Nhiều tập đoàn công nghệ cao nước ngoài dự kiến dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam
Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (KBC)
Tuần qua, đoàn doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực công nghệ cao do tôi làm trưởng đoàn vừa có cuộc làm việc với Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ.
Các doanh nghiệp như Foxconn Việt Nam đánh giá cao những điều kiện thuận lợi mà Hà Nội sở hữu như vị trí gần sân bay, nguồn nhân lực chất lượng cao, cho rằng những đặc điểm này rất phù hợp các ngành nghề phát triển công nghệ cao.
Lãnh đạo Heesung Electronics, Goertek Technology, Mitac Computer, Luxshare ICT Việt Nam đều bày tỏ kỳ vọng có thể mở rộng hoạt động sản xuất, thậm chí cân nhắc dịch chuyển các dây chuyền sản xuất sản phẩm quan trọng nhất của mình tới Hà Nội.
Chúng tôi mong muốn có thể tận dụng những điều kiện lý tưởng của Thủ đô trong các dự án đầu tư thời gian tới, qua đó thu hút thêm nguồn vốn FDI cho thành phố.
Dù bị thiệt hại nặng nề vì dịch bệnh Covid-19 do kinh tế phụ thuộc vào du lịch và dịch vụ, nhưng kinh tế Hà Nội vẫn tăng trưởng 3,98%, cao gấp 1,4 lần bình quân chung cả nước, lạm phát ở mức thấp, thu ngân sách tăng vượt dự toán.
Nhiều địa phương khác của Việt Nam cũng đạt các thành công tương tự. Bởi vậy, các tập đoàn công nghệ cao nước ngoài hiện rất quan tâm tới việc bỏ vốn và dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam. Chúng tôi tin đây sẽ là một điểm sáng của nền kinh tế năm 2021.
SeABank: Kết quả kinh doanh năm 2020 tăng ấn tượng
Bà Lê Thu Thủy, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank)
Năm 2020, kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, SeABank đã linh hoạt thực hiện nhiều giải pháp phù hợp để hỗ trợ tối đa doanh nghiệp, người dân như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước.
Ngân hàng cũng tiên phong triển khai các gói tín dụng với mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 6,5 - 7,5%/năm để các doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn.
Kết thúc năm tài chính 2020, SeABank hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh và có mức tăng ấn tượng so với năm 2019.
Cụ thể, kết quả kinh doanh hợp nhất như sau: lợi nhuận trước thuế gần 1.729 tỷ đồng, tăng 24%, hoàn thành 115% kế hoạch; tổng tài sản 180.207 tỷ đồng, tăng 14,5%; tổng dư nợ thị trường 1 đạt 108.869 tỷ đồng, tăng 10,5%; tổng huy động thị trường 1 đạt 113.276 tỷ đồng tăng 18%; doanh thu thuần ngoài lãi đạt 1.522 tỷ đồng; tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức 47,5%; hiệu suất sinh lời trên tổng tài sản bình quân (ROA) và hiệu suất sinh lời của vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) lần lượt là 0,81% và 11,06%; tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,86%.
Trong năm qua, SeABank đã hoàn thành tăng vốn điều lệ từ 9.369 tỷ đồng lên gần 12.088 tỷ đồng, trở thành một trong 13 ngân hàng thương mại cổ phần có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam và được chấp thuận niêm yết hơn 1,2 tỷ cổ phiếu với mã chứng khoán SSB trên HOSE trong quý I/2021.
SeABank còn là ngân hàng thứ 5 tại Việt Nam hoàn thành cả 3 trụ cột Basel II trước thời hạn, được Moody’s giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm B1 năm 2020. Đây là điểm tựa cho phép SeABank tiếp tục đi trước trên thị trường trong việc đáp ứng với những tiêu chuẩn quốc tế cao nhất, giúp Ngân hàng quản trị và điều hành hoạt động kinh doanh một cách chủ động, minh bạch, an toàn và bền vững.
DPG: Cả 3 lĩnh vực xây lắp, thủy điện và bất động sản sẽ tốt hơn
Ông Lương Minh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đạt Phương (DPG)
Lợi nhuận sau thuế năm 2020 của DPG đạt 237,4 tỷ đồng, hoàn thành 103,7% kế hoạch Đại hội đồng cổ đông đặt ra.
Năm 2020, trải qua nhiều biến động bởi sự ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh Covid-19, có nhiều thời điểm khó khăn đối với DPG như phải tạm dừng hoạt động thi công xây lắp…, nhưng doanh nghiệp đã linh hoạt, nhanh chóng có sự điều chỉnh kế hoạch kinh doanh nhằm bù đắp cho những khoảng thời gian này.
Lĩnh vực điện năng, DPG thực hiện vượt kế hoạch đề ra. Lĩnh vực bất động sản có không ít khó khăn, nhưng cơ bản hoàn thành các mục tiêu trọng yếu. Hiện tại, Công ty đang tập trung hoàn thiện thi công để bàn giao sản phẩm dự án Casamia cho khách hàng đúng tiến độ và chất lượng đã cam kết.
Thành công từ dự án Casamia sẽ là dấu mốc, tiền đề cho DPG triển khai những dự án tiếp theo tại vùng đất văn hiến Quảng Nam trong thời gian tới.
Lĩnh vực xây lắp giữ nhịp độ tăng trưởng ổn định, hoàn thành nhiều công trình như thông xe cầu Phước Lộc (TP.HCM), thông xe Nam Cầu Bính, hoàn thành tuyến đường ven biển miền Trung 129… DPG tiếp tục được các chủ đầu tư tin tưởng lựa chọn là đối tác cho các gói thầu lớn như cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, cầu Ông Điền (Quảng Nam), cầu sông Chu…
Năm 2021 dự kiến còn nhiều khó khăn, nhưng tôi tin triển vọng sẽ tốt hơn trên cả 3 lĩnh vực xây lắp, thủy điện và bất động sản.
Mảng xây lắp hạ tầng luôn là lĩnh vực được Nhà nước coi là trọng tâm ưu tiên. Mảng điện năng duy trì hoạt động ổn định do nhu cầu của cuộc sống ngày một tăng. Vào cuối quý III, đầu quý IV/2021, chúng tôi sẽ đưa vào vận hành Nhà máy Thủy điện 1C, dự kiến góp phần tăng trưởng doanh thu 30% so với năm 2020.
Thị trường bất động sản có khả năng tăng trưởng tốt hơn trong năm nay, do đó, Công ty tập trung đầu tư, đẩy nhanh tiến độ, dự kiến đưa ra thị trường dự án Đồng Nà vào quý II/2021, song song với việc phát triển các dự án khác tại Quảng Nam.
BSR vừa có quý phục hồi lợi nhuận thứ hai liên tiếp
Ông Bùi Minh Tiến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR)
Quý IV/2020, lợi nhuận sau thuế của BSR đạt hơn 1.258 tỷ đồng, tăng 1.087 tỷ đồng so với quý III trong bối cảnh giá dầu thế giới cũng như giá xăng dầu trong nước duy trì xu hướng phục hồi trong suốt quý vừa qua.
Việc ghi nhận quý phục hồi lợi nhuận thứ hai liên tiếp với lợi nhuận vượt mức 1.200 tỷ đồng là điểm sáng để kỳ vọng bức tranh lợi nhuận năm 2021 của Công ty tiếp tục khả quan trong bối cảnh giá dầu tăng.
Công tác tiết giảm chi phí mang lại hiệu quả với chi phí bán hàng, quản lý so với cả năm 2019 lần lượt giảm 22,9% và 30,1%. Tiết giảm và nâng cao hiệu suất sử dụng chi phí - một trong những nhóm giải pháp đồng bộ trong hoạt động sản xuất - kinh doanh nhằm gia tăng lợi nhuận được BSR thực hiện trong giai đoạn kinh doanh khó khăn của năm 2020 sẽ tiếp tục là điểm tựa giúp Công ty đạt được lợi nhuận tốt hơn khi điều kiện kinh doanh phục hồi.
Cơ cấu nguồn vốn, dòng tiền của BSR cũng tích cực. Tính đến cuối năm 2020, nợ vay dài hạn đầu tư nhà máy ban đầu giảm 40% so với đầu năm, còn 2.878 tỷ đồng. Với lộ trình trả nợ hiện nay, dự kiến đến năm 2023, Công ty sẽ hoàn tất trả khoản vay này, qua đó vừa giúp tiết kiệm lãi vay, vừa giúp dòng tiền thặng dư đáng kể, tạo dư địa cho Dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Năm 2020, BSR vận hành nhà máy an toàn, ổn định, công suất trung bình đạt 105%; khối lượng sản xuất đạt khoảng 5,93 triệu tấn, bằng 107% kế hoạch; doanh thu đạt hơn 57.895 tỷ đồng và nộp ngân sách nhà nước 6.242 tỷ đồng.
Năm 2021, BSR phấn đấu đạt sản lượng khoảng 6,497 triệu tấn, doanh thu 70.661 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 7.698 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 864 tỷ đồng.
Để hoàn thành nhiệm vụ năm 2021, BSR sẽ tiếp tục làm tốt công tác dự báo thị trường, xây dựng các kịch bản ứng phó với tình hình mới, đồng thời phát huy các kết quả đã đạt được để tận dụng tối đa các cơ hội.
Công ty cũng đề ra các giải pháp đồng bộ như tập trung vận hành nhà máy an toàn, ổn định ở công suất cao với chế độ vận hành và cơ cấu sản phẩm tối ưu; đẩy mạnh công tác sáng kiến cải tiến, nghiên cứu, ứng dụng, đa dạng hóa sản phẩm mới có giá trị cao hơn; thực thi triệt để công tác tiết giảm, tiết kiệm chi phí và quản trị dòng tiền; nâng cao năng lực quản trị, tăng cường số hóa hệ thống quản lý để năng cao hiệu quả điều hành; thực hiện tốt Đề án tái tạo văn hóa PetroVietnam, xây dựng văn hóa nền tảng BSR, tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho người lao động.