Kinh tế Trung Quốc trong cảnh rối ren

Kinh tế Trung Quốc trong cảnh rối ren

(ĐTCK) Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt với các sóng gió lớn trên thị trường. Sau cơn chấn động tại thị trường chứng khoán, các thông tin kinh tế xấu liên tục được công bố, khiến nhà đầu tư mất dần niềm tin vào Đại lục.

Cơ quan Thống kê Trung Quốc ngày hôm nay (11/8) cho biết, chỉ số giá cả sản xuất trong tháng 7 giảm 5,4% so với năm 2014. Như vậy, chỉ số này đã giảm trong 40 tháng liên tục và hiện đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 10/2009.

Qũy dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đã giảm xuống còn 42,5 tỷ USD, theo số liệu của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, đây đã là tháng giảm thứ 3 liên tiếp được ghi nhận.

Trong bối cảnh này, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục bộc lộ những vấn đề nội tại chưa được giải quyết.

Foxconn, nhà sản xuất các thiết bị điện tử lớn nhất thế giới, có 1,3 triệu nhân viên, cung cấp phụ kiện cho Apple cùng nhiều nhãn hàng khác và có các nhà máy sản xuất khổng lồ tại Trung Quốc, ngày 8/8 vừa qua đã ký một thỏa thuận ghi nhớ về việc sẽ đầu tư 5 tỷ USD trong vòng 5 năm tới vào Ấn Độ. Thông tin này được xem là dấu hiệu cho việc Trung Quốc đang mất dần lợi thế trong lĩnh vực sản xuất, mà một trong các nguyên nhân là bởi mức lương trung bình đang tăng lên.

Cùng lúc đó, tại tỉnh Quảng Đông, các công nhân làm việc tại Nhà máy sản xuất đồ chơi Ever Force Toys & Electronics đang tiến hành các cuộc biểu tình trong giận dữ, yêu cầu Công ty trả 3 tháng tiền lương nợ công nhân. Công ty này, vốn là nhà cung cấp cho Mattel, đã phải đóng cửa và trả lời các công nhân rằng, họ không có khả năng để trả nợ. Cuộc biểu tình chỉ chấm dứt khi giới chức địa phương có biện pháp ổn định trật tự.

Tờ Wall Streer Journal cho biết, số lượng các vụ biểu tình, đình công tại Đại lục trong quý II/2015 đã tăng gấp đôi so với năm ngoái, nguyên nhân chủ yếu là do các nhà máy đóng cửa sản xuất hoặc không đủ khả năng trả lương cho nhân công.

Có thể nói, lĩnh vực sản xuất đóng vai trò lớn trong sự tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc. Lĩnh vực này chiếm 31% GDP, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB). Phần lớn hàng hóa sản xuất để phục vụ cho xuất khẩu. Tuy nhiên, hoạt động này cũng đang chịu sự suy giảm nặng nề.

Xuất khẩu trong tháng 7 của Trung Quốc giảm 8,3% so với năm ngoái, trong đó, xuất khẩu sang Nhật Bản giảm 13% và sang châu Âu giảm 12,3%. Bên cạnh đó, xuất khẩu sang Mỹ, vốn được trợ lực bởi tình hình kinh tế khả quan tại đây, cũng giảm 1,3%. Tính từ đầu năm cho tới nay, xuất khẩu đã giảm 0,9% so với cùng thời gian năm ngoái.

Tổng cục Hải Quan Trung Quốc công bố báo cáo cho biết: “Chúng tôi nhận thấy áp lực giảm đang đè nặng lên xuất khẩu trong quý III/2015”.

Không chỉ xuất khẩu, tình hình nhập khẩu của Trung Quốc cũng khá thất vọng. Nhập khẩu trong tháng 7 giảm 8,1%, sau khi đã giảm 6,1% trong tháng 6. Như vậy, xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm liên tục trong 9 tháng. So với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu của Trung Quốc đã giảm 14,6%. Đây là kết quả của việc sức tiêu thụ tại nội địa yếu kém.

Tin bài liên quan