Nhiều doanh nghiệp đã được OCB cho vay với lãi suất xấp xỉ 5%/năm

Nhiều doanh nghiệp đã được OCB cho vay với lãi suất xấp xỉ 5%/năm

Lãi suất cho vay 4,8%, tín dụng sao vẫn “èo uột”?

(ĐTCK) Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 5/2014 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa diễn ra, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, tín dụng toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế tính đến ngày 23/5 chỉ tăng 1,31% so với cuối năm 2013.

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, tính đến 31/3/2014, dư nợ cho vay DN nhỏ và vừa đạt 873.268 tỷ đồng, tăng 0,34%; dư nợ cho vay DN ứng dụng công nghệ cao đạt 16.908 tỷ đồng, tăng 6,77%; dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 176.052 tỷ đồng, tăng 5,9%; dư nợ cho vay phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn ước đạt 685.426 tỷ đồng, tăng 2% so với cuối năm 2013.

“Đặc biệt, tính đến ngày 20/5, đã có 4.984 lượt người tiếp cận gói tín dụng 30.000 tỷ đồng với giá trị thành tiền là 4.104 tỷ đồng. Năm 2013, khách hàng ký hợp đồng tín dụng với tổng số tiền 2.000 tỷ đồng, nhưng 4 tháng đầu năm 2014 đã đạt hơn 4.000 tỷ đồng”, ông Nguyễn Viết Mạnh nói.

Mặc dù kết quả cho vay khả quan hơn, nhưng với con số tín dụng toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế tính đến ngày 23/5 tăng chỉ 1,31% so với cuối năm 2013 cho thấy, tốc độ tăng trưởng vẫn khá chậm chạp. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, mặc dù đã dự liệu tăng trưởng tín dụng khó có thể tăng cao, nhưng thấp như vậy là điều nằm dưới sự dự đoán.

Trước câu hỏi của ĐTCK về việc tình hình tăng trưởng tín dụng thấp và DN vẫn phàn nàn về lãi suất cho vay cao, ông Nguyễn Viết Mạnh cho hay, hiện đã có DN được vay vốn với lãi suất chỉ có 4,8%/năm, lãi suất không còn là vấn đề cản trở nữa. Bà Nguyễn Thị Hồng cho biết thêm, lãi suất của các khoản vay cũ tiếp tục được các tổ chức tín dụng tích cực điều chỉnh giảm, đến ngày 15/5, dư nợ cho vay bằng VND có lãi suất trên 15%/năm chiếm 5%, giảm mạnh so với tỷ trọng 65,8% trước thời điểm 15/7/2012; dư nợ cho vay bằng VND có lãi suất trên 13%/năm chiếm 15%, giảm so với tỷ trọng 31% hồi tháng 6/2013.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) chia sẻ, tăng trưởng tín dụng của OCB trong tháng 5 đạt hơn 500 tỷ đồng so với mức âm của tháng trước. Ngân hàng chưa hài lòng với kết quả này và đang nỗ lực để có thể cho vay ra nhiều hơn, tìm kiếm những DN tốt, nhưng điều này là vô cùng khó khăn, dù lãi suất cho vay chỉ có 5,3%/năm.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng tín dụng, 7 tháng còn lại của năm, mỗi tháng cần phải tăng trưởng tín dụng ít nhất 1,5% là con số rất khó khăn. “Nhưng ở một khía cạnh nào đó, khi ngân hàng lựa chọn khách hàng cho vay cẩn trọng khiến tăng trưởng tín dụng thấp lại là tín hiệu tích cực”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.

“DN vay được vốn hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Với những DN đủ điều kiện, các tổ chức tín dụng tranh nhau để cho vay. Ngược lại, với những DN đang khó khăn sẽ khó vay hơn”, bà Nguyễn Thị Hồng nhận xét.

Tuy nhiên, một lối ra cho tăng trưởng tín dụng là vấn đề được đặt ra và điều này không chỉ có vai trò của riêng NHNN. TS. Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, cần thu hút nhiều hơn DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thông qua việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư ở Việt Nam; tăng đầu tư công; đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường sang các quốc gia khác trong khu vực Đông Á, Nam Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ…

“Các ngân hàng cũng cần quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu vốn của các DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ, đó là những thành phần có đóng góp quan trọng cho tổng cầu và phần nào tháo gỡ khó khăn của nền kinh tế”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.

Bà Nguyễn Thị Hồng khẳng định: “Từ nay đến cuối năm, một trong những nhiệu vụ trong tâm của NHNN là tập trung triển khai các giải pháp tín dụng để đạt được mục tiêu tín dụng cả năm là 12 - 14%, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh phát triển. Bên cạnh đó, với tình hình thanh khoản dư thừa, nguồn cung vốn sẵn sàng, trong điều hành cung ứng tiền, NHNN sẵn sàng cho vay tái cấp vốn để thực hiện chính sách tiền tệ”.

Các chuyên gia kinh tế đều chung quan điểm, “câu chuyện” Biển Đông có ảnh hưởng đối với tăng trưởng kinh tế, nhưng đó chỉ là tác động nhất thời. Dẫu sao, vẫn cần cải cách nền kinh tế để tăng trưởng bền vững và có khả năng chống đỡ các cú sốc từ bên ngoài và quan trọng là không nên sử dụng những biện pháp kỹ thuật nhằm đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.

“Tín dụng cần phải phân bổ từ đầu năm và tăng qua từng quý mới là tăng trưởng thực sự và ổn định”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.      

Tin bài liên quan