Lạ lùng chuyện quản lý vốn nhà nước tại HLS

Lạ lùng chuyện quản lý vốn nhà nước tại HLS

(ĐTCK) Mặc dù đã thoái hết vốn tại CTCP Gốm sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn (mã HLS, sàn UPCoM) từ năm 2016, song Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) vẫn miệt mài theo kiện đòi hủy nghị quyết Đại hội đồng cổ đông 2008, 2009.

Vào đầu tháng 3/2020, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã giải quyết theo trình tự phúc thẩm để xem xét đơn kháng cáo của SBIC (tiền thân là Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam - Vinashin) yêu cầu hủy nghị quyết Ðại hội đồng cổ đông (ÐHÐCÐ) của HLS năm 2008, 2009.

Ðược biết, SBIC đã thoái vốn tại HLS vào năm 2016. Tại phiên đấu giá công khai, toàn bộ 473.960 cổ phần (tương đương 13,94% vốn điều lệ) được bán với giá 25.200 đồng/cổ phiếu. Ba nhà đầu tư cá nhân đã trúng đấu giá và được HLS cấp sổ cổ đông.

HLS tiền thân là Công ty Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn, có nhà máy tại TP. Yên Bái, nơi có nguồn nguyên liệu sản xuất sứ cách điện. HLS đã cổ phần hóa, chuyển từ doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần từ năm 2004, với vốn điều lệ 8,45 tỷ đồng.

Khi đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái là đại diện chủ sở hữu nhà nước nắm giữ 56% vốn (tương đương 4,7 tỷ đồng). Năm 2007, vốn Nhà nước được chuyển giao cho SBIC.

Theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay đổi lần 12 vào năm 2017, vốn điều lệ HLS tăng lên 54,39 tỷ đồng.

Các nghị quyết Ðại hội đồng cổ đông của HLS mà SBIC khởi kiện yêu cầu hủy bỏ đều có nội dung liên quan đến việc tăng, giảm vốn điều lệ của HLS cũng như điều chỉnh tỷ lệ vốn góp của SBIC.

Cụ thể, ngày 30/5/2008, HLS công bố biên bản họp Ðại hội đồng cổ đông thường niên về việc tăng vốn điều lệ lên 35 tỷ đồng.

Trong lần tăng vốn này, HLS đã phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu; tỷ lệ vốn nhà nước giảm từ 56% xuống còn 51%.

Ngày 28/2/2009, HLS giảm vốn điều lệ xuống 29,74 tỷ đồng, bằng giá trị lợi nhuận để lại của SBIC (theo Nghị quyết Ðại hội đồng cổ đông thường niên ngày 25/2/2009).

Tỷ lệ vốn nhà nước do SBIC nắm giữ giảm còn 42,3%. Ngày 9/7/2009, HLS họp ÐHÐCÐ với nội dung giảm vốn góp bằng thương hiệu của Vinashin được xác định là 7 tỷ đồng. SBIC còn nắm giữ 15,93% vốn điều lệ.

Lý do SBIC khởi kiện yêu cầu hủy bỏ các nghị quyết trên từ năm 2012 với lý do các kỳ Ðại hội cổ đông đều không có đại diện vốn nhà nước tham gia.

Theo hồ sơ vụ việc, tòa sơ thẩm và phúc thẩm đã có hai lần ra quyết định đình chỉ giải quyết. Ðến năm 2017, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao đã hủy quyết định đình chỉ giải quyết, với lý do là các biên bản Ðại hội đồng cổ đông, nghị quyết của HLS không được gửi cho SBIC là vi phạm Luật Doanh nghiệp 2005, nên còn thời hiệu khởi kiện.

Ngoài ra, yêu cầu tòa sơ thẩm làm rõ việc tăng, giảm vốn điều lệ có làm thất thoát tài sản nhà nước hay không. Nếu có, trách nhiệm của lãnh đạo HLS và người đại diện vốn nhà nước như thế nào?

Năm 2019, cơ quan Công an tỉnh Yên Bái đã có kết luận “không có dấu hiệu thất thoát vốn nhà nước tại HLS”.

Tòa án Nhân dân TP. Yên Bái cũng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của SBIC. Tuy nhiên, nguyên đơn vẫn tiếp tục kháng cáo lên cấp phúc thẩm vì cho rằng, các kỳ Ðại hội cổ đông đều không có đại diện vốn nhà nước tham gia; số liệu tài chính không phù hợp với kết quả kiểm toán mà SBIC nắm được, kết luận của cơ quan điều tra không sát với nội dung yêu cầu.

Tòa phúc thẩm không đồng tình với yêu cầu của SBIC. Lý do là ngày 21/10/2009, ông Vũ Tuấn Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị HLS, đồng thời là đại diện vốn góp của SBIC tại HLS đã gửi Văn bản số 79 cho Hội đồng quản trị Tập đoàn Vinashin xác định số vốn của Vinashin là 4,7 tỷ đồng/29,7 tỷ đồng tại HLS.

Tại công văn này, ông Dương đề nghị Tập đoàn cử người khác tham gia đại diện vốn góp. Ngày 4/12/2009, ông Phạm Thanh Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinashin đã ký quyết định cử ông Ðỗ Ðức Tuấn làm đại diện quản lý 15,29% cổ phần tại HLS.

Theo tòa án, SBIC hoàn toàn biết số vốn nhà nước tại HLS qua các nghị quyết Ðại hội đồng cổ đông và thể hiện qua việc SBIC không có ý kiến phản đối.          

Tin bài liên quan