Tăng lãi suất huy động kỳ hạn trung và dài
Khảo sát của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, lãi suất tiền gửi từ kỳ hạn 6 tháng trở xuống không có khác biệt lớn về mức lãi suất giữa các ngân hàng, cũng như được dự báo không tăng trong tháng 4/2019. Tuy nhiên, đối với lãi suất trên 6 tháng, đang có những thay đổi rõ ràng.
Cụ thể, tại TPBank, từ ngày 2/4, ngân hàng này đã điều chỉnh khá mạnh lãi suất huy động các kỳ hạn 6 tháng, 12 tháng, 13 tháng, tương ứng từ mức 6,3%/năm lên 6,8%/năm; 6,9%/năm lên 7,3%/năm; 7,1%/năm lên 7,6%/năm. Ngoài ra, TPBank còn có chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 18 tháng là 7,9%/năm và 24 tháng là 8,6%/năm.
BaoVietBank niêm yết lãi suất áp dụng từ 1/11/2018 đối với chương trình EZ-Saving cho kỳ hạn 6 tháng là 7,4%/năm, 12 tháng là 8%/năm, 18 tháng là 8,3%/năm; trong khi lãi suất trả cuối kỳ thấp hơn đôi chút. Tuy nhiên, khi trao đổi với khách hàng, nhân viên BaoViet Bank cho biết lãi suất sẽ được cộng thêm tùy thuộc vào số tiền gửi (tối thiểu từ 500 triệu đồng) và kỳ hạn gửi.
Thuộc diện ngân hàng có lãi suất cao nhất thị trường, BAC A BANK tiếp tục điều chỉnh nhẹ lãi suất huy động, đưa nhà băng này cùng với Viet Capital Bank thành 2 tên tuổi có mức huy động hấp dẫn nhất. Cụ thể, lãi suất ở kỳ hạn 6 tháng được niêm yết là 7,4%/năm; 12 tháng là 8%/năm; 18 tháng là 8,5%/năm và 24 tháng là 8,6%/năm. Riêng tại BAC A BANK, khách hàng 39 tuổi sẽ được cộng thêm mức lãi suất là 0,1%/năm.
Khảo sát chung trên thị trường, lãi suất huy động tại các ngân hàng trong tháng 3/2018 tăng nhẹ so với thời điểm cuối tháng 2/2018. Lãi suất huy động trung bình kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng thương mại nói chung tăng nhẹ mức 0,05%/năm, trong khi lãi suất tại nhóm ngân hàng có quy mô vốn nhỏ hơn 5.000 tỷ đồng tăng thêm bình quân mức 0,11%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng có vốn nhà nước vẫn giữ nguyên ở mức 6,83%/năm.
Tăng lượng tiền đảm bảo tỷ lệ dự trữ bắt buộc
Theo báo cáo, trong tuần cuối của tháng 3, NHNN bơm ròng 32.600 tỷ đồng qua kênh tín phiếu. Cụ thể, NHNN đã phát hành mới 4.900 tỷ đồng (kỳ hạn 7 ngày với mức lãi suất vẫn ở mức 3%/năm), trong khi có 37.500 tỷ đồng đáo hạn trong tuần. Trái ngược với kênh tín phiếu, NHNN đã hút ròng 1.094 tỷ đồng qua kênh OMO. Tổng hợp 2 kênh OMO và tín phiếu, NHNN ở vị thế bơm ròng 31.506 tỷ đồng trong tuần qua. Đây cũng là tuần đầu tiên kể từ Tết Nguyên đán 2019, NHNN tiến hành bơm ròng vào thị trường.
Tính lũy kế kể từ đầu năm 2019 đến nay, NHNN đã hút ròng tổng cộng 58.673 tỷ đồng qua 2 kênh OMO và tín phiếu. Mặc dù lượng hút ròng giảm đi, nhưng việc liên tục rút tiền được coi là nguyên nhân khiến thanh khoản trên thị trường bị khan hiếm, thể hiện ra là lãi suất liên ngân hàng (nơi các ngân hàng vay mượn lẫn nhau - PV) tăng khá.
Đáng chú ý, từ trung tuần tháng 3, lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đột ngột tăng mạnh trở lại, sau khi liên tục dịu nhiệt từ đầu năm. Cụ thể, kỳ hạn qua đêm tăng thêm 1%/năm, từ 3,15%/năm lên 4,15%/năm, kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần tăng lần lượt từ 3,2%/năm và 3,4%/năm, cùng đạt 4,25%/năm. Tuần cuối cùng của tháng 3 cũng là thời điểm các nhà băng phải tăng lượng tiền để đảm bảo tỷ lệ dự trữ bắt buộc.
Tổng giám đốc một ngân hàng nhận định: “Có khả năng áp lực cân đối nguồn nhằm đảo bảo tỷ lệ dữ trữ bắt buộc trong tuần cuối tháng tại các ngân hàng là một trong những nguyên nhân đẩy lãi suất liên ngân hàng bật tăng trở lại. Ngoài ra, cũng không loại trừ khả năng có thể biến động về nguồn tiền gửi tại một số ngân hàng lớn (có thể là tiền gửi của Kho bạc Nhà nước) dẫn đến thanh khoản hệ thống bị ảnh hưởng. Điều này phần nào được biểu hiện khi lãi suất huy động của khu vực ngân hàng thương mại tăng nhẹ tại thời điểm cuối tháng 3 so với cuối tháng 2”.
Báo cáo của CTCK Rồng Việt cho biết, nhu cầu vay mượn trên thị trường liên ngân hàng khá cao, duy trì trên 50.000 tỷ đồng/phiên, mức cao nhất trong các năm gần đây. Nhìn rộng ra, trong hơn 6 tháng qua, mức lãi suất này liên tục dao động trên ngưỡng 3%/năm và chưa có dấu hiệu sẽ suy giảm.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, chênh lệch tăng trưởng cung tiền và tín dụng chỉ ở mức 0,64%. Trong khi đó, kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ cũng tăng lên rất cao, 73.500 tỷ đồn trong quý I và 260.000 tỷ đồng cho cả năm 2019.
Lãi suất qua đêm liên ngân hàng vẫn sẽ chuyển động
Lãi suất qua đêm liên ngân hàng được giới phân tích dự báo vẫn sẽ chuyển động trong khoảng 3-4%/năm trong quý II/2019, nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát của cơ quan quản lý.
Cùng với chủ trương điều tiết thận trọng, việc chủ động kiểm soát chặt lượng cung tiền cũng nhằm tránh rủi ro lạm phát vượt mức kỳ vọng khi giá các mặt hàng quan trọng như điện, xăng dầu được điều chỉnh tăng mạnh trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, lãi suất vay mượn tiền đồng kỳ hạn qua đêm liên ngân hàng giữ trên ngưỡng 3%/năm cũng sẽ tạo khoảng cách an toàn đối với mức lãi suất tương tự áp dụng cho khoản vay ngoại tệ, hiện khoảng 2,45%/năm. Một mức chênh lệch dương góp phần giúp NHNN điều tiết tỷ giá phù hợp.
Từ đầu năm tới nay, rủi ro tỷ giá đã suy giảm nhiều khi tỷ giá tự do và tỷ giá giao dịch ngân hàng đều hạ nhiệt. Ngược lại, NHNN vẫn điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm nhằm tạo biên độ rộng hơn, tránh trường hợp tỷ giá giao dịch liên tục chạm trần như giai đoạn trước đây.
Theo kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh mới nhất do Vụ Dự báo - Thống kê (NHNN) tiến hành vào tháng 3/2019, hầu hết các tổ chức tín dụng (TCTD) đánh giá môi trường kinh doanh và kết quả kinh doanh của đơn vị mình đã cải thiện hơn trong quý I/2019 so với quý trước và kỳ vọng mặt bằng lãi suất ổn định; huy động vốn và tín dụng được kỳ vọng tăng cao hơn…
Các TCTD cho biết, thanh khoản của hệ thống ngân hàng hiện đang duy trì ở trạng thái “tốt” đối với cả VND và ngoại tệ và được kỳ vọng tiếp tục diễn biến khả quan. Huy động vốn toàn hệ thống TCTD và dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được kỳ vọng tăng trưởng bình quân lần lượt là 13,74% và 14,51% trong năm 2019 (cao hơn mức tăng thực tế của năm 2018).
Về định hướng điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong những tháng tiếp theo của năm 2019, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, cơ quan này sẽ điều hành nghiệp vụ thị trường mở nhằm điều tiết thanh khoản của các TCTD ở mức hợp lý, ổn định thị trường tiền tệ, góp phần thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ.
Điều hành công cụ dự trữ bắt buộc đồng bộ với các công cụ chính sách khác, phù hợp với diễn biến thị trường tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ. Điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ; kết hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ.