Ký hợp đồng BOT Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông thứ hai

0:00 / 0:00
0:00
Công ty Phúc Thành Hưng là doanh nghiệp dự án tại Dự án thành phần Diễn Châu - Bãi Vọt thuộc Dự án xây dựng một số đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Liên danh Nhà đầu tư Công ty TNHH Hòa Hiệp - Công ty Cổ phần Tập đoàn CIENCO4 - Công ty TNHH đầu tư Núi Hồng - Tổng công ty xây dựng Trường Sơn - Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng VINA2 sẽ có tối đa 6 tháng tính từ khi hợp đồng BOT có hiệu lực để hoàn tất việc ký hợp đồng tín dụng cho Dự án.

Liên danh Nhà đầu tư Công ty TNHH Hòa Hiệp - Công ty Cổ phần Tập đoàn CIENCO4 - Công ty TNHH đầu tư Núi Hồng - Tổng công ty xây dựng Trường Sơn - Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng VINA2 sẽ có tối đa 6 tháng tính từ khi hợp đồng BOT có hiệu lực để hoàn tất việc ký hợp đồng tín dụng cho Dự án.

Sáng nay (13/5), tại Hà Nội, Hợp đồng BOT Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đã chính thức được ký kết giữa Bộ GTVT (Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền) và Liên danh nhà đầu tư Công ty TNHH Hòa Hiệp - Công ty Cổ phần Tập đoàn CIENCO4 - Công ty TNHH đầu tư Núi Hồng - Tổng công ty xây dựng Trường Sơn - Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng VINA2 (nhà đầu tư dự án); Công ty Cổ phần Đầu tư Phúc Thành Hưng (doanh nghiệp dự án).

Đây là dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông được triển khai theo hình thức PPP thứ hai ký được hợp đồng BOT sau hơn 4 tháng tiến hành đàm phán hợp đồng.

“Việc ký kết hợp đồng dự án thành phần Diễn Châu - Bãi Vọt và tới đây là dự án thành phần đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo sẽ từng bước nối thông tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông với năng lực vận tải lớn, an toàn, tốc độ cao, đáp ứng nhu cầu vận tải, phù hợp với định hướng và quy hoạch phát triển giao thông vận tải”, ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT đánh giá.

Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết, giai đoạn trước đây, Bộ GTVT đã triển khai 88 dự án giao thông theo hình thức BOT nhưng do vướng mắc về cơ chế, chính sách trong hơn 5 năm trở lại đây lại không có dự án giao thông nào thực hiện được bằng hình thức đầu tư này. Thời gian qua, Bộ GTVT đã tiếp 126 đoàn thanh tra, kiểm toán về BOT giao thông. Thông qua các kết luận thanh tra, kiểm toán đã rút ra được nhiều bài học, kinh nghiệm, nhận diện các khó khăn, vướng mắc để triển khai các dự án BOT chuẩn chỉ hơn, bài bản hơn và đảm bảo công bằng giữa Nhà nước và nhà đầu tư.

“Đặc biệt việc Luật PPP ra đời và có hiệu lực từ 1/1/2021 đã tạo cơ sở pháp lý để triển khai các dự án đầu tư hạ tầng theo hình thức PPP, trong đó có 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Đây là nền tảng pháp lý vững chắc để các nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn đầu tư vào các dự án giao thông lớn”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật nhấn mạnh.

Lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá rất cao quyết tâm, thiện chí và năng lực tài chính, quản trị của các nhà đầu tư tại Dự án đường cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt.

Trên thực tế, hầu hết các thành viên trong liên danh đều là những tên tuổi lớn trong lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông. Nổi bật trong số này là Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn với bề dày truyền thống hơn 40 năm của một doanh nghiệp quân đội đã tham gia thi công và hoàn thành nhiều công trình giao thông tầm cỡ, điển hình như dự án đường Hồ Chí Minh, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, TP.HCM - Trung Lương, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, cầu Tân Vũ - Lạch Huyện, hầm đường bộ Hải Vân,…

Đặc biệt, giai đoạn vừa qua, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn trúng thầu thi công nhiều dự án hạ tầng quy mô lớn trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng như: Cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45, cao tốc Cam Lộ - La Sơn, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Thủy điện Ialy mở rộng,… Trong vai trò là nhà đầu tư, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cũng đã thực hiện thành công giai đoạn 1 của dự án cao tốc La Sơn - Túy Loan trị giá hơn 11.000 tỷ đồng.

Được biết, Dự án cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt được triển khai trên địa bàn 2 tỉnh Nghệ An (44,40km) và Hà Tĩnh (4,9km), có điểm đầu (Km430+000), phía sau nút giao với Quốc lộ 7 (điểm cuối Dự án thành phần đầu tư đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu), thuộc địa phận xã Diễn Cát, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An; điểm cuối (Km479+300), phía sau nút giao với Quốc lộ 8, thuộc địa phận xã Đức Thịnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Tổng chiều dài khoảng 49,3km.

Để phù hợp với nhu cầu vận tải, giai đoạn 1 của Dự án được phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m; vận tốc thiết kế 80km/h.Trên tuyến có hầm đường bộ Thần Vũ chiều dài khoảng 1100m và cầu Hưng Đức có tổng chiều dài khoảng 4 km.

Dự án có Tổng vốn đầu tư khoảng 11.157,82 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn Nhà đầu tư huy động khoảng 5.090,09 tỷ đồng (trong đó vốn chủ sở hữu của Nhà đầu tư là 1.023 tỷ đồng chiếm 20% nguồn vốn BOT), nguồn vốn nhà nước tham gia thực hiện Dự án khoảng 6.067,73 tỷ đồng. Thời gian xây dựng khoảng 3 năm, thời gian vận hành khai thác hoàn vốn khoảng 16 năm 6 tháng 8 ngày.

Theo ông Lê Kim Thành, Vụ trưởng Vụ PPP – Bộ GTVT, Dự án cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt là một trong những dự án đầu tiên trong lĩnh vực đầu tư KCHTGT được tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước, sử dụng phần vốn góp Nhà nước (VGF) để đánh giá tài chính thương mại, được cập nhật quy định chuyển tiếp của Luật PPP và các Nghị định hướng dẫn trong quá trình đàm phán Hợp đồng dự án.

Dự án đã khắc phục các tồn tại của các dự án triển khai trước đây như: nhà nước hỗ trợ toàn bộ kinh phí GPMB và một phần chi phí xây dựng để tăng tính khả thi; dự án được xây dựng mới đảm bảo sự lựa chọn cho người sử dụng; mức phí dịch vụ sử dụng đường bộ được xác định ngay từ ban đầu sẽ làm giảm rủi ro cho Nhà đầu tư và Ngân hàng cung cấp tín dụng...

Trước đó, vào cuối tháng 4/2021, Dự án đường cao tốc Bắc – Nam, đoạn Nha Trang – Cam Lâm được triển khai theo hình thức PPP cũng đã ký được hợp đồng BOT.

việc 2 dự án PPP này tổ chức đàm phán, ký hợp đồng thành công là tín hiệu tích cực cho công tác xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vốn đang gặp nhiều khó khăn trong thời gian vừa qua, đặc biệt là khi những đoạn tuyến còn lại thuộc tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông chắc chắn sẽ được triển khai theo hình thức PPP.

Đây cũng là tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp thường trực Chính phủ về Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 vào cuối tháng 4/2021.

Thủ tướng lưu ý Bộ GTVT căn cứ sự cần thiết, tính cấp bách, tính hiệu quả và khả năng bố trí nguồn lực để lựa chọn các dự án thành phần trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông cần đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025, đáp ứng mục tiêu đến năm 2025, cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông những nơi thật cần thiết.

“Cần ưu tiên đầu tư theo phương thức PPP, BOT nhằm huy động đa dạng các nguồn lực (ngân sách trung ương, địa phương, tư nhân), có cơ chế bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên liên quan (nhà nước, người dân, nhà đầu tư)”, Thủ tướng chỉ đạo.

Theo thông tin của báo Đầu tư, Bộ GTVT đang khẩn trương hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Cụ thể, để có thể nối thông tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau, trong 5 năm tới, Bộ GTVT đề xuất đầu tư 762 km còn lại, gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (142 km). Toàn bộ đoạn tuyến này sẽ xây dựng theo quy mô 4 làn xe,; chia thành 12 dự án thành phần; được thực hiện theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT; lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước.

Tin bài liên quan