diễn biến thị trường tiền tệ tuần từ 28/9 - 2/10 cho thấy, thị trường mở vẫn không có giao dịch mới, lãi suất trên liên ngân hàng giảm nhẹ xuống mức 0,17%/năm (giảm 10 điểm phần trăm) với kỳ hạn qua đêm và giữ nguyên ở mức 0,23%/năm với kỳ hạn 1 tuần. Lãi suất tiền gửi của một số ngân hàng thương mại nhỏ được điều chỉnh giảm khoảng 20-30 điểm phần trăm.

Do thanh khoản các ngân hàng dồi dào, không cần hỗ trợ vốn từ Ngân hàng Nhà nước, trong 4 tháng gần đây, cơ quan này tạm ngừng các giao dịch trên thị trường mở và lãi suất trên liên ngân hàng duy trì ở mức rất thấp, chỉ 0,1-0,5%/năm với kỳ hạn qua đêm và 0,2-0,7%/năm với kỳ hạn 1 tuần, thấp hơn nhiều so với các mức lãi suất vay vốn mới từ Ngân hàng Nhà nước.

Tính đến lúc này, mặt bằng lãi suất huy động đã giảm tổng cộng 50-200 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn so với đầu năm nay. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng hiện phổ biến ở mức 2,5- 4%/năm, trong khi mức trần mới của Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ là 4%/năm, cho nên dư địa giảm mạnh thêm lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng không còn nhiều.

Xu hướng giảm cũng rõ rệt hơn ở lãi suất huy động trung và dài hạn trong 3 tháng qua, với mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn hơn 12 tháng hiện phổ biến ở mức 6-7%/năm. Dù kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ hồi phục trở lại trong 3 tháng cuối năm (với các chỉ số chỉ báo như sản xuất công nghiệp, PMI và tăng trưởng bán lẻ đã phục hồi trong tháng 9), các chuyên gia phân tích vẫn kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động trung và dài hạn sẽ có xu hướng giảm nhẹ khoảng 10-20 điểm phần trăm.

“Tăng trưởng tín dụng ở các ngân hàng thương mại lớn vẫn kém khả quan, nên khả năng lãi suất tiền gửi còn chịu áp lực giảm thêm từ 10-30 điểm phần trăm trong quý cuối năm”, giám đốc nguồn vốn một ngân hàng có vốn nhà nước chi phối nhận định.

Một báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho rằng, quyết định giảm lãi suất điều hành thêm 0,5 điểm phần trăm của Ngân hàng Nhà nước không có quá nhiều tác động đối với mặt bằng lãi suất trên thị trường hiện nay. Động thái này phần nhiều phản ánh nỗ lực đồng hành, hỗ trợ nền kinh tế của Ngân hàng Nhà nước nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong quý cuối năm. Về cơ bản, trong bối cảnh hiện nay, chính sách tiền tệ nới lỏng có tác động tương đối hạn chế tới tổng cầu, do đó chính sách tài khóa nên đóng vai trò chính trong việc kích thích nền kinh tế.

“Trong xu hướng giảm lãi suất điều hành của nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới, sự tăng giá của các kênh tài sản như cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản... sẽ vẫn tiếp diễn. Tuy nhiên, để tăng hiệu quả điều hành các chính sách tiền tệ, việc phối hợp với các chính sách tài khóa là điều cần thiết”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh.

Tin bài liên quan