Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng yếu đi do biến thể Delta

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng yếu đi do biến thể Delta

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trung Quốc mới đây đã công bố các chỉ tiêu kinh tế trong tháng 8 và một số chỉ tiêu không đạt như kỳ vọng.

Sự phát triển của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã yếu đi đáng kể trong tháng 8, sau khi Trung Quốc áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan, khiến hoạt động tiêu dùng và du lịch bị ảnh hưởng nặng nề trong thời điểm đang là cao điểm của kỳ nghỉ hè.

Theo số liệu mới được công bố, doanh số bán lẻ tăng trưởng 2,5% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức ước đạt 7% mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trước đó. Sản lượng công nghiệp tăng trưởng 5,3%, cũng thấp hơn 0,5% so với mức dự báo 5,8%.

Đầu tư tài sản cố định trong 8 tháng đầu năm tăng trưởng 8,9%, khá sát so với dự báo được đưa ra trước đó. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn đi ngang, dao động quanh mức 5,1%.

Diễn biến sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ Trung Quốc từ 2017 đến nay.

Diễn biến sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ Trung Quốc từ 2017 đến nay.

Kể cả trước khi biến thể Delta xuất hiện lại ở Trung Quốc hồi cuối tháng 7, người tiêu dùng Trung Quốc đã thắt chặt chi tiêu hơn, khiến tăng trưởng chỉ số tiêu dùng chưa thể quay trở lại như trước dịch. Thêm vào đó, việc gần đây chính phủ nước này áp dụng các chính sách nhằm chỉnh đốn lại hoạt động của một số ngành như bất động sản, giáo dục hay công nghệ cũng làm ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý của người tiêu dùng.

Tổng cục thống kê Trung Quốc nhận định, "các ổ dịch Covid-19 và thiên tai đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế". Mặc dù kinh tế Trung Quốc vẫn tiếp tục phục hồi trong tháng 8 nhưng tình hình kinh tế toàn cầu đang khá ảm đạm và phức tạp. Cùng với đó, những tác động từ các lây nhiễm mới trong nước và các thảm họa tự nhiên như lũ lụt lên đang được phản ánh rõ ràng qua các số liệu lên nền kinh tế.

Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã siết chặt nguồn tín dụng cho lĩnh vực bất động sản, giảm cho vay thế chấp với người mua nhà nhằm hạn chế rủi ro tài chính và giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào lĩnh vực bất động sản. Do đó, nguồn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản giảm mạnh và doanh số của ngành này cũng giảm đi đáng kể đi trong tháng 8.

Ông Lu Ting, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Nomura Holding Hong Kong, cho rằng, Trung Quốc sẽ giữ cách tiếp cận “chịu đau trong ngắn hạn để hưởng lợi trong dài hạn” và duy trì hạn chế với bất động sản, kiểm soát sản lượng một số hàng hóa công nghiệp để đạt các cam kết về chống ô nhiễm và giảm lượng khí thải công nghiệp.

Với rủi ro kinh tế gia tăng, giới chức Trung Quốc đang tăng cường hỗ trợ cho nhóm doanh nghiệp nhỏ, cam kết sử dụng tốt hơn trái phiếu địa phương. Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) sẽ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc với các ngân hàng trong vài tháng tới thêm một lần nữa sau lần giảm bất ngờ hồi tháng 7.

Theo Larry Hu, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarie Securities Hong Kong, trong khi tiêu dùng có thể phục hồi trong tháng 9, kinh tế Trung Quốc nhìn chung vẫn trong xu thế giảm vài quý tới.

Tin bài liên quan