Các ngân hàng đã có nhiều đợt giảm lãi suất trong giai đoạn cao điểm Covid-19.

Các ngân hàng đã có nhiều đợt giảm lãi suất trong giai đoạn cao điểm Covid-19.

Lãi suất chuyện nóng mùa dịch

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế khi đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp là chính sách hợp lý, nhưng nếu duy trì mặt bằng lãi suất quá thấp trong thời gian dài chưa hẳn đã tốt.

Lãi suất liên tục giảm…

Ông Trương Đình Long, Phó tổng giám đốc OCB cho hay, việc nhiều lần giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong năm qua là điều kiện tốt để các ngân hàng tiết giảm chi phí đầu vào, hạ lãi vay đầu ra.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên cầu vốn của khách hàng không những khó tăng, mà còn phải đẩy mạnh tái cơ cấu, giãn nợ..., nhất là với những doanh nghiệp lĩnh vực du lịch và dịch vụ.

Đồng thời, các ngân hàng cũng đưa ra nhiều gói tín dụng lãi suất ưu đãi kích cầu tín dụng. Điều này đòi hỏi các ngân hàng phải hy sinh một phần lợi nhuận để giảm lãi suất, khi đó, NIM (biên lãi ròng) trong cho vay không thể giữ mức cao, cho dù chi phí có giảm.

Tính từ đầu năm 2020 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất với tổng mức giảm từ 1,5 - 2%/năm lãi suất điều hành (là một trong các ngân hàng trung ương có mức cắt giảm lãi suất điều hành lớn nhất trong khu vực); giảm 0,6 - 1%/năm trần lãi suất tiền gửi; giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết kiệm chi phí, giảm mạnh lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, nhất là các lĩnh vực ưu tiên.

Tại các ngân hàng thương mại cổ phần vốn nhà nước chi phối, lãi suất được điều chỉnh giảm ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành và ban hành văn bản về việc triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng 6 tháng cuối năm 2020, yêu cầu các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi để tạo cơ sở cho việc hạ thêm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu, các khoản cho vay mới, hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, góp phần phục hồi sản xuất - kinh doanh sau dịch.

Cụ thể, từ tháng 4/2020 - khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu 4 nhà băng gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank cần giảm khoảng 40% lợi nhuận năm 2020 để hạ lãi suất cho vay. Trên thực tế, các nhà băng này năm qua đã dành 4.000 - 6.000 tỷ đồng lợi nhuận, chiếm khoảng 20% số lợi nhuận đạt được.

Trong đó, Vietcombank đi đầu trong giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp với 5 lần giảm lãi suất cho vay năm 2020. Hiện mặt bằng lãi suất cho vay của ngân hàng này nằm trong nhóm thấp nhất trên thị trường. Tính đến cuối năm 2020, tổng dư nợ được Vietcombank hỗ trợ giảm lãi suất cho vay khoảng 441.768 tỷ đồng, tổng số tiền lãi hỗ trợ khách hàng do giảm lãi suất trong năm 2020 đạt gần 4.000 tỷ đồng.

… Và sẽ còn dò đáy?

Mặc dù lãi suất huy động giảm, song tiền tiết kiệm vào ngân hàng vẫn gia tăng, tổng phương diện thanh toán năm 2020 toàn ngành tăng trên 13%. Vì lẽ đó, nhiều ý kiến cho rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục cắt giảm thêm lãi suất điều hành để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.

“Chúng tôi cho rằng, Ngân hàng Nhà nước có thể hạ lãi suất điều hành thêm một lần nữa trong bối cảnh lạm phát có thể hạ nhiệt vào nửa cuối năm nay. Hơn nữa, việc cắt giảm không đồng nghĩa với việc nới lỏng hơn tiền tệ nên không tác động nhiều tới lạm phát”, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định hồi đầu năm 2021.

Trên thực tế, Ngân hàng Nhà nước ít sử dụng công cụ lãi suất, mà chủ yếu thông qua nghiệp vụ thị trường mở để điều tiết lượng tiền cung ứng và công cụ hạn mức tín dụng trên thị trường tiền tệ.

Nếu có thể kiềm chế lạm phát xuống dưới mức 3% trong năm nay thì còn cơ hội cho một đợt giảm lãi suất điều hành

TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính nêu quan điểm

“Ngân hàng Nhà nước vẫn còn dư địa giảm mặt bằng lãi suất, nhưng giảm bao nhiêu còn tùy thuộc vào diễn biến lạm phát. Nếu có thể kiềm chế lạm phát xuống dưới mức 3% trong năm nay thì còn cơ hội cho một đợt giảm lãi suất điều hành”, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính nêu quan điểm.

Báo cáo của Khối Nghiên cứu kinh tế HSBC Việt Nam đánh giá, lạm phát của Việt Nam năm 2021 sẽ nằm ở mức trung bình 3%, dưới mức trần 4% theo mục tiêu Ngân hàng Nhà nước đề ra và điều này tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng của mình.

Theo tổ chức này, đợt bùng phát dịch Covid-19 hồi đầu năm sẽ phần nào ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế, nhưng nhờ hoạt động xuất khẩu phục hồi thời gian qua và được cho là sẽ tích cực từ nay đến cuối năm, nên tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự báo đạt khoảng 7% trong năm 2021, tăng mạnh so với mức tăng 2,91% của năm 2020.

Ngoài ra, sự ổn định của tiền đồng những năm gần đây cũng sẽ làm giảm bớt lo ngại về tỷ giá hối đoái cao tác động lên chỉ số giá tiêu dùng. Theo đó, HSBC Việt Nam dự đoán tỷ giá USD/VND sẽ nằm trong khoảng 23.100 đồng/USD vào cuối năm nay.

“Một khi lạm phát không còn là vấn đề đáng lo ngại, Ngân hàng Nhà nước có nhiều cơ hội để giữ chính sách tiền tệ không thay đổi trong suốt năm 2021”, báo cáo của HSBC Việt Nam nhấn mạnh.

Thực tế, lạm phát hiện nay được đánh giá không phải là vấn đề quá lo lắng như thời điểm năm 2008 và 2011.

Tỷ giá tiền đồng ổn định trong nhiều năm qua và có dư địa để tăng giá trong thời gian tới nhờ thặng dư cán cân thương mại lên đến gần 20 tỷ USD trong năm 2020.

Các yếu tố bên ngoài vẫn có tác động tới Việt Nam, nhưng bức tranh kinh tế của năm 2021 có nhiều triển vọng hơn so với năm 2020, cho nên mặt bằng lãi suất tiết kiệm sẽ có cơ hội tiếp tục duy trì ở mức thấp.

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng nhận định, dư địa giảm với cả lãi suất huy động và cho vay vẫn còn. Về chính sách điều hành, VCBS kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành theo hướng chủ động, linh hoạt và duy trì thanh khoản hệ thống dồi dào.

Theo VCBS, mặt bằng lãi suất cho vay còn có thể giảm thêm trong bối cảnh lãi suất huy động đã giảm khá mạnh trong khoảng 1 năm trở lại đây.

Đồng quan điểm, Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, mặt bằng lãi suất huy động đang ở gần mức thấp nhất trong lịch sử, nhưng lãi vay vẫn có thể giảm thêm do tác động của độ trễ chính sách, khi Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm chi phí vay, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh kinh tế phục hồi.

Mặc dù về lý thuyết thì Ngân hàng Nhà nước còn dư địa hạ thêm lãi suất điều hành, nhưng những dấu hiệu lạm phát trên thế giới là điều không thể bỏ qua vì kinh tế Việt Nam có độ mở lớn. Ngoài ra, lãi suất thấp mang đến tác dụng phụ là kích hoạt “bong bóng” ở bất động sản, chứng khoán...

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, bài toán đặt ra với Việt Nam lúc này là điều hành lãi suất sao cho phù hợp với thực tế, tức là vừa đảm bảo lợi ích của các bên trong nền kinh tế, vừa đảm bảo điều hành vĩ mô, lạm phát… để tránh nguy cơ “bong bóng”, cho nên việc duy trì mặt bằng lãi suất quá thấp trong thời gian dài chưa hẳn đã tốt.

Tin bài liên quan