Kỳ vọng đà hồi phục của kinh tế, chứng khoán sẽ có "một quý bận rộn"

Kỳ vọng đà hồi phục của kinh tế, chứng khoán sẽ có "một quý bận rộn"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) GDP quý III tăng trưởng âm là điều đã dự báo trước và quý IV được kỳ vọng sẽ chứng kiến sự hồi phục của nền kinh tế khi chuyển sang trạng thái “sống chung với Covid”.

Áp lực mở cửa, khôi phục sản xuất

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, trong quý III, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam công bố GDP quý đến nay.

GDP 9 tháng chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ 2020. Con số này không gây nhiều bất ngờ, bởi suốt quý III, dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên diện rộng đã ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp tại đầu tàu kinh tế phía Nam.

TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, đây là giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế trong nhiều năm gần đây, nhiều doanh nghiệp đã lâm vào tình trạng kiệt quệ.

“Nếu tình trạng này không có sự chuyển biến đáng kể trong quý IV, khả năng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 3,5 - 4% trong năm nay là một ẩn số”, TS. Lộc nói.

Tuy nhiên, ông Lộc tin rằng, kinh tế quý IV sẽ lấy lại đà phục hồi, mức độ tùy thuộc vào diễn biến và khả năng khống chế dịch bệnh của nước ta.

“3 tháng cuối năm là thời cơ vàng để khôi phục kinh tế, nếu như bỏ lỡ thời cơ này, cái giá mà nền kinh tế phải trả là vô cùng đắt. Bởi sắp tới là thời điểm các đối tác xuất khẩu lên kế hoạch đặt hàng cho năm sau”, ông Lộc nói.

“Mở cửa” là cỗ máy trợ thở tốt nhất để cứu doanh nghiệp lúc này. Trong những chỉ đạo gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh thông điệp, mục tiêu của Chính phủ là kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, song cũng xác định đây là cuộc chiến kéo dài, không thể khống chế tuyệt đối nên phải thích ứng và có cách làm phù hợp.

Với việc dịch bệnh đang có dấu hiệu qua đỉnh và độ phủ vắc-xin ngày càng rộng hơn, khi có gần 36 triệu liều đã được tiêm, nhiều địa phương đang tiến hành nới lỏng giãn cách, trong đó có hai đầu tàu kinh tế là Hà Nội và TP.HCM.

Cùng với đó, Chính phủ cũng nhấn mạnh thông điệp sẽ thúc đẩy hoạt động giải ngân đầu tư công trong 3 tháng còn lại của năm 2021. Khoảng 250.000 tỷ đồng vốn đầu tư công là nguồn lực rất quan trọng thúc đẩy nền kinh tế.

Kỳ vọng "một quý bận rộn" của thị trường chứng khoán

Dù quý III, nền kinh tế chung tăng trưởng âm nhưng dưới góc nhìn của chuyên gia chứng khoán Nguyễn Hồng Điệp, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trong quý này có sự phân hóa lớn.

Ông Điệp dự báo lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết theo 4 nhóm: Nhóm 1 có kết quả kinh doanh tăng trưởng dương so với quý II và tăng trưởng xuất sắc như thép, vận tải, logistic, cảng biển và nhóm tiêu dùng hàng thiết yếu. Nhóm 2 duy trì lợi nhuận ổn định, không giảm quá 10% như chứng khoán, ngân hàng, vật liệu xây dựng, hóa chất, phân đạm, khai khoáng…

Nhóm 3 có lợi nhuận theo kế hoạch đầu năm, giảm không quá 20% so với cùng kỳ như bất động sản, xây lắp hạ tầng, bán lẻ, dầu khí, cao su, săm lốp... Nhóm 4 có lợi nhuận suy giảm trên 20%, gồm doanh nghiệp xây lắp và hàng không.

Nhìn về quý IV, ông Điệp dự báo, nhiều ngành nghề tiềm năng tăng trưởng sau dịch như xây dựng, hạ tầng.

Trong khi đó, theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), nhiều doanh nghiệp trong nhóm logistics, hàng tiêu dùng, công nghệ và bất động sản sẽ tiếp tục kinh doanh khả quan trong mùa cao điểm quý IV.

Ngoài ra, VDSC kỳ vọng chất xúc tác từ việc nới lỏng các biện pháp hạn chế giãn cách sẽ thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp bán lẻ.

Ngược lại, ông Điệp thận trọng với nhóm hàng không, dịch vụ lưu trú vì các doanh nghiệp ngành này đang gặp những khó khăn rất lớn.

“Dự báo 3 tháng tới, chứng khoán sẽ bứt phá đi lên, VN-Index có nhiều xác suất vượt qua 1.420 điểm”, ông Điệp dự báo.

Trước đó, Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) nhận định, quý IV sẽ là một quý bận rộn và hứa hẹn với thị trường sau một quý III trầm lắng.

Tin bài liên quan