Ông Trần Quốc Phương
Tại Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội hồi tháng 10/2017, báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, Chính phủ cho biết, trong 13 chỉ tiêu Quốc hội giao có 5 chỉ tiêu vượt và 8 chỉ tiêu đạt. Trong đó, tốc độ tăng GDP đạt 6,7%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 14,4%, tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4%, xuất siêu và tỷ lệ hộ nghèo là 1,51% và xuất siêu...
Đến nay, tại Kỳ hợp thứ 5 này, theo báo cáo của Chính phủ bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội 2017, thì có 6 chỉ tiêu cao hơn báo cáo ở Kỳ họp thứ 4. Cụ thể, có 8 chỉ tiêu vượt kế hoạch, 4 chỉ tiêu đạt kế hoạch. Trong đó, tốc độ tăng GDP đạt 6,81%, nhập siêu bằng 1,4% tổng kim ngạch xuất khẩu tốc độ tăng CPI thấp, chỉ là 3,53%... giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều là 1,51%...
“Đã lâu lắm rồi chúng ta mới đạt kết quả như vậy”, ông Phương lạc quan chia sẻ và cho biết, 3 chỉ tiêu quan trọng vượt mức Quốc hội giao là tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP, tốc độ tăng giá tiêu dùng và tỷ lệ hộ nghèp. Đây là 3 chỉ tiêu toàn diện của nền kinh tế, phản ánh cả kết quả phát triển kinh tế, an sinh xã hội và ổn định vĩ mô.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ, có 1 chỉ tiêu không đạt là "giảm tỷ suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP chỉ đạt 0,5% (trong khi chỉ tiêu được giao là 1,5%). Nguyên nhân không đạt là do các ngành sản xuất chậm triển khai ứng dụng và chuyển đổi các dây chuyền công nghệ sử dụng ít năng lượng.
Để thực hiện được chỉ tiêu này thì phải có thời gian, cần chi phí lớn và sự thay đổi nhận thức của doanh nghiệp, đồng thời cần có có chính sách khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi sang các dây chuyền công nghệ tiết kiệm năng lượng.
Theo ông Phương, chỉ tiêu này trong kỳ họp Quốc hội trước đã được cho phép đánh giá theo giai đoạn 5 năm thay vì từng năm một để phản ánh được sự thay đổi.
“Phải đợi hết kế hoạch 2016-2020 mới có tính toán chính xác”, ông Phương nhấn mạnh.
Giải thích về sự khác nhau giữa hai báo cáo, người phát ngôn Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Báo cáo tại Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội là trên cơ sở tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm và dự kiến khả năng thực hiện quý IV. Báo cáo lần này là dựa trên kết quả thực hiện cả năm, cập nhật số liệu mới nhất.
Đánh giá chung về kết quả kinh tế xã hội năm 2017, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc 12 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch là kết quả tích cực trong bối cảnh số lượng các chỉ tiêu đạt vượt mục tiêu trong những năm trước không nhiều và năm 2017 được xác định là năm có nhiều thách thức và hạn chế.
“Kết quả khả quan này sẽ tạo đà cho những năm cuối của kỳ kế hoạch 5 năm 2016-2020. Ngay từ đầu năm Chính phủ, đã xác định rõ ràng nếu 2017 không vượt qua được khó khăn sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới kết quả của cả giai đoạn 5 năm, do đó phải quyết tâm đạt được”, ông Phương chia sẻ.
Cũng theo người phát ngôn Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2017, vị thế và vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế đã được nâng cao. Chỉ số xếp hạng về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo… đều tiến bộ. Đặc biệt, niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như nỗ lực của Chính phủ.
“Niềm tin lấy được đã rất khó nhưng giữ được còn khó hơn. Do đó, nhiệm vụ quan trọng nhất là phải có những giải pháp tổng thể để gia tăng niềm tin của xã hội và cộng đồng doanh nghiệp”, ông Phương nhấn mạnh.
Mặc dù vậy, đại diện Bộ kế hoạch và Đầu tư cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, nền kinh tế vẫn còn nhiều tồn tại cần phải khắc phục, tăng trưởng năm 2018 phải đối mặt với nhiều thách thức và rủi ro từ cả yếu tố chủ quan và khách quan.
Tăng trưởng kinh tế quý I/2018 khá cao ở mức 7,38% vừa đáng mừng nhưng cũng đáng lo vì có thể tạo ra tâm lý buông lơi, lơ là trong điều hành cũng như trong thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Theo nhận định của đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2018 được dự báo là yếu tố thuận lợi nhiều hơn với tăng trưởng kinh tế quý I đã được ghi nhận mức cải thiện ấn tượng, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục đà phục hồi và được dự báo tiếp tục tăng trưởng cao. Tuy nhiên, bối cảnh trong và ngoài nước còn diễn biết khó lường, chứa đựng nhiều rủi ro và phức tạp, do đó không thể lơ là chủ quan, có tâm lý thỏa mãn ngủ quên trên thành tích mà cần hết sức thận trọng trong công tác điều hành.
Chia sẻ về vấn đề chất lượng tăng trưởng, theo ông Phương, gần đây có nhiều ý kiến cho rằng chất lượng tăng trưởng thấp là chưa công bằng.
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chất lượng tăng trưởng đã cải thiện nếu nhìn vào chỉ số về tốc độ tăng trưởng. Theo tính toán, từ 2011 tới nay, bình quân đạt trên 6%, đạt mức tăng khá; chỉ số TFP (phản ánh sự tiến bộ của khoa học kỹ thuạt) đang tiến bộ dần trên 40%; năng suất lao động có cải thiện; thu nhập bình quân đã cải thiện, hiện ở mức 2.385 USD/người, gần gấp đôi so với cách đây 7 năm và gấp 3 lần so với 2007.
Chất lượng tăng trưởng thể hiện ở tốc độ tăng trưởng và gắn với báo đảm công bằng an sinh xã hội. Đặc biệt, đánh giá chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2017 của các tổ chức quốc tế đối với Việt Nam ở mức khá, lần đầu tiên vượt Philipines. Tuy nhiên, so với đòi hỏi của nền kinh tế thì đóng góp TFP phải tăng nhanh hơn nữa để thu hẹp khoảng cách thu nhập bình quân so với các nước...