Kỷ lục về hiệu quả hoạt động
Quay lại mốc 800 điểm sau 10 năm vắng bóng vào quý III/2017, VN-Index tiếp tục tiến bước sát ngưỡng 850 điểm vào thời điểm cuối tháng 10. Chu kỳ giá lên trên TTCK Việt Nam bắt đầu từ đầu năm 2016, kéo dài 22 tháng và chưa trải qua đợt điều chỉnh đáng kể nào. Điều này giúp nhiều CTCK gặt hái những “trái ngọt” trong hoạt động kinh doanh.
Xét về con số tuyệt đối, như thường lệ, CTCK Sài Gòn (SSI) đang dẫn đầu thị trường về doanh thu và lợi nhuận. 9 tháng đầu năm nay, lợi nhuận trước thuế của công ty này đạt 897 tỷ đồng, dự kiến lợi nhuận hợp nhất đạt khoảng 975 tỷ đồng.
SSI đạt kết quả kinh doanh tốt nhất trong lịch sử hoạt động vào năm 2016 với 1.057 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, vượt cả thời kỳ hoàng kim giai đoạn 2006 - 2007. Với thế mạnh nguồn vốn chủ sở hữu lên đến 8.458 tỷ đồng, SSI tiếp tục phát triển mạng lưới bán lẻ phục vụ khách hàng cá nhân khi khai trương thêm hai phòng giao dịch tại TP.HCM vào cuối quý III.
Tại CTCK TP.HCM (HCM), lợi nhuận cao kỷ lục cũng vừa được xác lập khi 9 tháng đạt 458 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Trong quá khứ, HCM đạt kỷ lục 481 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế vào năm 2014, năm tài chính HCM có sự đột biến với các khoản đầu tư vào chứng chỉ quỹ VFMVF4. Với sự bùng nổ về giá trị giao dịch, dự kiến HCM sẽ tương tự SSI, xác lập kỷ lục mới về lợi nhuận vào cuối năm nay.
Với CTCK Bản Việt (VCI), sự kiện nổi bật là việc Công ty chính thức niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) vào tháng 7/2017.
Gương mặt mới này của sàn HOSE thông báo, trong 9 tháng đầu năm đạt 1.006 tỷ đồng doanh thu, tăng gần 70%; lợi nhuận trước thuế đạt 580 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Vốn được biết đến là công ty có thế mạnh về hoạt động ngân hàng đầu tư, VCI đang hướng tới một năm có kết quả kinh doanh tốt nhất trong lịch sử. Đến cuối tháng 9, lợi nhuận trước thuế đã vượt 40% cả năm 2016.
Công ty chiếm vị trí thứ ba về thị phần môi giới tại HOSE là VNDIRECT (VND). 9 tháng đầu năm, VND kinh doanh thành công khi thông báo đạt 394 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, con số cao nhất từ trước tới nay. Tiếp sau VND là CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS) với 305 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Cú huých: “Thị trường bò tót” …
Nhìn tổng thể, TTCK Việt Nam đang ở chu kỳ tăng trưởng dài nhất kể từ cuộc khủng hoảng 2008. Sự tăng giá của chứng khoán dựa trên nhiều bệ đỡ. Về vĩ mô, dù nền kinh tế luôn đối mặt với nhiều thách thức, nhưng lãi suất, tỷ giá đã ở mặt bằng ổn định trong nhiều quý liền. Tăng trưởng GDP cải thiện rõ rệt, lạm phát được kiểm soát tốt trong 2 năm qua.
Trên sàn, các doanh nghiệp có quy mô lớn và đầu ngành như Vinamilk, Vingroup, Hòa Phát, Vietjet… đều duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng và làn sóng lên sàn của một số “công ty tỷ USD” như VPBank, Vincom Retail…, tạo nên sức hút đáng kể của các nhà đầu tư tổ chức. Bên ngoài, tình hình địa chính trị và kinh tế thế giới không có các cú sốc lớn, tác động tiêu cực đến TTCK Việt Nam.
Trong bước tiến dài của VN-Index lên đến mốc 845 điểm, giới phân tích đánh giá, đà đi lên chủ yếu được dẫn dắt bởi các cổ phiếu blue-chips, ngành chứng khoán cũng không ngoại lệ. Dù đã có sự điều chỉnh, cổ phiếu của các CTCK hàng đầu hiện có mức tăng giá cao hơn so với mức bình quân của VN-Index. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, VN-Index tăng 24% thì mã SSI tăng giá 25%, HCM tăng 53%, VND tăng 54%, SHS tăng 400%... Trong khi đó, cổ phiếu nhóm các CTCK nhỏ vẫn ì ạch ở mức “cốc trà đá, mớ rau”.
Sự phân hóa của nhóm cổ phiếu chứng khoán xuất phát từ thực tế hầu hết lợi nhuận trong ngành tập trung vào nhóm CTCK dẫn đầu. Quý III/2017, 10 CTCK lớn nhất kiểm soát hơn 70% thị phần môi giới cổ phiếu trên HOSE. Lãnh đạo HCM chia sẻ, Công ty vượt kế hoạch lợi nhuận năm nay có lý do chính từ thanh khoản toàn thị trường tăng mạnh, nhiều phiên giao dịch giá trị đạt 4.000 - 6.000 tỷ đồng.
Lãnh đạo HCM giữ quan điểm thận trọng với hoạt động đầu tư, nhưng năm 2017 vẫn giải ngân vào thị trường 750 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ 2016. Danh mục đầu tư của HCM có một số cổ phiếu thắng lớn như VPBank, MBB, MWG… Sự khởi sắc trong kinh doanh của VND và SHS đến từ lý do tương đồng HCM.
… và của để dành “giá trị hợp lý”
Một nguyên nhân khác khiến lợi nhuận của khối CTCK lớn khả quan là ảnh hưởng từ chính sách. Theo Luật Kế toán 2015 sửa đổi và Thông tư 210/2014/TT-BTC, bắt đầu từ năm 2017, CTCK thực hiện đánh giá chênh lệch tăng/giảm các khoản tài sản tài chính.
Theo phân loại, khoản đầu tư của CTCK sẽ được chia làm 2: Tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) và tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS). Như vậy, cuối mỗi kỳ kế toán, tài sản tài chính FVTPL được đánh giá phản ánh lợi nhuận tài chính chưa thực hiện. Trong khi đó, tài sản tài chính AFS được ghi nhận vào vốn chủ sở hữu trên bảng bảng cân đối tài sản. Đây là những điểm khác biệt rất đáng kể so với giai đoạn trước, khi các CTCK chỉ ghi nhận trích lập/hoàn nhập dự phòng chứng khoán giảm giá.
Báo cáo kết quả hoạt động của HCM cho thấy, trong 458 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, Công ty có 24 tỷ đồng lợi nhuận chưa thực hiện từ tài sản tài chính FVTPL. Trong khi đó, với VCI, trong 580 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, có đến 104 tỷ đồng lợi nhuận chưa thực hiện. Sau đợt IPO thu về hơn 700 tỷ đồng hồi giữa năm, vốn chủ sở hữu của VCI tăng mạnh lên 2.654 tỷ đồng và trở thành CTCK đứng thứ hai thị trường sau SSI xét trên 4 tiêu chí: Doanh thu, lợi nhuận, vốn hóa thị trường và vốn chủ sở hữu.
Đáng chú ý, ngoài 572 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần từ đợt phát hành, VCI ghi nhận tăng vốn chủ sở hữu thêm 301 tỷ đồng từ việc đánh giá lại tài sản tài chính AFS. Hai khoản đầu tư đáng chú ý nhất là vào MWG (có giá trị thị trường gấp gần 5 lần giá vốn) và khoản đầu tư vào cổ phiếu VPBank (với tỷ suất lợi nhuận gần 80%).
VCI là CTCK tên tuổi duy nhất trên thị trường tăng vốn chủ sở hữu gần như dựa hoàn toàn vào lợi nhuận tích lũy khi giai đoạn 2008 - 2016 tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt 27%/năm về doanh thu và 52%/năm về lợi nhuận sau thuế. Theo thống kê của Vietstock, tỷ lệ sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của VCI vài năm qua luôn ở mức trên 30%, gấp đôi HCM và SSI.
Tại SSI, có danh mục đầu tư ban đầu lên tới 829 tỷ đồng, cao nhất trong các CTCK, công ty này ghi nhận vốn chủ sở hữu tăng thêm 799 tỷ đồng nhờ danh mục đầu tư có giá trị thị trường tăng lên gấp đôi. Trong danh mục tài sản tài chính AFS của SSI, những khoản đầu tư vào TMS, OPC, SGN... có giá trị thị trường gấp 2 - 3 lần giá vốn. Nếu hiện thực hóa, SSI có thể đạt 1.170 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Tương tự với VCI, con số lợi nhuận lên tới 881 tỷ đồng.
Trái ngược với SSI và VCI, vốn chủ sở hữu của HCM và VND không ghi nhận tăng thêm từ tài sản tài chính sẵn sàng để bán. Danh mục đầu tư của cả hai công ty đều ghi nhận tài sản tài chính dưới dạng tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ. Theo lãnh đạo một số CTCK, quy định hiện hành không có định nghĩa tách bạch hoàn toàn giữa hai loại tài sản tài chính FVTPL và AFS nên các CTCK, tùy theo mục tiêu mỗi thời kỳ, có thể đánh giá ghi nhận giá trị tăng thêm vào lợi nhuận chưa thực hiện hoặc vốn chủ sở hữu.
Chỉ còn 2 tháng nữa là năm 2017 sẽ khép lại và nếu không có gì đột biến xấu, năm nay có thể sẽ là năm lợi nhuận tốt nhất với các CTCK tốp đầu. Tuy nhiên, trong quá khứ, lợi nhuận của khối CTCK luôn trồi sụt mỗi khi thị trường biến động mạnh mà điển hình nhất là trường hợp của CTCK Kim Long trước đây. Đây cũng là lý do các CTCK lớn ghi nhận lợi nhuận thận trọng, để có “của để dành” trong kịch bản thị trường không thuận.
- Tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL)thỏa mãn các điều kiện sau: Được mua, tạo ra nhằm mục đích mua bán lại trong thời gian ngắn; có bằng chứng về mục đích kinh doanh nhằm thu lời trong ngắn hạn; công cụ tài chính phái sinh.
- Tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) thỏa mãn các điều kiện sau: Các khoản cho vay phải thu; các khoảng đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn; các tài sản tài chính ghi nhận giá trị hợp lý thông qua lãi lỗ.