Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, đưa vào vận hành trong năm 2022.

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, đưa vào vận hành trong năm 2022.

Lại bẩy "đòn bẩy" đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Những giải pháp nhằm thúc đẩy đầu tư công - yếu tố có vai trò quan trọng trong cấu thành GDP - đang liên tục được thực hiện gần đây.

Thúc đẩy các dự án lớn

Dự án trung tâm logistics Cái Mép Hạ quy hoạch trên diện tích khoảng 1.763 ha, bao gồm trung tâm logistics và bến cảng Cái Mép Hạ hạ lưu (984,24 ha), diện tích mặt nước 455,77 ha, đất dự trữ kho năng lượng sạch 197,65 ha, diện tích mặt nước tiềm năng 125,34 ha đã có những chuyển động mới. Đây là dự án có quy mô lớn, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tổng mức đầu tư của dự án này dự kiến khoảng 19.200 tỷ đồng, chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã giao Sở Giao thông Vận tải lập hồ sơ nghiên cứu tiền khả thi dự án và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Sở Giao thông Vận tải sẽ tổng hợp hồ sơ tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh trình Hội đồng Thẩm định Nhà nước thẩm định, báo cáo Thủ tướng trình Quốc hội xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Liên quan đến việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin, cho đến nay, đã có 5 nhà đầu tư quan tâm và gửi hồ sơ đề xuất thực hiện dự án này, gồm Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội - Geleximco và Công ty cổ phần Vận tải và thương mại quốc tế - ITC (liên danh Geleximco - ITC); liên danh Việt Nam - EU giữa Besix - Boskalis - Hateco; Công ty cổ phần IMG Innovations; Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu quốc tế Tân Đại Dương; Công ty cổ phần Tập đoàn Mặt Trời (Sun Group).

Việc lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện theo quy định tại khoản 7, Điều 29, Nghị định số 31 ngày 25/5/2021 của Chính phủ.

Các dự án đầu tư công mới được yêu cầu đẩy nhanh thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà thầu, còn các dự án dở dang, việc nhanh chóng hoàn thành để đưa vào sử dụng được quan tâm đặc biệt. Ví dụ, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 được yêu cầu tập trung tối đa nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ, đưa vào vận hành, khai thác trong năm 2022.

Tính đến thời điểm hiện tại, tiến độ tổng thể dự án đạt 86,8%, trong đó thiết kế đạt 99,9%; mua sắm đạt 99,71%; gia công, chế tạo đạt 94,4%; thi công đạt 84,2%; chạy thử đạt 13%.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nhấn mạnh, tỷ lệ chạy thử của dự án mới đạt 13% là thấp, cần đẩy nhanh hơn nữa mới bảo đảm mục tiêu tiến độ đề ra.

Dự án này chậm ngày nào thì thiệt hại kinh tế phát sinh rất lớn ngày đó, do chủ đầu tư phải trả lãi vay, địa phương chưa có nguồn thu ngân sách từ dự án và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chưa thể mua điện từ nhà máy với sản lượng có thể đạt trên 7 tỷ kWh, trong khi đó nguồn cung ứng điện của miền Bắc trong những năm tới dự kiến gặp khó khăn.

“Phải phân cấp, ủy quyền mạnh hơn cho Ban Quản lý Dự án, nếu cá nhân, nhà thầu nào không đủ năng lực, không có quyết tâm thì thay ngay”, ông An nói.

Với tâm thế tương tự, ngày 1/9/2021, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã ký quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 đối với các dự án giao thông.

Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể làm Tổ trưởng, Tổ phó là Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm. Các thành viên Tổ công tác là thủ trưởng các đơn vị Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Vụ Đối tác công - tư, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Tài chính, Thanh tra Bộ. Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông là cơ quan thường trực của Tổ công tác.

Nhiệm vụ của Tổ công tác là đôn đốc, kiểm tra, xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công tại các dự án. Tổ công tác sẽ tham mưu Bộ trưởng xử lý nghiêm khắc đối với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Trước đó, Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước cũng có công điện yêu cầu toàn ngành đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021.

Các cơ quan hệ thống Kho bạc Nhà nước không được hách dịch, sách nhiễu trong giải quyết công việc, không để tồn đọng hồ sơ thanh toán tại Kho bạc Nhà nước mà không rõ lý do.

Đối với nhóm dự án đã hoàn thành trước ngày 31/12/2020 vẫn còn tồn đọng quyết toán và kế hoạch vốn chưa giải ngân, chủ đầu tư khẩn trương liên hệ với nhà thầu để thanh toán công nợ theo quy định.

Tăng trưởng kinh tế đặt trên vai đầu tư công

Tại sao thúc đẩy đầu tư công lại có vai trò quan trọng và được tập trung mạnh mẽ như vậy ở thời điểm này?

Biến số quan trọng nhất mà Chính phủ có thể chủ động là thúc đẩy chi tiêu và đầu tư công. Đây sẽ phải là đầu tàu kéo nền kinh tế tăng trưởng sau dịch bệnh.

Như chúng ta đã biết, GDP là phép cộng của các biến số: tiêu dùng, tiêu dùng, đầu tư công của Chính phủ, đầu tư tư nhân, xuất khẩu. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát kéo dài, khu vực kinh tế tư nhân đang trên đà lao dốc (nhất là các ngành dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn), biến số đầu tư tư nhân gần như không còn lớn, cũng không thể kỳ vọng vào biến số tiêu dùng ở thời điểm này. Để tăng trưởng GDP, Việt Nam chỉ còn cách gia tăng biến số đầu tư công từ Chính phủ và xuất khẩu.

Thông điệp thích nghi với bình thường mới, sống chung với dịch bệnh được Thủ tướng Chính phủ đưa ra gần đây cho thấy, doanh nghiệp sản xuất sẽ được tạo điều kiện để sớm hoạt động trở lại, có thể sau ngày 15/9 sẽ có các chính sách mới được ban hành. Biến số quan trọng nhất mà Chính phủ có thể chủ động là thúc đẩy chi tiêu và đầu tư công. Đây sẽ phải là đầu tàu kéo nền kinh tế tăng trưởng sau dịch bệnh.

Theo Tổng cục Thống kê, ước tính giai đoạn này, nếu giải ngân đầu tư công tăng thêm 1% thì GDP tăng thêm 0,058%. Cũng trong dự báo giai đoạn 2021 - 2025, giải ngân 1 đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,61 đồng vốn đầu tư khối ngoài Nhà nước, cao hơn giai đoạn trước là 1,42 đồng.

Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tổng số dự án triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến là gần 5.000 dự án, với mức vốn bình quân là 210 tỷ đồng/dự án - gấp 2,4 lần so với giai đoạn 2016 - 2020 (88 tỷ đồng/dự án). Trong đó, kế hoạch giải ngân đầu tư công là 2,87 triệu tỷ đồng, tăng hơn 40% so với con số thực hiện giai đoạn trước.

Công ty Chứng khoán Agriseco phân tích, đầu tư công có tính dẫn dắt và lan tỏa trên nhiều nhóm ngành.

Khi đầu tư công được đẩy mạnh, các dự án cơ sở hạ tầng được phê duyệt là xúc tác tích cực tới thị trường bất động sản. Các điều kiện pháp lý sẽ thuận lợi hơn từ những thay đổi tích cực trong Luật Xây dựng cũng như lãi suất cho vay mua nhà vẫn đang duy trì ở mức thấp sẽ hỗ trợ nguồn cầu ổn định trong thời gian tới. Đồng thời, nhu cầu xây dựng tăng sẽ giúp các đơn vị sản xuất - kinh doanh vật liệu xây dựng được hưởng lợi trực tiếp.

Nhóm trung và hạ nguồn, gồm xây dựng, thi công công trình cũng có cơ hội tiếp nhận các gói thầu dự án; nhóm logistics, cảng biển hưởng lợi sau khi hạ tầng hoàn thiện hay ngân hàng sẽ đạt lợi ích gián tiếp từ việc tăng cường cấp tín dụng giải ngân trong lĩnh vực này.

Một động thái được nhiều doanh nghiệp và địa phương quan tâm là Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa hoàn thành việc lấy ý kiến với dự thảo đề nghị sửa đổi một số quy định tại Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, Luật Đấu thầu, để gửi Bộ Tư pháp hoàn thành việc dự thảo đề xuất một luật sửa nhiều luật vào thời điểm.

Theo đó, sẽ phân cấp mạnh mẽ cho chính quyền các địa phương trong việc phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án nhóm B và C (các dự án có vốn đầu tư nước ngoài) và nhiều nội dung khác, thay vì Thủ tướng Chính phủ phải phê duyệt hoặc có ý kiến như hiện nay. Tương tự là các quy định về đấu thầu dự án…

Việc đẩy mạnh phân cấp được kỳ vọng sẽ thúc đẩy đầu tư công mạnh mẽ hơn trong năm 2022 và sau đó.

Phải chăng thị trường chứng khoán đã đi trước để đón đầu những chuyển động như vốn dĩ nó vẫn từng vận động?

Tin bài liên quan