Kỳ vọng khối ngoại sớm dừng bán ròng

Kỳ vọng khối ngoại sớm dừng bán ròng

(ĐTCK) Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 khiến thị trường chứng khoán Việt Nam chịu áp lực bán mạnh của khối ngoại. Trên sàn HOSE, trong tháng 2, khối ngoại bán ròng lên tới 2.802,5 tỷ đồng, mức bán kỷ lục trong 1 tháng kể từ năm 2010 tới nay.

Nhận diện chủ thể bán ròng

Theo số liệu thống kê giai đoạn 1/2-27/2/2020, các quỹ chỉ số chính như VFMVN30 ETF mua ròng 406,6 tỷ đồng, Quỹ Eck ETF và DB FTSE bán ròng lần lượt 11,5 tỷ đồng và 99,6 tỷ đồng. Như vậy có thể thấy, các quỹ chỉ số chính hoạt động công bố thông tin và danh mục đã không có nhiều tác động tiêu cực lên thị trường.

Kỳ vọng khối ngoại sớm dừng bán ròng ảnh 1

Bên cạnh đó, MSCI cũng vừa công bố tỷ trọng cơ cấu danh mục trong tháng 2 vừa qua. Theo đó, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong MSCI Frontier Markets Index liên tục giảm trong 2 lần cơ cấu liên tiếp.

Nếu như trong tháng 8, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam là 18,48% thì nay chỉ còn 15,09%. Điều tương tự cũng diễn ra với chỉ số MSCI Frontier Markets 100 Index khi tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam bị giảm trong 2 lần cơ cấu liên tiếp từ 14,42% về 11,06%.

Trong khi các quốc gia khác tỷ trọng không có nhiều thay đổi thì Kuwait là quốc gia duy nhất giữ được sự tăng tỷ trọng liên tục.

Tỷ trọng cổ phiếu của Kuwait liên tục tăng trong MSCI Frontier Markets Index từ 31,48% lên 38,15%.

Trong khi đó, MSCI Frontier Markets 100 Index tăng từ 25,16% lên 28,73%. Mặc dù MSCI không công bố lý do cụ thể việc này, nhưng giới đầu tư đang đánh giá đây có thể là hoạt động gom và mua cổ phiếu thị trường Kuwait trước khi bán lại cho các quỹ ở thị trường mới nổi.

Theo thông báo trước đó, tháng 5 Kuwait sẽ chính thức được nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi, điều này đồng nghĩa tỷ trọng cổ phiếu Kuwait ở thị trường cận biên sẽ giảm về 0.

Quan sát diễn biến các đợt cơ cấu danh mục tháng 11/2019 và tháng 2/2020 thấy có sự trùng khớp giữa tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam bị giảm trong rổ chỉ số MSCI và khối ngoại bán ròng trên sàn. Trong khi đó, các quỹ ETFs khác trong tháng 2 hiện tượng bán ròng rất nhỏ, thậm chí thì Quỹ VFMVN30 ETF mua ròng 406,6 tỷ đồng.

Kỳ vọng khối ngoại sớm dừng bán ròng ảnh 2
Kỳ vọng khối ngoại sớm dừng bán ròng ảnh 3

Kỳ vọng tháng 5 sẽ khác

Thống kê giao dịch mua bán của khối ngoại trong tháng 2/2020 cho thấy, khối ngoại mua vào với trị giá thấp ở các mã HDB 88,09 tỷ đồng; VHM 84,85 tỷ đồng; SBT 57,87 tỷ đồng; STB 41,41 tỷ đồng…

Ở chiều ngược lại, khối ngoại bán ròng với giá trị khá lớn. Cụ thể, MSN bị bán 444,24 tỷ đồng, VIC 274,99 tỷ đồng, NVL 255,41 tỷ đồng, VNM 232,16 tỷ đồng, SJS 148,33 tỷ đồng, BID 125,43 tỷ đồng, POW 118,24 tỷ đồng, DXG 117,31 tỷ đồng…

Trong danh sách bán ròng của khối ngoại có VIC, VNM nằm trong Top 10 cổ phiếu lớn của MSCI, tỷ trọng hai cổ phiếu lần lượt là 3,42% và 2,47%.

Trong đó, tháng 2 khối ngoại bán ròng mạnh VIC và VNM, như vậy có khả năng hai cổ phiếu này bị bán ảnh hưởng một phần bởi đợt cơ cấu danh mục của MSCI. Trong nhóm bán ròng mạnh có MSN.

Mã này bị bán ròng bởi giới đầu tư có lo ngại nhất định về khả năng tăng trưởng của doanh nghiệp sau khi công bố sáp nhập với Vinmart.

Cùng với đó, MSN mới công bố kế hoạch huy động 10.000 tỷ đồng trái phiếu theo phương thức chào bán ra công chúng, khiến nhiều đầu tư lo ngại về việc doanh nghiệp đang cần rất nhiều vốn để thực thi được kế hoạch kinh doanh hậu sáp nhập.

Quan sát thị trường cho thấy, đợt bán ròng mạnh trong tháng 2/2019 không đến từ các quỹ ETF như VFMVN30 ETF, Eck ETF và DB FTSE, mà một phần đến từ sự giảm tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam của MSCI và đến từ câu chuyện hoạt động riêng của doanh nghiệp khi nhà đầu tư có những mối lo ngại về triển vọng tăng trưởng.

Tuy nhiên, hướng chảy của dòng tiền ngoại vào TTCK Việt Nam được kỳ vọng sẽ khác vào tháng 5 tới khi Kuwait được nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Các quỹ đầu tư chủ động theo chỉ số MSCI sẽ sớm quay trở lại gia tăng tỷ trọng cổ phiếu thị trường Việt Nam sau khi chốt đầu tư tại thị trường Kuwait.

Trong dự báo mới đây của MSCI, tổ chức này ước tính tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam sau khi Kuwait nâng hạng là 25,2% so với 15,09% như hiện nay.

Như vậy có thể thấy, nhiều khả năng áp lực bán ròng từ khối ngoại sẽ giảm dần và quay ngược xu hướng mua vào vào tháng 5/2020.

Bên cạnh yếu tố nội tại, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất sẽ kéo theo nhiều quốc gia hành động tương tự, nhằm hỗ trợ nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch cúm COVID-19.

Nếu đều này diễn ra tại các thị trường như Thái Lan, Hàn Quốc, kỳ vọng dòng tiền sẽ tiếp tục đổ vào các quỹ ETF và chảy vào Việt Nam.

Trước đó, ngày 27/2/2020, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã cấp giấy chứng nhận chào bán chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán ra công chúng - VFMVN Diamond ETF.

Đây là quỹ thực hiện mô phỏng VNDiamond Index, chỉ số tập trung vào các cổ phiếu đã hết room nước ngoài hoặc room nước ngoài còn lại không đáng kể.

Quỹ này đã chào bán chứng chỉ lần đầu ra công chúng ngày 3/3 và huy động vốn đến 23/3.

Từ ngày 24 đến 26/3/2020 là giai đoạn thực hiện góp vốn và dự kiến Quỹ sẽ niêm yết trên HOSE ngày 15/5/2020. Quỹ chuyên đầu tư cổ phiếu kín room, sẽ phù hợp cho dòng vốn ngoại không mua được cổ phiếu Việt Nam, nay có thể mua gián tiếp qua chứng chỉ quỹ.

Thị trường vẫn đang chịu áp lực bán ròng của khối ngoại, nhưng trong xu hướng ấy vẫn có những yếu tố để kỳ vọng, đà bán ròng sớm kết thúc. Vốn ngoại sẽ tiếp tục chọn Việt Nam.

Tin bài liên quan