Vốn FDI đăng ký mới và bổ sung đều tăng vọt so với cùng kỳ, trở thành động lực cho sự tăng trưởng của nền kinh tế

Vốn FDI đăng ký mới và bổ sung đều tăng vọt so với cùng kỳ, trở thành động lực cho sự tăng trưởng của nền kinh tế

Lạc quan triển vọng kinh tế quý III

(ĐTCK) Giới chuyên gia và doanh nghiệp lạc quan hơn vào triển vọng của nền kinh tế trong quý III cũng như nửa cuối năm nay.

Xu hướng tốt lên

Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp vừa ghi nhận mức tăng trưởng 6,2% trong 6 tháng đầu năm và dự báo tiếp tục tăng trưởng mạnh trong quý III. Riêng ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng 10,5% trong 6 tháng.

Tâm lý lạc quan của cộng đồng doanh nghiệp có thể thấy rõ qua kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê về xu hướng kinh doanh quý III. Theo đó, có 52,1% doanh nghiệp được hỏi nhận định tình hình kinh doanh trong quý III sẽ tiếp tục tốt lên, 35,9% doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất - kinh doanh sẽ ổn định. Trong khi chỉ có 12% doanh nghiệp dự báo sẽ có khó khăn.

Tương đồng với kết quả trên, 53,4% số doanh nghiệp được hỏi dự báo khối lượng sản xuất sẽ tăng lên, 36% doanh nghiệp dự báo sản xuất ổn định và chỉ 10,6% doanh nghiệp dự báo sản xuất giảm. Bên cạnh đó, có 20,1% số doanh nghiệp dự báo quy mô lao động tăng và 18,2% số doanh nghiệp dự báo giá bán sản phẩm sẽ cao hơn, doanh thu tốt hơn.

Dự báo được đưa ra từ Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong nửa cuối năm 2017, khi những giải pháp tháo gỡ khó khăn, đảm bảo tăng trưởng đã và đang tiếp tục được thực hiện với quyết tâm cao từ Chính phủ.

Cơ quan này cho rằng, nhiều khả năng ngành công nghiệp khai khoáng sẽ được vực dậy với kế hoạch gia tăng sản lượng khai thác than và dầu cùng với việc thúc đẩy mạnh mẽ hơn ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong thời gian tới.

Khu vực dịch vụ được kỳ vọng sẽ ghi nhận mức tăng trưởng nhanh hơn so với cùng kỳ trong 6 tháng cuối năm 2017 khi nhu cầu tiêu dùng, du lịch có xu hướng cải thiện tốt hơn. Khu vực nông, lâm, thủy sản sẽ tiếp tục phục hồi, tuy nhiên cũng cần đẩy mạnh hơn các giải pháp để giải quyết vấn đề đầu ra cho các sản phẩm của khu vực này.

Theo đó, tăng trưởng toàn nền kinh tế có thể đạt mức khá, khi cả ba khu vực chính của nền kinh tế là nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ cùng được cải thiện.

TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nhận định, trong bối cảnh kinh tế có dấu hiệu phục hồi, dự báo tăng trưởng kinh tế quý III có thể đạt mức 6,7%, lạm phát cuối quý III có thể giảm xuống 1,8%.

Cú hích từ vốn FDI

Nguồn vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục tăng mạnh, các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Hong Kong (Trung Quốc… liên tiếp đổ bộ vào Việt Nam, kinh doanh trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Riêng Hàn Quốc trong 7 tháng đầu năm đã rót 5,62 tỷ USD, trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam.

Đáng chú ý là sự quay trở lại của các dự án tỷ USD, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng tích cực của kinh tế Việt Nam. Khởi đầu quý III, Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) đã ký kết hợp đồng thực hiện Dự án Khu phức hợp thông minh (Eco-Smart City) tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.HCM).

Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 20.100 tỷ đồng (tương đương gần 1 tỷ USD). Trước đó 1 tháng, Tập đoàn BRG và Tập đoàn Sumimota (Nhật Bản) cũng tuyên bố ký kết thỏa thuận thực hiện dự án 4 tỷ USD tại Hà Nội.

Gần 22 tỷ USD vốn FDI đã được rót vào Việt Nam trong 7 tháng đầu năm. Riêng vốn đăng ký mới đạt 12,92 tỷ USD, tăng 48,7% so với cùng kỳ năm ngoái; vốn đăng ký tăng thêm 5,87 tỷ USD, tăng 38,5% so với cùng kỳ năm 2016.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất, với 59% tổng vốn đầu tư. Tiếp đó là lĩnh vực bất động sản và sản xuất. Phân phối điện, khí, nước được rót vốn ở vị trí thứ ba.

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, doanh nghiệp Việt đang có nhiều khởi sắc, đặc biệt khối doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cùng sự đóng góp của các doanh nghiệp FDI lớn như Samsung sẽ là đòn bẩy của tăng trưởng chung toàn quý.

Lĩnh vực tiêu dùng, bán lẻ cũng được dự báo tương đối sáng sủa trong những tháng cuối năm 2017, dự báo đạt mức tăng trưởng 7,7% trong năm 2017. Ngành dịch vụ 6 tháng đầu năm cũng có bước tăng trưởng đột phá, với mức tăng 6,85%, mức cao nhất so với cùng kỳ 5 năm gần đây. Đây cũng là nhóm ngành được kỳ vọng sẽ đóng góp nhiều vào tăng trưởng trong quý III năm nay.

Các chuyên gia kinh tế cũng nhận định, với tình hình tài chính của các ngân hàng đang tái cơ cấu dường như đã ổn định, mức lãi suất huy động tiếp tục được ổn định và giảm ở kỳ hạn ngắn sẽ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển tốt hơn. Theo đó, thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục khởi sắc, VN-Index có thể vượt mốc 800 điểm trong năm 2017.

Tin bài liên quan