Kinh tế Trung Quốc, Việt Nam đang hồi phục theo chữ V, nhưng thế giới thì khác

Kinh tế Trung Quốc, Việt Nam đang hồi phục theo chữ V, nhưng thế giới thì khác

(ĐTCK) “Trung quốc đang cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế sau khi mở cửa trở lại, nhưng đó không phải là trường hợp tương tự đối với nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới”, theo Richard Martin của IMA Asia cho biết.

“Đó là sự phục hồi hình chữ V khi chỉ số sản xuất PMI đã giảm mạnh vào tháng 2, hồi phục lại vào tháng 3, hồi phục mạnh vào tháng 4 và vượt trở lại trên 50”, Martin, Giám đốc điều hành của IMA Asia nói thêm với CNBC ngày thứ Hai (1/6).

Nhận xét của Martin được đưa ra sau khi Trung Quốc công bố chỉ số sản xuất tháng 5 mở rộng (PMI trên 50).

Cuối tuần qua, Trung Quốc đã công bố chỉ số PMI tháng 5 là 50,6 (chỉ số PMI trên 50 thể hiện sự mở rộng và dưới 50 thể hiện sự thu hẹp trong hoạt động sản xuất).

Trong số các thị trường khác ở châu Á, Martin cho biết, Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc) là những nền kinh tế có thể hồi phục kinh tế tương tự Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng, PMI nhiều nền kinh tế khác sẽ vẫn tiếp tục giảm và duy trì mức thấp trong hai hoặc ba tháng trước khi quay lại hồi phục.

“Đó sẽ là câu chuyện mà chúng ta thấy ở châu Âu, Mỹ và thị trường chứng khoán vẫn chưa phản ánh điều đó. Họ vẫn nghĩ rằng một khi Covid-19 hết thì kinh tế sẽ tăng trưởng, nhưng nó sẽ không phải như vậy”, Martin cho biết.

Ba chỉ số chính đã chứng kiến mức tăng mạnh trong tháng 5, với chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq Composite tăng hơn 4% mỗi tháng. Tại châu Á, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đã tăng hơn 8% trong tháng 5, chỉ số Stoxx 600 của châu Âu cũng thăng khoảng 3% trong tháng.

Tuy nhiên, Martin cảnh báo đây không phải là thị trường hồi phục mạnh.

“Chúng tôi đã chứng kiến làn sóng đầu tiên do Covid-19 gây ra nhưng hiện tại còn hai hoặc ba làn sóng nữa như thất nghiệp, phá sản, vỡ nợ sẽ tác động tiêu cực tới nền kinh tế vào cuối năm”, Martin nhấn mạnh.

“Chúng tôi sẽ thấy những thành phố, các bang và chính phủ nới lỏng sau đó thực hiện giãn cách xã hội trở lại vì họ lo lắng về đợt bùng nổ dịch thứ 2, điều này sẽ dễ dẫn tới giảm phát do nhu cầu tiêu thụ hàng hoá giảm và việc tái cấu trúc một số ngành cốt lõi sẽ diễn ra”, Martin cho biết thêm.

Tin bài liên quan