Hầu hết các tổ chức tín dụng cho vay với lãi suất vượt mức quy định theo Bộ luật Dân sự. Ảnh: Đ.T

Hầu hết các tổ chức tín dụng cho vay với lãi suất vượt mức quy định theo Bộ luật Dân sự. Ảnh: Đ.T

Lãi suất cơ bản: “Con dao treo hờ” trên cổ tổ chức tín dụng? - Kỳ 1: Con dao treo hờ

Lãi suất cơ bản được coi là vũ khí để ngăn chặn cho vay nặng lãi, nhưng gần 10 năm qua, vũ khí này hầu như vô hiệu. Mặc dù không có ý nghĩa thực tế, song lãi suất cơ bản lại đang trở thành “con dao treo hờ” trên cổ của các tổ chức tín dụng.

Lận đận số phận lãi suất cơ bản

Có lẽ, trong lịch sử điều hành chính sách tiền tệ, chưa có công cụ nào lại “lận đận” như lãi suất cơ bản, dù nó mang một cái tên rất kêu.

Lãi suất cơ bản được Ngân hàng Nhà nước ban hành lần đầu tiên vào ngày 2/8/2000. Trước đó, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 1997 quy định, lãi suất cơ bản “do Ngân hàng Nhà nước công bố làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất kinh doanh”. Từ năm 2000 đến năm 2002, lãi suất cơ bản không mấy thay đổi, được sử dụng làm cơ sở tính lãi suất cho vay đồng Việt Nam của các tổ chức tín dụng.

Thế nhưng, đến ngày 1/6/2002, lãi suất cơ bản hầu như không còn giá trị pháp lý và ý nghĩa thực tế, bởi theo Quyết định số 546/2002/QĐ-NHNN ngày 30/5/2002 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng được thực hiện cơ chế lãi suất thỏa thuận trong cho vay.

Tuy nhiên, đến năm 2005, khi Bộ luật Dân sự ra đời, lãi suất cơ bản lại được trao những quyền năng lớn, đồng thời chấm dứt việc cho vay thỏa thuận. Theo khoản 1, Điều 476, Bộ luật Dân sự 2005: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận, nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng”.

Song cũng từ đây, lãi suất cơ bản lại càng “vô duyên” hơn, vì từ đó đến nay, lãi suất cho vay mà các tổ chức tín dụng, cá nhân áp dụng đều cao hơn con số 150% lãi suất cơ bản, có lúc lên tới 300% lãi suất cơ bản, khiến quy định trên hầu như vô hiệu trong suốt 10 năm qua. Càng mâu thuẫn hơn, khi Luật Các tổ chức tín dụng hiện nay cho phép các tổ chức tín dụng được áp dụng lãi suất thỏa thuận.

Thậm chí, có thời điểm, nếu chiểu theo quy định của Bộ luật Dân sự, chính Ngân hàng Nhà nước cũng cho vay nặng lãi. Năm 2011, Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định 929/QĐ-NHNN, quy định lãi suất tái cấp vốn là 14%, trong khi theo quy định, lãi suất tối đa thời điểm đó chỉ là 13,5%.

Trước những bất cập trên, Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi đang được đưa ra lấy ý kiến Quốc hội đã sửa đổi theo hướng nâng trần lãi suất cho vay lên mức không vượt quá 200% lãi suất cơ bản. Tuy nhiên, con số này vẫn bị coi là phi thực tế.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico, thực tế, lãi suất cho vay tín chấp của nhiều ngân hàng, công ty tài chính đang gấp 5,5 lần lãi suất cơ bản, do đó, dù có nâng trần lãi suất cho vay lên 200% thì cũng vẫn chưa thể bao quát hết thực tế.

Ngân hàng muốn né

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo một công ty tài chính lo lắng nói, lãi suất cơ bản tuy không có ý nghĩa thực tế, song lại đang trở thành “con dao treo hờ” trên cổ của các tổ chức tín dụng.

“Dù Luật Các tổ chức tín dụng đã cho phép các ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty tài chính… được cho vay theo lãi suất thỏa thuận, song tôi vẫn không hiểu có phải tuân thủ quy định của Bộ luật Dân sự hay không. Hy vọng, Bộ luật Dân sự (sửa đổi) sẽ bỏ quy định trên để tự do hóa lãi suất như xu hướng chung của thế giới”, vị lãnh đạo này nói.

Không chỉ các tổ chức tín dụng khao khát hủy bỏ quy định về lãi suất cơ bản, mà nhiều đời Thống đốc cũng nhiều lần muốn “né” quy định trên. Cụ thể, ngày 22/11/2006, ông Lê Đức Thúy, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khi đó đã thay mặt Chính phủ có Tờ trình số 15 đề nghị Thường vụ Quốc hội khóa 11 ra nghị quyết cho phép các tổ chức tín dụng không bị điều chỉnh bởi Điều 476.

Đến thời Thống đốc Nguyễn Văn Giàu, một tờ trình có nội dung tương tự được gửi tới Thường vụ Quốc hội ngày 23/3/2008, kèm theo kiến nghị sửa luật. Chưa đầy một tháng sau đó, Thống đốc lại tiếp tục kiến nghị nâng trần lãi suất cho vay lên 250% lãi suất cơ bản…

Tuy nhiên, tất cả các kiến nghị trên của hai đời Thống đốc đều đã không được chấp nhận.

Đến nhiệm kỳ của mình, năm 2012, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, Ngân hàng Nhà nước tập trung tham khảo thông lệ quốc tế và đánh giá việc công bố, xác định lãi suất cơ bản trong điều kiện Việt Nam để phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các ủy ban của Quốc hội nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý phù hợp trong năm 2012. Tuy nhiên, câu trả lời đến nay vẫn bị bỏ ngỏ. Vấn đề lãi suất cơ bản bị chìm vào lãng quên và các tổ chức tín dụng vẫn bình thản cho vay theo lãi suất thỏa thuận.

Ngành ngân hàng muốn “né” Điều 476, Bộ luật Dân sự là dễ hiểu, bởi nếu chiểu theo quy định này, nhà băng bị đặt vào tình thế pháp lý bất lợi khi xét về lãi suất cho vay, còn Ngân hàng Nhà nước cũng bị quy “không làm tròn trách nhiệm”.

Thực tế, từ năm 2010 đến nay, Ngân hàng Nhà nước cũng đã “né” không còn công bố lãi suất cơ bản. Theo Phó chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Tống Anh Hào, điều này khiến việc xử lý của tòa án rất lúng túng.

Kỳ 2: Không thể rộng cửa cho lãi suất cao

Tin bài liên quan