Tâm thế mới
Bước sang năm 2020, mỏ Tân Đông Hiệp của Công ty cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (KSB) sẽ bước vào giai đoạn cải tạo phục hồi môi trường để đóng cửa theo giấy phép khai thác.
Trong khoảng thời gian từ nay đến cuối năm, KSB sẽ khai thác khoảng 1,5 triệu m3 đá ở mỏ Tân Đông Hiệp theo giấy phép còn lại của năm 2019. Với sản lượng này cùng với sản lượng có thể tận thu trong thời gian hoàn nguyên mỏ, Công ty vẫn còn lượng đá cung ứng cho thị trường trong cả năm 2020 và một phần trong năm 2021.
Về sản lượng, KSB tiếp tục tăng công suất khai thác tại 2 mỏ đá Tân Mỹ và Phước Vĩnh để bù đắp phần nào thiếu hụt từ Tân Đông Hiệp trong năm 2020-2021. Công ty đang có đề án trình UBND Tỉnh xem xét đánh giá và điều chỉnh quy hoạch khai thác xuống sâu -150 m với mỏ Tân Mỹ và -100 m với mỏ Phước Vĩnh. Tại 2 mỏ này, theo quy hoạch hiện hữu, KSB được khai thác xuống sâu -100 m với mỏ Tân Mỹ và mỏ Phước Vĩnh là -70 m.
Để chuẩn bị cho việc đóng cửa mỏ Tân Đông Hiệp, KSB đã tiến hành M&A các mỏ đá, công ty cùng ngành. Các khoản phải thu lớn thể hiện trong báo cáo tài chính trong thời gian qua chủ yếu là các khoản ủy thác đầu tư liên qua đến việc M&A doanh nghiệp đá có quy mô mỏ lớn trong ngành.
Gần đây, Hội đồng quản trị của KSB cũng thông qua Nghị quyết về việc lập công ty con (100% vốn KSB) nhằm quản lý khoản đầu tư này thông qua việc chuyển quyền sở hữu từ các cá nhân nhận ủy thác về cho công ty con.
Đại diện KSB cho biết, các cá nhân nhận ủy thác là những nhân viên gắn bó lâu năm với Công ty. Việc ủy thác được thông qua các điều khoản ràng buộc chặt chẽ trong các hợp đồng ủy thác. Các tài khoản ủy thác được công ty quản lý và kiểm tra thường xuyên để đảm bảo tuân thủ theo các ràng buộc, cam kết trong hợp đồng ủy thác.
Ngoài ra, công ty cũng đồng thời đẩy mạnh công tác đền bù, kinh doanh Khu công nghiệp Đất Cuốc giai đoạn mở rộng 2 với diện tích còn lại khoảng 200 ha.
Như vậy, KSB sẽ có 2 nguồn bổ sung là doanh thu từ khu công nghiệp (dự kiến hoàn thành hạ tầng giai đoạn mở rộng 1 và bàn giao cho khách hàng trong năm 2020) và doanh thu dự kiến hợp nhất từ doanh nghiệp đá công ty đang thực hiện M&A.
Xa hơn, chiến lược của KSB trong giai đoạn tới chủ yếu tập trung vào 2 mảng kinh doanh chính là khai thác, kinh doanh đá xây dựng và bất động sản khu công nghiệp.
Công ty đặt mục tiêu đến năm cuối năm 2020 sẽ trở thành doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh đá xây dựng lớn nhất khu vực miền Đông Nam bộ thông qua hoạt động M&A các mỏ đá, các doanh nghiệp sở hữu các mỏ đá chất lượng tốt.
Đối với mảng kinh doanh bất động sản khu công nghiệp, công ty nhắm đến các khách hàng có quy mô vừa và nhỏ cũng như phát triển hệ sinh thái khu công nghiệp nhằm tạo ra sự khác biệt trong thu hút đầu tư.
Khu công nghiệp đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh
Một mũi nhọn mới của KSB trong những năm tới chính là bất động sản khu công nghiệp. Với chính sách kinh tế mở thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam đã giúp nhu cầu thuê đất công nghiệp tăng mạnh mẽ. Chưa kể đến, Việt Nam là một trong những “điểm đến” của dòng vốn đầu tư dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 326 khu công nghiệp với tổng diện tích gần 95.000 ha. Trong đó, diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt gần 64.000 ha, chiếm khoảng 68% tổng diện tích.
Theo thống kê, cả nước có 250 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt hơn 73% và 76 khu công nghiệp đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, nguồn cung cả 2 miền trong giai đoạn cuối năm 2018 đầu năm 2019 không đáng kể.
Đối với KSB, lợi thế cạnh tranh của mảng khu công nghiệp còn đến từ vị trí rất thuận lợi khi nằm trong tam giác vàng kinh tế, chỉ cách TP.HCM khoảng 50 km, Bình Dương khoảng 30 km. Đặc biệt, với vị trí gần trung tâm Huyện Bắc Tân Uyên giúp KSB được hưởng lợi từ hạ tầng xung quanh, kết nối thuận tiện hơn với các khu vực khác.
Nhằm tạo giá trị gia tăng và có thêm nguồn thu ổn định qua các năm, KSB đã tiến hành xây dựng hệ sinh thái khu công nghiệp. Công ty đã xin chuyển đổi một phần, khoảng 2,8 ha đất công nghiệp sang đất thương mại dịch vụ để xây dựng tiện ích như cửa hàng kinh doanh, nhà ở công nhân, khu trung tâm thương mại dịch vụ...
Lợi nhuận tăng nhẹ trong năm 2019 và tiếp tục tăng trưởng 20% trong những năm tới
Năm 2019, KSB đặt kế hoạch doanh thu 1.400 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 400 tỷ đồng. Tuy nhiên theo Lãnh đạo KSB, lợi nhuận trước thuế quý IV/2019 của Công ty sẽ có mức tăng trưởng mạnh so với quý III/2019 (tăng 302%) và tăng 28% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo KSB, lợi nhuận trước thuế năm 2019 dự kiến đạt khoảng 410 tỷ đồng, vượt khoảng 2,5% kế hoạch và tăng nhẹ 0,2% so với năm 2018.
Doanh thu và lợi nhuận năm 2019 chủ yếu đến từ mảng kinh doanh đá xây dựng và kinh doanh bất động sản khu công nghiệp. Trong đó, lợi nhuận từ mảng kinh doanh đá xây dựng chiếm khoảng 55%, còn lại từ khu công nghiệp và các mảng kinh doanh khác (cao lanh, sét, cống bê tông...).
Lãnh đạo KSB đánh giá, trong những năm tới mảng đá xây dựng vẫn còn tiềm năng rất lớn do các nguyên nhân như nguồn cung ngày càng hạn chế do các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu kiểm soát chặt chẽ việc cấp giấy phép các mỏ đá mới cũng như các mỏ cũ đã xuống sâu và phải ngưng khai thác. Chi phí đền bù tăng cao cũng dẫn đến khó khăn cho các doanh nghiệp mới gia nhập ngành.
Trong khi đó, các dự án hạ tầng trọng điểm như sân bay Long Thành, các tuyến metro tại TP.HCM, cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ... sẽ được đẩy nhanh tiến độ trong thời gian tới.
Đại diện KSB cho biết, khả năng trong những năm tới, Công ty sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức khoảng 20%/năm.
Kết quả kinh doanh dự kiến tăng nhẹ trong năm 2019 và là doanh nghiệp có quy mô lớn trong ngành tuy nhiên giá cổ phiếu KSB liên tục sụt giảm thời gian qua. Với mức giá khoảng 16.000 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu KSB đang có mức P/E khoảng 2,8 lần.