Kinh tế Việt Nam 2013 qua góc nhìn  chuyên gia

Kinh tế Việt Nam 2013 qua góc nhìn chuyên gia

(ĐTCK) Mở đầu năm 2013, nhiều tổ chức nghiên cứu đã có các báo cáo về nền kinh tế Việt Nam dù còn thận trọng, nhưng tỏ ra khá lạc quan với nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định làm động lực phát triển.

Kinh tế Việt Nam 2013 qua góc nhìn  chuyên gia  ảnh 1

Theo ANZ, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng ở mức 5,6% năm 2013

 

Báo cáo về Kinh tế vĩ mô -Triển vọng thị trường Việt Nam số tháng 1/2013 có chủ đề “Khởi đầu với một nền tảng mạnh mẽ hơn” của khối Nghiên cứu Kinh tế Ngân hàng HSBC nhận định, mặc dù tăng trưởng kinh tế năm 2012 chậm, nhưng 5 yếu tố chính được đánh giá là tích cực đóng vai trò nền tảng cho tăng trưởng bền vững hơn là: cán cân thương mại thặng dư nhờ tăng trưởng nhập khẩu yếu đi và xuất khẩu tăng mạnh; lạm phát chậm lại còn 6,8% trong tháng 12/2012 so với mức 17,8% trong tháng 1/2012; thâm hụt ngân sách đã được thu hẹp; dự trữ ngoại tệ tăng đáng kể và dòng vốn FDI từ Nhật tăng mạnh.

Ngân hàng JPMorgan Chase nhận định, mức tăng trưởng khiêm tốn năm 2012 của Việt Nam so với mức tăng 5,9% trong năm 2011 và mục tiêu ban đầu 6 - 6,5% mà Chính phủ đưa ra, phản ánh thực tế nợ xấu trong bảng cân đối kế toán của các ngân hàng, cơ sở hạ tầng yếu kém, năng lực quản trị còn yếu… Đó là những yếu tố cản trở tăng trưởng tín dụng và đầu tư, bất chấp xuất khẩu tốt lên, quản lý kinh tế vĩ mô được cải thiện và những yếu tố thuận lợi về dân số của Việt Nam. Tuy nhiên, so với đầu năm 2012, các hoạt động kinh tế của Việt Nam tới thời điểm cuối năm đã khởi sắc nhiều do các chính sách tiền tệ nới lỏng, giúp ích cho những lĩnh vực vốn nhạy cảm với lãi suất và tín dụng như xây dựng.

Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất tại Việt Nam trong tháng 12/2012 HSBC vừa công bố cho thấy, với kết quả 49,3 điểm trong tháng 12, so với 50,5 điểm trong tháng 11, đây là lần thứ 8 chỉ số PMI nằm dưới ngưỡng trung bình 50 điểm trong 9 tháng qua. Tuy nhiên, PMI trung bình trong quý IV/2012 đạt 49,5 điểm, so với 46,9 điểm trong quý III và là kết quả cao nhất kể từ quý III/2011.

“Với mức sản lượng như hiện nay, có thể thấy nền kinh tế đang dần đi vào ổn định. Tuy nhiên, quá trình hồi phục vẫn còn ở giai đoạn đầu mong manh khi nhu cầu vẫn còn yếu và niềm tin của người tiêu dùng giảm. Trong năm nay, khi các điều kiện có thể cải thiện hơn, chúng tôi không kỳ vọng hành vi tiêu dùng có sự thay đổi đáng kể, trừ khi có những cải cách thực sự”, Trinh Nguyen, chuyên viên kinh tế Ngân hàng HSBC nói.

Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm nghiên cứu ANZ, dự báo bức tranh kinh tế năm 2013 của Đông Nam Á sẽ ít biến động và tăng trưởng cao hơn. Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng của Đông Nam Á, nhưng thị trường này có thể sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm do điều kiện tín dụng chi phối.

“Sau khi đạt mức tăng trưởng GDP trung bình 7% trong suốt thập kỷ qua, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2012 chỉ đạt 5,03% và có thể sẽ tiếp tục tăng trưởng tương đối chậm ở mức 5,6% trong năm 2013”, ông Tareq Muhmood, Tổng giám đốc ANZ (Việt Nam) nêu quan điểm.

Trong khi đó, HSBC nhận định, xét về mặt vĩ mô, năm 2013, nhiều khả năng sẽ là một năm tươi sáng hơn so với năm 2012 trong bối cảnh nhu cầu nội địa và quốc tế đang cải thiện và những nỗ lực cải tổ gần đây của Việt Nam đã có những kết quả ban đầu.

Để tạo động lực cho nền kinh tế, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGS) khuyến cáo, chính sách kinh tế năm 2013 cần được điều hành theo hướng đẩy mạnh hỗ trợ, nhằm gia tăng tổng cầu và hỗ trợ DN, do vậy, cần quan tâm đặc biệt những giải pháp sau:

Thứ nhất, giảm lãi suất cho vay. UBGS cho rằng, tổng cầu của nền kinh tế hiện còn yếu nên nguy cơ lạm phát tăng mạnh trong năm 2013 là không lớn. Thực tế cho thấy, trong khi cung tiền M2 tăng khá mạnh, lạm phát năm 2012 vẫn được kiểm soát khá tốt. Năm 2013, NHNN cần tiếp tục kiểm soát tổng hạn mức tín dụng và tổng phương tiện thanh toán M2, như vậy việc hạ lãi suất sẽ không gây tác động mạnh đến lạm phát…

Thứ hai, khai thác mọi nguồn lực để đảm bảo tổng vốn đầu tư toàn xã hội ở mức tương đương 30% GDP. Ngoài việc bổ sung vốn đầu tư trái phiếu chính phủ cao hơn so với năm trước với định hướng tập trung vào lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa của các ngành nghề có liên quan đến lĩnh vực xây dựng - bất động sản, tạo tác động lan tỏa kích cầu để tăng trưởng kinh tế sớm hồi phục, tăng trưởng tín dụng ngân hàng năm 2013 cần phấn đấu đạt 12 - 15%. Bên cạnh đó, việc sớm hoàn thiện quy chế PPP và đẩy nhanh tiến trình triển khai phương thức đầu tư này để thu hút nguồn lực tài chính từ khu vực ngoài Nhà nước cũng là một trong những biện pháp quan trọng góp phần đảm bảo mức huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt mục tiêu đề ra.

Thứ ba, tăng cường kiểm soát chi ngân sách hợp lý (bao gồm cả chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển) nhằm thực hiện mục tiêu cắt giảm thâm hụt và đảm bảo ngân sách dài hạn. Khả năng cân đối ngân sách năm 2013 sẽ là rất khó khăn, do thu ngân sách, đặc biệt là thu nội địa (thu thuế DN, các khoản thu về nhà và đất…) sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, trong khi nhu cầu chi ngân sách để phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội vẫn rất lớn.

Thứ tư, khẩn trương đẩy nhanh triển khai xử lý nợ xấu gắn liền với tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, nhằm khơi thông nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, ổn định thanh khoản của toàn hệ thống ngân hàng, từ đó khôi phục và thúc đẩy sự phát triển của thị trường liên ngân hàng. 

Thứ năm, đẩy mạnh triển khai trên thực tế tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế, kết hợp cải cách hành chính, nhằm tạo lòng tin cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, trên cơ sở đó nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế cho các DN Việt Nam.