Kỳ vọng những sếu đầu đàn của nền kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chỉ cần khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng trưởng 1%, GDP sẽ tăng 0,5%, thực tế này cho thấy vai trò quan trọng của khu vực doanh nghiệp đang nắm nguồn lực lớn của nền kinh tế và đòi hỏi có những sếu đầu đàn dẫn dắt cả khu vực đi lên.
Kỳ vọng những sếu đầu đàn của nền kinh tế

Nhu cầu cấp thiết

Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông của Vietnam Airlines tổ chức vào những ngày cuối cùng của năm 2020 thu hút sự chú ý và kết quả của nó là dư âm đẹp cho chuỗi ngày tranh luận, trao đổi để ra được phương án hợp lý nhất cho tương lai của cánh chim đầu đàn ngành hàng không Việt Nam.

Cụ thể, Vietnam Airlines sẽ có thêm nguồn lực 12.000 tỷ đồng để vượt qua cơn khốn khó do tác động của đại dịch Covid-19, trong đó, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ thay mặt cổ đông nhà nước tham gia đầu tư gần 7.000 tỷ đồng trong đợt tăng vốn cho cổ đông hiện hữu.

Không chỉ số phận của Vietnam Airlines, mà tương lai của những tập đoàn kinh tế nhà nước lớn cũng được quan tâm đặc biệt ở thời điểm giao thoa năm cũ - năm mới này khi Dự thảo Đề án Phát triển doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra lấy ý kiến.

17 tập đoàn, tổng công ty nhà nước có quy mô lớn, hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng, cần thiết cho sự phát triển của nền kinh tế như năng lượng, công nghiệp, tài chính, nông nghiệp, viễn thông, kết cấu hạ tầngnhư Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel), SCIC… được xác định phát triển thành "sếu đầu đàn" để phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt trong việc hình thành và mở rộng các chuỗi sản xuất, cung ứng và chuỗi giá trị trong nước, khu vực và thế giới.

Trước mắt, theo dự thảo Đề án, sẽ thí điểm phát triển 3 tập đoàn, tổng công ty, gồm MobiFone (viễn thông), EVN (năng lượng) và Viettel (công nghiệp quốc phòng).

Đồng hành cùng sự phát triển của 3 tập đoàn này là SCIC. Chẳng hạn, SCIC sẽ phối hợp với EVN đầu tư các dự án năng lượng tái tạo và thu hút thêm sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân, đầu tư vào các dự án chuyển đối số của MobiFone...

Cũng theo Dự thảo Đề án, từ nay đến năm 2030, sẽ không thành lập mới các tập đoàn, tổng công ty do nhà nước sở hữu, mà tập trung vào tái cơ cấu, sắp xếp lại các tập đoàn kinh tế nhà nước hiện có. Trước mắt, Nhà nước chỉ nắm giữ 100% vốn điều lệ tại 4 công ty mẹ gồm: PVN, EVN, SCIC và Viettel.

Thúc đẩy đầu tư nhà nước theo cơ chế thị trường

Để nền kinh tế sớm có các sếu đầu đàn, tích tụ được tài sản và có nguồn lực lớn, có thể đảm nhận vai trò dẫn dắt các ngành kinh tế trọng yếu, giới chuyên gia cho rằng, thúc đẩy hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, không thể đặt mục tiêu như hiện nay là bảo toàn vốn đối với khu vực doanh nghiệp nhà nước, kinh doanh trong thời buổi bây giờ mà bảo toàn vốn là một tư duy gò bó. Phải tăng vốn cho đầu tư, thoái vốn hay đầu tư thêm nghĩa là doanh nghiệp đã thay đổi danh mục đầu tư. Để giá trị tài sản của các tập đoàn lớn lên, đó cũng là giá trị tài sản của nhà nước, chứ không phải như hiện nay, cứ cổ phần hóa, thoái vốn là rút tiền ra, đưa vào ngân sách, cuối cùng chi tiêu hết.

Theo chuyên gia Nguyễn Đình Cung, SCIC cần hoạt động độc lập với vai trò nhà đầu tư của Chính phủ, thay đổi mục tiêu đồng thời cần thực hiện tăng vốn cho SCIC để tạo nguồn đầu tư cho khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Trở lại với câu chuyện SCIC bỏ vốn vào Vietnam Airlines, nội dung được bàn thảo khá kỹ tại Đại hội cổ công bất thường của Vietnam Airlines tuần qua, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, thành viên Tổ Tư vấn của Thủ tướng Chính phủ nhận xét, đây là một động thái thể hiện sự thay đổi tích cực tư duy về đầu tư nhà nước.

Nhìn rộng hơn, nền kinh tế đang rất cần có một quỹ đầu tư chính phủ. Đây là mô hình tích cực để giải quyết việc hỗ trợ doanh nghiệp trên nền tảng thị trường, chứ không phải cứu trợ doanh nghiệp, “giống như một quỹ bảo hiểm nhưng theo phương án thị trường”, ông Thiên so sánh.

Đồng tình với các quan điểm trên, thành viên tổ tư vấn của Thủ tướng, TS. Trương Văn Phước nhấn mạnh rằng, với các quỹ đầu tư như vậy, nhân lực là vấn đề vô cùng quan trọng vì mô hình này tập trung vào đầu tư, kinh doanh có lời, có lỗ. Nhân lực phải hết sức thành thạo, đặc biệt phải có năng lực, kinh nghiệm về quản trị rủi ro, quản trị danh mục đầu tư.

Phải có cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm, đãi ngộ, lương thưởng cho những nhân sự, lãnh đạo gánh trách nhiệm trong doanh nghiệp nhà nước, tạo động lực cho họ, sử dụng hết chất xám để họ phát huy trong chỉ đạo doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư.

Việc thúc đẩy đầu tư của khu vực doanh nghiệp nhà nước, theo các chuyên gia có tầm quan trọng và cần thiết không còn phải bàn cãi. Nội dung này đã được thể hiện tại các nghị quyết của Đảng, các văn kiện của Đảng, dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 và các chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm tới.

Các lĩnh vực tạo động lực cho nền kinh tế như cơ sở hạ tầng, viễn thông, năng lượng, những lĩnh vực công nghệ mới… chắc chắn phải có sự đầu tư của Nhà nước, tạo vốn mồi thu hút các nguồn lực xã hội. Để giải phóng, thúc đẩy đầu tư ở khu vực doanh nghiệp nhà nước, hiện có nhiều vấn đề đang được thảo luận, trao đổi ở nhiều diễn đàn chuyên gia.

Thứ nhất là sửa đổi các quy định pháp luật để phục vụ cho các hoạt động đầu tư nhà nước đúng với kinh tế thị trường và tạo tính chủ động cho doanh nghiệp nhà nước trong quyết định hoạt động đầu tư.

Thứ hai, tăng quy mô vốn. Có tiền mới đầu tư được, nên phải tăng và để lại nguồn lực cho doanh nghiệp nhà nước. Chuyển đổi hoạt động của SCIC sang mô hình quỹ đầu tư của Chính phủ, theo đó SCIC đóng vai trò là nhà đầu tư tài chính cùng các nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư chuyên ngành như năng lượng, viễn thông, dầu khí, cơ sở hạ tầng, công nghệ cao, nông nghiệp... tạo ra các dự án, tạo vốn mồi, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp khác để cùng nhà nước thực hiện hoạt động đầu tư.

Thứ ba là vấn đề con người. Phải có cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm, đãi ngộ, lương thưởng cho những nhân sự, lãnh đạo gánh trách nhiệm trong doanh nghiệp nhà nước, tạo động lực cho họ, sử dụng hết chất xám để họ phát huy trong chỉ đạo doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư.

Cho đến nay, thế giới có hơn 100 quỹ đầu tư chính phủ đang hoạt động. Các quỹ này được sử dụng rộng rãi như cánh tay nối dài của chính phủ trong các hoạt động đầu tư. Họ có hành lang pháp lý rõ ràng để chủ động và linh hoạt với thị trường, với mục tiêu đem lại lợi ích tối ưu cho nhà nước.

Temasek, quỹ đầu tư chính phủ Singapore mới đây cũng đã rót hàng tỷ USD vào Singapore Airlines như một khoản đầu tư lớn cho tương lai. Bên cạnh đó là nhiều khoản đầu tư khác mà quỹ chủ động tìm kiếm thời đại dịch Covid-19. Người Singapore được hưởng lợi từ các khoản đầu tư của Temasek bổ sung vào Ngân sách hàng năm thông qua khoản đóng góp lợi nhuận đầu tư ròng.

Thành công của các quỹ đầu tư chính phủ là kinh nghiệm quý cho Việt Nam phân tích và học hỏi. Tuy vậy điều này đòi hỏi quyết tâm và hành động rất quyết liệt. Đơn cử, để đạt được quy mô danh mục tương đương Temasek sau 15 năm thành lập (chiếm 36% GDP), với GDP Việt Nam năm 2019 là 261,6 tỷ USD thì giá trị danh mục ròng của SCIC cần đạt khoảng 94 tỷ USD. Trong khi đó, giá trị thị trường của danh mục SCIC hiện nay mới đạt khoảng 8 tỷ USD sau 15 năm thành lập.

Tin bài liên quan