Thủ tướng Malaysia Najib Razak chụp hình với lãnh đạo các Sở GDCK ASEAN và lãnh đạo Tập đoàn Maybank Kim Eng tại Hội nghị thượng đỉnh các CEO ASEAN, tháng 2/2015

Thủ tướng Malaysia Najib Razak chụp hình với lãnh đạo các Sở GDCK ASEAN và lãnh đạo Tập đoàn Maybank Kim Eng tại Hội nghị thượng đỉnh các CEO ASEAN, tháng 2/2015

Kinh tế toàn cầu sẽ tốt hơn trong năm nay

(ĐTCK) Đó là nhận định của ông Abdul Farid Alias, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn Maybank, đồng thời chia sẻ, Maybank lạc quan về khả năng tăng trưởng của Việt Nam.

Việt Nam đang quyết liệt thực hiện tái cấu trúc ngành ngân hàng, trong đó rộng cửa mời gọi các ngân hàng quốc tế tham gia mua cổ phần hoặc mua sở hữu 100% các ngân hàng yếu kém. Maybank đánh giá cơ hội phát triển ngành ngân hàng tại Việt Nam như thế nào? Tập đoàn có dự định tìm kiếm cơ hội mua để sở hữu các ngân hàng Việt Nam hay không?

Ngành ngân hàng là xương sống của nền kinh tế của một quốc gia. Do đó, bất kỳ một hoạt động tái cấu trúc để cải thiện sức sống của ngành đều rất đáng hoan nghênh. Ngành ngân hàng Việt Nam gặp một số bất lợi trong thời điểm này, nhưng nền kinh tế nói chung khá vững chắc. Kinh tế cải thiện và môi trường hoạt động ổn định sẽ hỗ trợ cho quá trình tái cấu trúc ngân hàng. Maybank lạc quan về khả năng tăng trưởng của Việt Nam và tin tưởng rằng, Chính phủ Việt Nam sẽ thực hiện đến cùng kế hoạch tái cấu trúc. Khi quá trình tái cấu trúc được hoàn tất, ngành ngân hàng sẽ có bàn đạp để phát triển mạnh mẽ.

Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi các cơ hội phát triển trong khi tập trung để có được thành quả từ những khoản mà chúng tôi đã đầu tư tại Việt Nam trong những năm vừa qua. Chúng tôi kiên định với nguyên tắc “thương vụ tốt, giá hợp lý” cho các thương vụ M&A để tạo ra giá trị cho cổ đông của chúng tôi. 

Chính phủ Việt Nam đang phát đi thông điệp về những nỗ lực cải cách nền kinh tế và mở cửa hội nhập. Theo ông, trong ngành ngân hàng, Việt Nam có nên nới rộng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài từ mức tối đa 30% hiện nay?

Một trong những yếu tố quan trọng để đạt được một hệ thống ngân hàng tích hợp trong khối ASEAN là tự do hoá ngành dịch vụ tài chính. Một khuôn khổ pháp lý cho phép ngân hàng nước ngoài và trong nước có vị trí ngang nhau sẽ giúp cho việc tích hợp này.

Trong khi các ngân hàng nội địa có thể xem đây là một mối đe dọa do sự cạnh tranh đến từ những ngân hàng khu vực hoặc ngân hàng toàn cầu, thì cũng có nhiều ví dụ thành công của ngân hàng nội địa có được từ quá trình tự do hóa. Bởi lẽ, cạnh tranh đã tạo động lực cho các ngân hàng trong nước, buộc họ phải nỗ lực hơn với cuộc chơi mới.

Ông Abdul Farid Alias

Một trong những khó khăn của hệ thống ngân hàng Việt Nam là tình trạng nợ xấu chưa có biện pháp xử lý hiệu quả. Nhiều ý kiến kỳ vọng, nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam có thể mang bán cho các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng cơ chế này chưa được thực thi. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của Malaysia về xử lý nợ xấu?

Có một số điểm chính để giải quyết nợ xấu. Trước hết, cần tăng cường quản trị tín dụng nội bộ, chính sách và quy trình để nâng cao giá trị tài sản ngân hàng một cách bền vững. Việc này bao gồm phát triển và thực thi một cách quyết liệt quy trình thẩm định khách hàng, chính sách quản trị rủi ro, cùng với quy tắc theo dõi quản lý và thu hồi nợ. Đây là biện pháp phòng ngừa để giảm số lượng nợ xấu. Với những khoản nợ xấu, một phương án có thể làm là tách tài sản xấu ra khỏi tài sản tốt để tăng cường sức khoẻ tài chính và khả năng vay nợ, cho vay, kinh doanh và tăng vốn của ngân hàng. Những công cụ tài chính đặc biệt có thể được thiết lập để quản lý nợ xấu - trong trường hợp ở Việt Nam, Chính phủ đã thành lập một công ty quản lý tài sản để mua nợ xấu từ người cho vay.

Kinh nghiệm từ Malaysia cho thấy, trong cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á 1997, có một đơn vị tương tự tên là Danaharta được lập ra để mua nợ xấu từ tất cả các ngân hàng. Các khoản nợ xấu được tách ra khỏi hệ thống, do đó ngân hàng có thể tiếp tục cho vay, giúp nền kinh tế tiếp tục vận hành và phát triển. Những khoản nợ xấu được tái cấu trúc nội bộ, không có khoản nào được bán cho nước ngoài. Bằng cách đó, tổ chức này kiểm soát việc bán tài sản thế chấp (phần lớn là bất động sản và chứng khoán) hiệu quả hơn mà không chịu áp lực về giá bất động sản và chứng khoán tụt dốc vào thời điểm đó. Tái cấu trúc nợ (thay vì bán) đã giúp cho Danaharta đạt được một tỷ lệ phục hồi trung bình rất ấn tượng ở mức gần 60%.

Tại Maybank, chúng tôi coi trọng việc quản lý chất lượng tài sản. Chúng tôi thực hiện thẩm tra chất lượng tín dụng nội bộ và chính sách một cách thường xuyên trong toàn Tập đoàn và cả ở những chi nhánh nước ngoài. Việc này bao gồm cả các tiêu chuẩn chiến lược tín dụng, đánh giá và bảo lãnh phát hành, quy trình chủ động thu thập, giám sát và đánh giá rủi ro thường xuyên để xác định các lĩnh vực cần quan tâm.

Dự cảm của ông về triển vọng phát triển kinh tế khu vực châu Á và toàn cầu? Mục tiêu Maybank đặt ra trong năm 2015 là gì, thưa ông?

Chúng tôi tin rằng, nền kinh tế toàn cầu năm nay sẽ tốt hơn năm ngoái. Chúng tôi kỳ vọng, mức tăng trưởng sẽ đạt 3,6% thay vì 3,3% của năm 2014. Tăng trưởng kinh tế chủ yếu sẽ đến từ nước Mỹ trong bối cảnh tăng trưởng ở châu Âu và Nhật Bản vẫn còn trì trệ và Trung Quốc thì suy giảm. Ngoài Mỹ, nước tăng trưởng đáng chú ý trong năm nay là Ấn Độ.

Cung cầu từ nước Mỹ sẽ là nguồn lực cho tăng trưởng ở châu Á và ASEAN. Kinh tế các nước châu Á và ASEAN sẽ có sự tăng trưởng nhẹ.

2015 là năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm của Maybank, do đó chúng tôi sẽ nỗ lực để đạt được mục tiêu đã đề ra. Chúng tôi tập trung tăng doanh thu bằng cách mở rộng lĩnh vực bán chéo sản phẩm, đồng thời giữ vững vị trí tiên phong trong các mảng kinh doanh chiến lược. Bên cạnh đó, tập trung nâng cao hiệu quả, năng suất thông qua việc đầu tư vào công nghệ và tăng cường khả năng quản trị rủi ro, kiểm soát chi phí. Trong khu vực, chúng tôi sẽ mở rộng sản phẩm bằng việc cho ra đời những sản phẩm mới như Islamic banking, quản lý tài sản và thẻ.

Ở Việt Nam, chúng tôi sẽ tận dụng thế mạnh trong khu vực để trợ giúp cho khách hàng giao dịch và đầu tư với những nước khác trong ASEAN và Trung Quốc, nơi mà Maybank là một trong số ít ngân hàng khu vực có đầy đủ sự hiện diện.

Tin bài liên quan