Lạ lùng cách huy động vốn trái phiếu Đạt Phương

(ĐTCK) Mong muốn gọi được 150 tỷ đồng tiền trái phiếu thông qua phát hành riêng lẻ (tức là dưới 100 nhà đầu tư) nhưng Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) và Công ty cổ phần Đạt Phương (mã DPG, sàn HOSE) lại có cách bán trái phiếu khá lạ lùng.

Trong vai nhà đầu tư mua trái phiếu, người viết bài này khi liên hệ với môi giới xưng tên M. của SSI đặt câu hỏi: “Tại sao đây là đợt phát hành riêng lẻ mà nhà đầu tư có thể đăng ký mua thoải mái (không có điều kiện gì về giá trị tối thiểu – PV)?”, và “Nếu phát hành riêng lẻ mà lại bán cho nhà đầu tư đại chúng, sau này có vấn đề gì thì nhà đầu tư chịu rủi ro vì mua trái phiếu sai luật, thì sao?” thì môi giới của SSI trả lời “Chưa nắm được nên xin kiểm tra lại rồi trả lời sau”.

Môi giới này hôm sau đã gọi điện lại và trả lời người viết rằng, đúng là chỉ được dưới 100 nhà đầu tư và “chị cứ đăng ký và xếp hàng thôi”. Tuy nhiên, sau đó, chính môi giới này lại khẳng định “chị chắc chắn mua được 500 triệu đồng” (Đây là số tiền nhà đầu tư hỏi mua trái phiếu hôm trước).

Môi giới nói thêm “Nếu chị đặt cọc, thì mua được luôn. Chị đặt cọc là em xác nhận chị là 100 người đầu tiên luôn”.

Cách bán này khiến những nhà đầu tư am hiểu về kênh trái phiếu khá lạ lùng.

Một nhà đầu tư chia sẻ, thông thường những đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ sẽ giới hạn nhà đầu tư nhằm đáp ứng được các điều kiện kèm theo, chẳng hạn giá trị tối thiểu của lô trái phiếu đặt mua là 1 tỷ, 2 tỷ đồng… Nhưng ở đợt phát hành này lại ưu tiên về thời gian và để mở giá trị trái phiếu đặt mua. Giả định, dưới 100 nhà đầu tư cá nhân đăng ký mua vài chục triệu hay một hai trăm triệu đồng sớm nhất, thì đợt phát hành riêng lẻ này của Đạt Phương lại tiếp tục “ế nặng” như đợt trước?

Cũng khá lạ lùng ở tài sản đảm bảo của đợt phát hành. Theo công bố, 6,3 triệu cổ phiếu DPG được dùng làm tài sản đảm bảo nhưng trong báo cáo tài chính mới nhất của Đạt Phương không thấy dữ liệu cho thấy đây là cổ phiếu quỹ của doanh nghiệp. Nhà đầu tư đặt câu hỏi, nếu không phải là tài sản của Công ty, nguồn gốc tài sản này là ở đâu? Liệu nó đã được dùng làm tài sản đảm bảo cho một khoản vay ký quỹ nào đó ở công ty chứng khoán hay ngân hàng, doanh nghiệp nào khác?

Nên nhớ rằng biến động trên thị trường chứng khoán Việt Nam là cực lớn, thời gian qua đã ghi nhận nhiều mã chứng khoán bị “thổi bay” hơn 75% giá trị trong vòng chưa đầy nửa tháng với nghi vấn lãnh đạo doanh nghiệp, cổ đông lớn sử dụng đòn bẩy margin.

Báo Đầu tư Chứng khoán đã phản ánh những thông tin về Đạt Phương và các đợt phát hành trái phiếu đang diễn ra đến lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.  Một lãnh đạo cơ quan này cho biết “Ủy ban đang xem xét”.

Thị trường chứng khoán có đặc tính rất dễ tổn thương, bởi vậy các hoạt động huy động vốn qua thị trường cần được giám sát và thực hiện minh bạch, phần nào ngăn chặn những “vụ nổ” có thể xảy ra, gây phương hại đến niềm tin của các nhà đầu tư như đang diễn ra với thị trường condotel hiện nay.

Tin bài liên quan