Kỳ vọng sức sản xuất trong dân được giải phóng

Kỳ vọng sức sản xuất trong dân được giải phóng

(ĐTCK) Trong bối cảnh nguồn thu cho ngân sách từ một số lĩnh vực tác động không tích cực đến tăng trưởng GDP (*), Chính phủ đang dồn sức hỗ trợ cho đầu tàu tăng trưởng quan trọng là khu vực doanh nghiệp.

Một trong những hành động thiết thực là Chính phủ đang chuẩn bị ban hành Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh ngay đầu năm 2017, thay vì thông lệ ban hành vào tháng 3, hoặc tháng 4 hàng năm trước đây.

Năm khởi nghiệp quốc gia 2016 đã khép lại với những chuyển biến bước đầu trong triển khai các giải pháp nhằm tiếp sức cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân phát triển. Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, nhiều cải cách chỉ dừng… trên giấy, nhất là ở cấp địa phương, khiến họ chưa được thụ hưởng tác động từ các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ.

Các thủ tục về cấp phép xây dựng, giải quyết tranh chấp, phá sản doanh nghiệp… vẫn rườm rà, khó khả thi. Với những bất cập trên, doanh nghiệp chẳng biết kêu ai, vì kêu thì lo bị chính quyền địa phương trù dập, thậm chí bị cán bộ công quyền “hành”.

Tuy hiện nay doanh nghiệp có thể gửi kiến nghị, đề xuất trực tiếp lên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ qua hệ thống www.doanhnghiep.chinhphu.vn, nhưng với các kiến nghị, phản ánh nhạy cảm, doanh nghiệp rất khó nói thật.

Tại hội nghị của Chính phủ với các địa phương mới đây để triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trăn trở: Doanh nghiệp còn nhiều bức xúc về môi trường kinh doanh, nhưng không dám phản ánh do sợ bị lộ danh tính, bị chính quyền cấp dưới định kiến. Do đó, tới đây cần tính cơ chế để doanh nghiệp phản ánh ý kiến nhưng không lộ danh tính, có vậy mới tạo chuyển biến mạnh về cải cách môi trường kinh doanh…

Nỗi lòng của doanh nghiệp, như vậy, đã thấu tới lãnh đạo Chính phủ và đây là lý do để kỳ vọng năm 2017 sẽ là năm chứng kiến những chuyển biến rõ nét trong kiểm tra, giám sát việc triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh. Phó thủ tướng nhìn nhận, điều quan trọng là các bộ, ngành, địa phương phải vào cuộc, bởi ban hành văn bản rồi, nhưng không thực hiện thì không thể mong có kết quả tốt.

Với quyết tâm chăm lo phát triển đội ngũ doanh nghiệp của Chính phủ, hy vọng Nghị quyết 19 sắp ban hành sẽ có nhiều giải pháp mới, mang tính đột phá thúc đẩy sức sản xuất còn nhiều tiềm năng trong dân. Chính phủ đặt mục tiêu có khoảng 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.

Đây là một mục tiêu quan trọng. Tuy nhiên, quan trọng không kém là Việt Nam cần có thêm nhiều doanh nghiệp tầm cỡ, phát triển bền vững và lành mạnh, làm trụ cột cho sức sản xuất của nền kinh tế nước nhà và đóng góp hiệu quả hơn vào tăng trưởng GDP hàng năm.

Nghị quyết 19 của Chính phủ 2017 chắc chắn sẽ trở thành động lực, điểm tựa thúc đẩy sức sản xuất của các doanh nghiệp và người dân rộng mở trong năm mới. 

(*) Theo Bộ Tài chính, trong năm 2016, giá dầu giảm làm thất thu ngân sách trên 2.000 tỷ đồng, giảm thu từ khí 1.000 tỷ đồng…

Tin bài liên quan