Là doanh nhân, phụ nữ vẫn phải là linh hồn của gia đình

Là doanh nhân, phụ nữ vẫn phải là linh hồn của gia đình

(ĐTCK-online) Với Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), làm mẹ, làm vợ là một thiên chức cao quý và vì gia đình, chị sẵn sàng lùi về phía sau. Dường như ở người phụ nữ này, không khi nào hiện lên vẻ mệt mỏi vì những bận rộn và áp lực bủa vây. Chị vẫn cười tươi kể về giấc mơ một thời được làm một kỹ sư hóa học...

Cơ duyên nào đã đưa chị đến với ngành kinh doanh vàng nữ trang?

Tôi bắt đầu công việc bằng sự phân công. Nhưng vì tính tôi, đã được giao việc gì là phải làm với tinh thần trách nhiệm. Đã có trách nhiệm thì phải xây dựng mục đích, tự tạo niềm đam mê. Dần dà, từ những thành công nho nhỏ gộp lại, tôi thấy mình bị lôi cuốn và đam mê thực sự. Tôi cho rằng, khi duyên phận đến, tốt nhất là nên chấp nhận và thực hiện nó với trách nhiệm cao nhất. Lúc này, duyên phận sẽ không còn là sự sắp đặt mà đã là lựa chọn của bản thân.

 

Mới hoạt động vài năm, PNJ đã xuất khẩu và được Hội đồng Vàng thế giới đánh giá cao. Đó có phải là đích đến của PNJ chưa?

Vươn tầm thế giới và trường tồn là 2 mục tiêu mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng phải nghĩ tới. Từ những năm 1995 - 1996, sản phẩm của PNJ đã được xuất khẩu và đến nay, thương hiệu PNJ đã nổi tiếng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, tôi đặt mục tiêu, không chỉ tên tuổi PNJ mà từng mặt hàng, nhãn hiệu của PNJ như Cao, Silver... sẽ vươn ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

 

Sản phẩm của PNJ sẽ cạnh tranh như thế nào khi khâu sáng tạo trong ngành kim hoàn của Việt Nam vẫn bị đánh giá là rất yếu?

Yếu về sáng tạo là đặc điểm của Việt Nam, do giáo dục chưa khơi thông tính sáng tạo. Vì thế, từ năm 1995, PNJ đã lập nên bộ phận chuyên thiết kế, cử chuyên viên ra nước ngoài đào tạo, tham gia các triển lãm về nữ trang của các nước để học hỏi ý tưởng, tạo chủ đề để khích lệ tinh thần sáng tạo trong nhân viên.

Không chỉ sáng tạo mẫu mã, chúng tôi còn đề cao sáng tạo trong phương thức phân phối, trong kinh doanh, trong kỹ thuật. Nhờ đó, từ chỗ phụ thuộc mẫu mã vào đơn hàng, nay chúng tôi đã chủ động hơn trong thiết kế, gửi mẫu cho khách hàng lựa chọn.

 

Có rất nhiều người đã thành công và ở đỉnh cao sự nghiệp nhưng rồi họ không cưỡng được quy luật phát triển - đỉnh cao và thoái trào. Chị có nghĩ, mình luôn duy trì được đỉnh cao?

Cá nhân tôi chưa bao giờ suy  nghĩ mình đang ở đỉnh này hay đỉnh kia. Tôi chỉ nghĩ làm sao kiến tạo, xây dựng và đưa doanh nghiệp phát triển. Vì trong sự phát triển của Công ty, có sự nghiệp của mình trong đó. Tôi cũng hiểu, sức người có giới hạn. Rồi sẽ có lúc, mình phải bước ra khỏi cuộc chơi.

Nhưng với công ty thì khác. Nếu doanh nghiệp đang ở đỉnh này, nhiệm vụ của lãnh đạo phải nghĩ tiếp những đỉnh cao hơn. Vì một khi DN xác định đã lên tới đỉnh rồi, xuống đỉnh chỉ là sớm muộn.

 

Chị cùng lúc đóng nhiều vai trò, là nữ doanh nhân, là mẹ, là vợ trong gia đình. Vai trò nào chị cũng đóng đạt. Có bí quyết gì chăng?

Cơ bản là từ quan điểm, cách sống của bản thân. Đó là tạo sự cân bằng trong cuộc sống và không cầu toàn. Tôi giảm áp lực bằng cách không quá kỳ vọng vào điều gì, vào bất cứ ai. Tôi không cố phải hoàn hảo hay bắt người khác phải hoàn hảo. Tôi cho rằng, sai lầm hay thất bại là việc đương nhiên. Nghĩ thế, tự nhiên mọi việc trở nên nhẹ nhàng.

 

Trong số 5 doanh nhân đạt giải thưởng Ernst & Young - Bản lĩnh Doanh nhân lập nghiệp 2011 mới đây, chỉ duy nhất chị là nữ. Phải chăng ở phụ nữ có nhiều hạn chế nên không thể phát triển sự nghiệp như đàn ông?

Phụ nữ phải chịu nhiều ràng buộc khác như quán xuyến gia đình, không có điều kiện để phát triển tối đa như đàn ông. Và những công việc được cho là nạng nhọc, người ta cũng chỉ nghĩ tới các ông trước. Những điều đó hạn chế cơ hội cho phụ  nữ.

 

Nếu được hoạt động vì quyền lợi phụ nữ, chị có nghĩ mình sẽ đấu tranh để phụ nữ được nhiều quyền và cơ hội hơn không?

Tôi ít khi nghĩ rằng phụ nữ đang bị đối xử bất bình đẳng vì tôi tán thành những quy ước xã hội về vai trò của phụ nữ như phải chăm lo gia đình, nhường bước cho chồng con... Tôi đồng tình quan điểm phụ nữ phải là linh hồn của gia đình. Không thể xem thiên chức làm vợ, làm mẹ là một áp lực hay việc bất bình đẳng, mà đó chính là niềm hạnh phúc. Nhưng người phụ nữ cũng cần cho đàn ông thấy được tầm quan trọng của "hậu phương".