Kinh tế thế giới "phập phồng" với giá dầu thô

Kinh tế thế giới "phập phồng" với giá dầu thô

(ĐTCK) Lãnh đạo các nền kinh tế hàng đầu thế giới vừa đưa ra cảnh báo về những “rủi ro lớn của việc giá dầu tăng cao”, đặc biệt là nguy cơ nghẽn dòng dầu mỏ từ Iran.

Các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của G20 vừa có 2 ngày làm việc cùng nhau tại Mexico, để rồi cùng đưa ra một thông báo chung, trong đó bày tỏ ý muốn thấy các nước sản xuất dầu lửa có một cam kết đảm bảo nguồn cung dầu mỏ cho thị trường toàn cầu.

Ý muốn này không tách rời diễn biến giá dầu lửa tăng cao hiện nay, khiến các vị “chóp bu” này lo ngại ảnh hưởng của nó đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Giá khí đốt tăng cao có thể ngăn cản sự hồi phục của kinh tế Mỹ, đồng thời, đẩy châu Âu lún sâu hơn vào suy thoái và kích thích lạm phát vốn đã cao ở nhiều nền kinh tế mới nổi.

Giá dầu thô brent đã tăng trong gần 10 tháng qua lên mức 125 USD/thùng vào thứ Sáu tuần qua do châu Âu và châu Á cắt giảm lượng dầu nhập khẩu từ Iran và tìm nguồn thay thế từ những nơi khác – động thái thực hiện biện pháp cấm vận Iran với mong muốn hạn chế tham vọng hạt nhân của nước này.

Ả rập Xê-út, nhà sản xuất dầu lửa lớn nhất thế giới và là một thành viên của G20, đã tăng đáng kể sản lượng dầu xuất khẩu trong tuần qua, đồng thời gợi ý sẽ tăng lượng cung cho các khách hàng lớn nhất của nước này.

“Chúng ta rất vui mừng khi biết rằng, một số nước sản xuất dầu lửa, đặc biệt là Ả rập Xê-út, đã bật mí sẽ góp sức lập lại cân bằng cho thị trường dầu lửa, nhưng rõ ràng, chúng ta vẫn phải giữ… vấn đề cẩn thận”, bà Christine Lagarde, Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) phát biểu tại Hội nghị G20.

Các nhà xuất khẩu dầu lửa khác trong nhóm G20 còn có Nga, Canada và Mexico. Theo một quan chức cấp cao của G20, đại điện của các nước này đã có mặt trong một cuộc hội thảo rất đáng chú ý bên lề Hội nghị G20 nói trên để bàn về những tác động tiềm tàng của lệnh cấm vận Iran đối với sự phục hồi của kinh tế toàn cầu. Trên thực tế, Iran không chỉ bị cấm vận về dầu lửa, nước này cũng bị phong toả các tài khoản ngân hàng tại châu Âu, điều mà bộ trưởng tài chính G20 cũng nhắc đến trong cuộc họp bên lề nói trên.

Các vị bộ trưởng cũng đề cập đến sự chuẩn bị của các nước trong nhóm trước những hệ quả của lệnh cấm vận, trong đó, nổi lên  là khả năng nguồn cung dầu bị giảm sút.

Ông Geithner cho biết, Mỹ đang cân nhắc khả năng sẽ sử dụng kho dự trữ dầu chiến lược của mình. Ông này không đề nghị các nước G20 khác phải mở van bể dầu dự trữ của họ. Tuy nhiên, ai cũng hiểu rằng, trong những tình huống nhất định, tự các nước này phải quyết định việc sử dụng kho dự trữ dầu của mình, một khi giá dầu tăng đến mức nhất định.

Bộ trưởng Kinh tế Italia, ông Vittorio Grilli, nhấn mạnh trong cuộc hội đàm rằng, sản lượng dầu cần được điều chỉnh để tránh giá dầu tăng vọt.

“Thị trường dầu vẫn thừa năng suất, vì vậy, rủi ro đến từ các tình huống địa chính trị chứ không phải từ việc gia tăng nhu cầu”, ông Grilli nói.

Lý lẽ của ông Grilli có phần đúng, song thị trường thường phản ứng trước và (có lẽ) lớn hơn những định lượng được đưa ra bởi những công thức của bài toán cung cầu. Điều này từng ứng nghiệm trước đây.

Kinh tế Mỹ lẽ ra đã không bị ảnh hưởng mạnh sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 nếu như giá dầu không đạt đỉnh cùng thời, khiến kinh tế Mỹ, với trụ cột là ngành sản xuất xe hơi, bị liên luỵ.

Trường hợp của Mỹ chỉ là một ví dụ điển hình. Thực tế, dầu mỏ là nguồn nguyên liệu cơ bản của hầu hết các nền kinh tế. Khi giá dầu tăng, nó tác động cả trực tiếp và gián tiếp đến chi phí đầu vào của các ngành hàng khác, qua đó thúc đẩy lạm phát. Trong bối cảnh nhiều nền kinh tế cần kích thích bằng công cụ tiền tệ, lạm phát cao đã ngăn cản nhiều nước sử dụng công cụ này.

Châu Âu và Mỹ, vốn đang bên bờ suy thoái, hiện hiểu hơn hết nguy cơ của việc giá dầu tăng cao. Đó là một trong những lý do chính của cuộc hội đàm bên lề Hội nghị G20 vừa qua. Dù nhiều nước trong nhóm này đóng góp đáng kể vào lượng cung dầu của thế giới, song chỉ thế là chưa đủ. Vấn đề không chỉ là lệnh cấm vận Iran, vấn đề là Iran là một phần của Trung Đông – giếng dầu của thế giới. Và vấn đề là lệnh cấm vận Iran chỉ là một khía cạnh của tiềm tàng xung đột tại khu vực này.