Kinh tế toàn cầu 2017: Tăng trưởng cao hơn, rủi ro lớn hơn

Kinh tế toàn cầu 2017: Tăng trưởng cao hơn, rủi ro lớn hơn

(ĐTCK) Giới đầu tư có thể kỳ vọng về những động lực mới của kinh tế Mỹ và sự phục hồi cao hơn tại các nền kinh tế đang phát triển trong năm 2017, song cần cẩn trọng trước xu thế bảo hộ và những rủi ro địa - chính trị tại nhiều điểm nóng trên thế giới.

Khép lại năm 2016 với những “cú sốc” đối với các thị trường tài chính toàn cầu như việc cử tri Anh lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là sự kiện Brexit, hay chiến thắng bất ngờ của ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng, kinh tế thế giới được dự báo sẽ tiếp tục xu hướng tăng trưởng khả quan trong năm tới.

Theo đánh giá của Morgan Stanley Research, các động lực mới có thể thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu đạt mốc 3,7% trong năm 2017, cao hơn đáng kể so với mức 3% ước tính trong năm 2016. Bên cạnh đó, tăng trưởng cao hơn tại Mỹ và Nhật Bản sẽ bù đắp cho mức tăng chậm hơn tại châu Âu và một số thị trường phát triển, trong khi sự phục hồi tại nhiều nền kinh tế đang phát triển vốn phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa sẽ bù đắp cho tốc độ tăng trưởng có phần chậm dần tại Trung Quốc.

Elga Bartsch, Trưởng bộ phận Phân tích toàn cầu tại Morgan Stanley Research nhận định, trong bối cảnh sự vận động tăng trưởng đang trở nên cân bằng hơn, các rủi ro thực tế lại nổi lên từ sự điều chỉnh chính sách kích thích tài khóa tại Mỹ và châu Âu, khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất nhanh hơn và xu thế bảo hộ gia tăng và cản trở tiến trình toàn cầu hóa.

Như vậy, triển vọng tăng trưởng cao hơn sẽ đi kèm với các rủi ro lớn hơn. “Cú sốc” Brexit và Donald Trump nói trên chỉ là hai trong số những rủi ro đáng kể sẽ song hành với giới đầu tư sang năm 2017, trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ chính thức nhậm chức vào giữa tháng 1 và nhiều nước châu Âu sẽ bước vào các cuộc bỏ phiếu quan trọng hay quá trình đàm phán chính thức để Anh rời EU sẽ diễn ra trong tháng 3.

Các nhà đầu tư cần hết sức thận trọng trước các sự kiện đã được dự báo này. Hy vọng về một gói kích thích tài khóa lớn tại Mỹ, tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp/cổ phiếu cao hơn và sự trở lại của mức lạm phát mục tiêu sẽ là những chất “xúc tác” thúc đẩy tâm lý giới đầu tư trong quý I/2017. Tuy nhiên, đến quý II, khi các điều kiện tài chính bị thắt chặt hơn, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại thì hiệu ứng tích cực có thể sẽ nhạt dần. 

Sự trở lại của lạm phát mục tiêu

Hàng loạt xu thế kinh tế vĩ mô tích cực đang trở thành hiện thực, mà một trong số đó là triển vọng quay trở lại của các mức lạm phát mục tiêu. Vài năm trước, nỗi lo lạm phát thấp dai dẳng, thậm chí nguy cơ rơi vào giảm phát khiến nhiều ngân hàng trung ương lớn trên toàn thế giới phải theo đuổi các biện pháp kích thích như Chương trình nới lỏng định lượng (QE). Tỷ lệ lạm phát bắt đầu dần phục hồi năm 2015 và chỉ bị chệch hướng trở lại sau khi Trung Quốc bất ngờ phá giá đồng Nhân dân tệ hồi tháng 8/2015.

Bên cạnh đó, sự sụp đổ của giá dầu mỏ và giá hàng hóa cũng là những nhân tố không có lợi cho mức lạm phát mục tiêu, đồng thời làm xói mòn tăng trưởng tại các thị trường đang nổi phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa.

Tuy nhiên, hiện nay, gió đã đổi chiều. Động lực tăng trưởng cao hơn, triển vọng tốt hơn đối với thị trường dầu mỏ và hàng hóa, USD tăng giá so với các đồng tiền chủ chốt khác như euro, bảng Anh và yên Nhật, có thể giúp lạm phát tăng bằng hoặc thậm chí vượt ngưỡng mục tiêu của các ngân hàng trung ương trong vòng 2 năm tới. Xu thế này càng được củng bố khi mức lương của người lao động được cải thiện và lợi nhuận doanh nghiệp phục hồi, một kịch bản mà các thị trường và giới đầu tư rất mong muốn.

Dự báo, các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa như Nga và Brazil sẽ phục hồi tích cực trở lại năm 2017, khi cả hai nước này đã bắt đầu tăng trưởng trở lại sau giai đoạn suy thoái sâu. Tăng trưởng tại Trung Quốc sẽ tiếp tục chậm lại, trong khi phần còn lại ở châu Á (không tính Nhật Bản) sẽ duy trì ở mức ổn định. 

Những căng thẳng địa-chính trị

Trong khi đó, nhiều bất ổn địa - chính trị vẫn tồn tại. Mặc dù trên lý thuyết, Brexit sẽ không làm chậm đáng kể tăng trưởng của EU, song khu vực này sẽ mất nhiều thời gian để giải quyết những “hậu quả” trong những năm tới.

Đáng quan ngại hơn là xu thế chủ nghĩa dân túy đang lan rộng tại châu Âu, điều đã được phản ánh qua kết quả cuộc bỏ phiếu về cải cách hiến pháp tại Italy vừa qua. Hai nền kinh tế chủ chốt tại châu Âu là Đức và Pháp sẽ bước vào cuộc bầu cử quan trọng vào năm tới và kết quả cũng sẽ khó dự đoán. Chắc chắn, thị trường tài chính sẽ không thể “miễn nhiễm” nếu căng thẳng chính trị xảy ra tại các điểm nóng bầu cử này.

Tin bài liên quan