Kỳ vọng năm 2020, điểm quản trị của doanh nghiệp niêm yết  sẽ tốt hơn

Kỳ vọng năm 2020, điểm quản trị của doanh nghiệp niêm yết sẽ tốt hơn

(ĐTCK) Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết tiêu biểu năm 2019 một lần nữa truyền tải thông điệp chính của Ban tổ chức: Thúc đẩy các doanh nghiệp, TTCK Việt Nam minh bạch, quản trị tốt và phát triển bền vững. Cuộc bình chọn nhằm giúp các công ty niêm yết trên hai sàn chuyên nghiệp hóa và hoàn thiện việc công bố thông tin cũng như từng bước cải thiện chất lượng hoạt động.

Bên cạnh việc đánh giá về chất lượng minh bạch trong báo cáo thường niên, đây là năm thứ 2 việc đánh giá tình hình quản trị công ty của các công ty niêm yết được thực hiện trên một bộ tiêu chí riêng, kết hợp các tiêu chí tuân thủ (đa số) với các tiêu chí thông lệ quốc tế tốt nhất để phù hợp với thực tế của hầu hết các doanh nghiệp trên hai sàn.

Việc cơ cấu giải thưởng về Báo cáo thường niên (BCTN) và Quản trị công ty (QTCT) theo quy mô doanh nghiệp đã được khẳng định là hướng đi đúng, giúp các doanh nghiệp với quy mô trung bình và nhỏ trên hai sàn niêm yết được ghi nhận những nỗ lực thay đổi của mình.    

Tại vòng Chung khảo cuộc bình chọn năm nay, Hội đồng bình chọn xem xét dựa trên kết quả chấm sơ khảo và kết quả soát xét của các công ty kiểm toán, cùng thảo luận đánh giá để bình chọn ra các doanh nghiệp có điểm quản trị công ty cao nhất của mỗi nhóm vốn hóa, chuẩn bị cho việc trao giải.

Với giải thưởng BCTN tốt nhất, có tất cả 25 doanh nghiệp được trao giải theo nhóm vốn hóa lớn (10), nhóm vốn hóa trung bình (10) và nhóm vốn hóa nhỏ (5).

Các doanh nghiệp đoạt giải thuộc nhóm vốn hóa lớn và trung bình đã có những bước thay đổi tích cực về chất lượng và nội dụng thông tin công bố theo xu hướng liên tục đổi mới, bắt kịp với thông lệ trong khu vực.

Một số doanh nghiệp có sự cải thiện chất lượng thông tin công bố tích cực nhất trong thời gian gần đây phải kể đến CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (SBT), CTCP Vicostone (VCS), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) hay Novaland Group (NVL)…

Thực tế này cho thấy, mức độ cam kết nghiêm túc và đầu tư khá đáng kể vào việc nâng cấp chất lượng BCTN.

Bà Nguyễn Nguyệt Anh, Chuyên gia quản trị công ty, IFC Thành viên Hội đồng bình chọn Doanh nghiệp niêm yết 2019.

Giải tiến bộ của BCTN năm nay được trao cho SABECO như là sự ghi nhận đầy khích lệ đối với một công ty niêm yết vốn hóa lớn đang có những bước chuyển mình quan trọng trong mô hình quản trị và minh bạch thông tin theo thông lệ quốc tế.

Trong các doanh nghiệp đoạt giải thuộc nhóm vốn hóa nhỏ, CTCP Đầu tư và Phát triển Long Giang (LGL) là một gương mặt mới xuất hiện cho thấy một sự bứt phá vượt trội về chất lượng BCTN của Công ty năm nay với mức độ thông tin tài chính và phi tài chinh công bố đầy đủ gấp nhiều lần (so với mặt bằng các công ty trong nhóm và BCTN 2017 của chính Long Giang).

Sự cải thiện này là một ví dụ điển hình cho thấy xu hướng quan tâm chú trọng về mặt chất lượng và nội dung các thông tin công bố đang đi lên, kể cả với các doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ.

Giải thưởng QTCT tốt nhất được trao đều cho 15 công ty thuộc ba nhóm vốn hóa lớn (5), trung bình (5) và nhỏ (5). Các công ty đoạt giải trong nhóm vốn hóa lớn (xếp theo thứ tự bảng chữ cái) bao gồm CTCP Dược Hậu Giang (DHG), Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (DPM), CTCP FPT (FPT), CTCP Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HCM) và CTCP Sữa Việt Nam Vinamilk (VNM) đều là các tên tuổi quen thuộc tại các mùa giải năm trước.

Đây là các doanh nghiệp dẫn đầu của sàn niêm yết HOSE về chất lượng công tác quản trị, bắt kịp với các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, trong số Top 5 thuộc nhóm vốn hóa lớn, chỉ duy nhất Vinamilk là doanh nghiệp đoạt giải đã thay đổi mô hình quản trị bỏ Ban kiểm soát và có Ủy ban Kiểm toán trực thuộc HĐQT, hòa nhập hoàn toàn với mô hình quản trị tốt nhất của quốc tế và khu vực ASEAN.

Trong số Top 5 thuộc nhóm vốn hóa trung bình, gương mặt mới CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) là doanh nghiệp niêm yết thuộc sàn HNX (năm nay chuyển từ nhóm vốn hóa nhỏ lên trung bình) đang có những cam kết và nỗ lực để vươn cao hơn trong việc áp dụng các thông lệ quản trị tốt.

Với các doanh nghiệp Top 5 thuộc nhóm vốn hóa nhỏ, CTCP Nafoods Group (NAF) niêm yết trên sàn HOSE là một gương mặt mới lọt vào các doanh nghiệp đoạt giải năm nay.

Cuộc bình chọn các công ty niêm yết là một trong những sáng kiến hàng đầu về quản trị công ty tại Việt Nam, nhằm giúp các doanh nghiệp tiếp tục nâng cao việc thực hiện quản trị tốt, đồng thời cung cấp các thông tin hữu ích cho cơ quan quản lý, các nhà đầu tư và các đối tác có quan tâm về thực trạng quản trị trong bối cảnh, điều kiện và quy định của Việt Nam.

Các vấn đề liên quan đến tính bền vững của doanh nghiệp thông qua các yếu tố ESG (Môi trường-Xã hội-Quản trị) luôn là các mối quan tâm ngày càng gia tăng của các nhà đầu tư.

Do đó, việc tự thay đổi chính mình, tuân thủ các quy định pháp lý về minh bạch thông tin và áp dụng các chuẩn mực quản trị quốc tế tiên tiến là các hành động quan trọng và ưu tiên nhất mà các công ty niêm yết của Việt Nam cần phải theo đuổi cho dù đây có thể là một sự đầu tư lâu dài, khó khăn và tốn kém.

Bên cạnh các công ty đoạt giải, còn khá nhiều công ty qua đánh giá có mức điểm dưới trung bình do chưa tuân thủ đầy đủ các quy định pháp lý đối với một công ty niêm yết.

Hầu hết các công ty này đang đối mặt với thực trạng quản trị yếu kém, có rủi ro đáng kể khi các hoạt động kinh doanh còn bị kiểm soát bởi một (một số) cổ đông lớn và quyền lợi của cổ đông thiểu số không được tôn trọng.

Các vấn đề quản trị tồn tại đang xoay quanh các xung đột lợi ích, giao dịch với bên liên quan, cơ cấu thành phần HĐQT không có khả năng giám sát hoạt động của ban điều hành do thiếu các thành viên HĐQT có năng lực và tính độc lập.

Việc tồn tại các doanh nghiệp yếu kém về quản trị như vậy sẽ làm giảm sút niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường nói chung, qua đó sẽ ảnh hưởng xấu đến vị trí của Việt Nam trong khu vực ASEAN cũng như chỉ số của thị trường chứng khoán về mặt trung và dài hạn.

Vì vậy, ngoài việc trao giải thưởng, đã đến lúc các cơ quan quản lý nên có hành động nghiêm khắc hơn nữa đối với các công ty không tuân thủ các quy định pháp luật thông qua kết quả chấm sơ khảo, nhằm giúp đưa ra cảnh báo cho các nhà đầu tư đồng thời giúp các công ty kịp thời nhận thức, hành động và thay đổi.

Các tiêu chí chấm điểm quản trị của VLCA hiện đang đang tập trung phần nhiều vào việc tuân thủ nên trong thời gian tới hy vọng Cuộc bình chọn tiếp tục cải tiến và nâng cấp tiêu chí đánh giá theo xu hướng hoà nhập với thông lệ quản trị chuẩn của khu vực ASEAN và quốc tế.

Năm 2020 sắp tới, đây sẽ là một năm hành động quan trọng của các công ty đại chúng niêm yết khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC, ban hành hướng dẫn triển khai việc thực hiện Bộ Nguyên tắc QTCT theo thông lệ tốt nhất của Việt Nam (Bộ Nguyên tắc QTCT)  cho các công ty.

Do Việt Nam đã có luật pháp và quy định pháp lý về QTCT mang tính bắt buộc tuân thủ đối với các công ty đại chúng và công ty niêm yết, việc giới thiệu Bộ Nguyên tắc QTCT đặc biệt sẽ giúp các công ty có nhu cầu và quan tâm tiếp cận các thông lệ quản trị quốc tế tốt nhất, nhằm mục đích cải thiện hiệu quả hoạt động, nâng cao uy tín với nhà đầu tư và tiếp cận nguồn vốn bên ngoài tốt hơn.

Bộ Nguyên tắc QTCT này đưa ra những hướng dẫn quan trọng để các doanh nghiệp cải thiện mô hình quản trị, hòa nhập với các tiêu chuẩn quốc tế, ví dụ về cơ cấu HĐQT có các ủy ban giúp việc, nhấn mạnh vai trò của Ủy ban Kiểm toán (không có Ban Kiểm soát) và sự cần thiết phải thiết lập các chức năng Kiểm toán Nội bộ, Quản lý rủi ro và Tuân thủ. 

Bộ nguyên tắc cũng gồm các hướng dẫn liên quan đến việc kinh doanh có trách nhiệm như khuyến nghị việc HĐQT nên tập trung mạnh mẽ hơn vào các vấn đề môi trường và xã hội và thúc đẩy đa dạng giới trong HĐQT.

Với các hướng dẫn theo thông lệ quốc tế mới nhất, các công ty tiên phong áp dụng Bộ Nguyên tắc này sẽ có cơ hội nâng cao chất lượng quản trị hàng đầu, xây dựng hội đồng quản trị có năng lực hiệu quả trong định hướng, giám sát, và qua đó thúc đẩy sự tăng trưởng mang tính dài hạn của công ty và thị trường Việt Nam nói chung.

Bộ Nguyên tắc Quản trị công ty theo thông lệ tốt nhất của Việt Nam lần đầu tiên được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước công bố vào ngày 13/8/2019, đưa ra các hướng dẫn quan trọng để các doanh nghiệp cải thiện hoạt động quản trị, dần đạt tới chuẩn mực hàng đầu của ASEAN và quốc tế.

Bộ Nguyên tắc QTCT bao gồm 10 Nguyên tắc được sắp xếp trên cơ sở có cân nhắc sự phù hợp và mức độ ưu tiên của các vấn đề hiện đang tồn tại về chất lượng QTCT của các doanh nghiệp Việt Nam.

Có tới 6 trong số 10 nguyên tắc này tập trung vào vai trò, trách nhiệm của hội đồng quản trị (HĐQT), là lĩnh vực cần cải thiện hơn nữa tại nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Bốn nguyên tắc còn lại tập trung vào các lĩnh vực khác như môi trường kiểm soát, minh bạch và công bố thông tin, quyền của cổ đông và quan hệ với các bên có quyền lợi liên quan.

Nguyên tắc 1: Thiết lập rõ vai trò, trách nhiệm và cam kết của HĐQT;         

Nguyên tắc 2: Thiết lập một HĐQT có năng lực và chuyên nghiệp;   

Nguyên tắc 3: Bảo đảm vai trò lãnh đạo hiệu quả và tính độc lập của HĐQT;

Nguyên tắc 4: Thiết lập các ủy ban trực thuộc HĐQT;

Nguyên tắc 5: Bảo đảm hoạt động hiệu quả của HĐQT;          

Nguyên tắc 6: Thiết lập và duy trì văn hoá đạo đức công ty;

Nguyên tắc 7: Thiết lập khung quản lý rủi ro và môi trường kiểm soát vững mạnh; công bố thông tin và minh bạch;

Nguyên tắc 8: Tăng cường hoạt động công bố thông tin của công ty;

Nguyên tắc 9: Thiết lập khuôn khổ để thực hiện hiệu quả quyền của cổ đông;

Nguyên tắc 10: Tăng cường sự tham gia hiệu quả của các bên có quyền lợi liên quan.

Link tới Bộ Nguyên tắc QTCT theo thông lệ tốt nhất: 

https://viod.vn/governance-awareness-program/

Tin bài liên quan