Cụ thể, HOSE thông báo ông Nguyễn Trọng Hà, Kế toán trưởng Camimex Group đăng ký bán toàn bộ hơn 3,05 triệu cổ phiếu CMX nhằm mục đích cá nhân.
Giao dịch được thực hiện theo phương thức thỏa thuận, dự kiến từ ngày 18/5 đến ngày 16/6/2020. Hiện ông Hà đang là cổ đông lớn nhất của Camimex Group và nếu giao dịch thành công, cá nhân này sẽ giảm sở hữu tại CMX xuống còn 0%.
Ngày 13/5, ông Đặng Ngọc Sơn, Thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc Công ty cũng đăng ký bán toàn bộ gần 3 triệu cổ phiếu CMX, tương đương với 11,29% cổ phần theo phương thức thỏa thuận, giảm tỷ lệ sở hữu xuống 0%. Giao dịch dự kiến thực hiện từ 19/5 đến 18/6.
Trong khi đó, bà Vũ Thị Bích Ngọc, vợ Chủ tịch HĐQT Công ty - ông Bùi Sĩ Tuấn, lại đăng ký mua 2,99 triệu cổ phiếu CMX, tương ứng tỷ lệ 11,29%. Thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 12/5 đến ngày 12/6/2020.
Nhà đầu tư thấy lạ khi xâu chuỗi lại các thông tin, hoạt động và diễn biến giá cổ phiếu CMX thời gian qua.
Cuối tháng 1/2020, Camimex công bố lợi nhuận cả năm 2019 tăng 74% so với 2018, thị giá cổ phiếu sau đó tăng đến 60% và Công ty đã tiến hành chào bán tăng vốn với tỷ lệ 1:1 cho cổ đông vào đầu tháng 2/2020.
Khi đợt tăng vốn vừa kết thúc vào cuối tháng 3/2020, CMX công bố báo cáo kiểm toán năm 2019 với lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ giảm 70,7% so với số tự lập, lợi nhuận cả năm từ tăng 74% so với 2018 chuyển sang giảm 49,1%. Thị giá cổ phiếu CMX đến ngày 22/4/2020 giảm về 10.800 đồng/CP.
Cuối tháng 4, CMX lại liên tục tăng giá và có nhiều phiên tăng trần. Bước sang tháng 5, cổ phiếu CMX tiếp tục có đợt bứt phá mạnh với 5 phiên tăng trần liên tiếp và vượt giá 18.000 đồng/CP, đặc biệt các phiên tăng trần đều có khối lượng khớp lệnh lớn.
Nhìn lại thời điểm chốt tiền mua cổ phần phát hành thêm, 134 cổ đông trong nước đã thực hiện quyền mua 9,4 triệu cổ phần, chiếm 71,2% lượng cổ phiếu được chào bán; 5 cổ đông nước ngoài chỉ mua 779 cổ phiếu; 3,81 triệu cổ phần (28,8% lượng cổ chào bán) bị cổ đông bỏ quyền đã được CMX phân phối riêng lẻ cho 4 nhà đầu tư cá nhân.
Đáng chú ý, ông Nguyễn Trọng Hà, Kế toán trưởng và ông Đặng Ngọc Sơn, Thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc Công ty, đã lần lượt mua 11,54% và 11,29% cổ phần và trở thành 2 cổ đông lớn nhất tại CMX. Ông Hà Văn Bằng, một nhà đầu tư chưa sở hữu cổ phần nào cũng mua vào hơn 1,6 triệu cổ phần, trở thành cổ đông lớn sở hữu hơn 6% vốn của Công ty.
Như vậy, chỉ trong chưa đầy 2 tháng, ông Hà, ông Sơn, từ không sở hữu cổ phần nào đã mua hơn 11% cổ phần phát hành thêm mỗi người, rồi sau đó đăng ký chuyển nhượng hết qua thỏa thuận. Đặc biệt, trong các ngày 11 - 13/5, ông Hà Văn Bằng cũng đã chuyển nhượng toàn bộ số cổ phiếu CMX.
Động thái này khiến không ít nhà đầu tư đặt ra câu hỏi: liệu có phải ông Hà, ông Sơn, ông Bằng chỉ đứng tên để “xoay vòng” dòng tiền cho đợt phát hành tăng vốn trong quý I/2020 của CMX?
Nhà đầu tư cũng băn khoăn trước những câu hỏi. Có hay không việc cổ đông nội bộ CMX mua cổ phần phát hành tăng vốn bị “ế” (qua cả các tài khoản không cần công bố thông tin) để tăng vốn thành công, sau đó “đánh lên” để bán lượng cổ phần đã mua ra thị trường? Liệu các giao dịch thỏa thuận liên quan đến lãnh đạo doanh nghiệp và cổ đông nội bộ của CMX có phải nhằm mục đích trả lại cổ phiếu và dòng tiền đã luân chuyển trước đó?
Về đợt phát hành tăng vốn của Camimex, có 2 vấn đề nhà đầu tư đặt câu hỏi. Thứ nhất, tại sao báo cáo kiểm toán 2018 của Công ty có ý kiến ngoại trừ liên quan đến khoản mục trọng yếu là hàng tồn kho mà Ủy ban Chứng khoán vẫn cấp phép cho Công ty phát hành ra công chúng năm 2019.
Thứ hai, tại sao trong ngày 28/3/2020, cùng ngày công bố chào bán thành công, HĐQT của CMX đã ra nghị quyết điều chỉnh mục đích sử dụng vốn. Theo đó, thay vì dùng một phần để đầu tư mua máy móc, thiết bị còn lại bổ sung vốn lưu động như phương án xin chào bán, Công ty lại sử dụng 100% số tiền thu được để bổ sung vốn lưu động. Có hay không việc không trung thực trong phương án huy động vốn để dễ bề xin cấp phép chào bán?
Báo Đầu tư Chứng khoán cũng đã chuyển những băn khoăn của nhà đầu tư tới CMX và đang chờ phản hồi của Công ty.