Kinh tế thế giới 2011: Nốt nhạc trầm

Kinh tế thế giới 2011: Nốt nhạc trầm

(ĐTCK) Từ năm 2010, nhiều tổ chức, cá nhân có chuyên môn đã dự báo, năm 2011, tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ chậm hơn do các gói kích thích kinh tế mãn hạn.

Thực tế, kinh tế toàn cầu năm qua còn đối mặt với những biến cố khắc nghiệt hơn, ngoài dự tính, cả về thiên nhiên, chính trị và kinh tế - xã hội.

Cuộc khủng hoảng nợ công tại Khu vực đồng euro là một trong những biến cố đó. Khởi phát từ Hy Lạp rồi lan rộng sang các thành viên lớn hơn của châu lục như Ý, Tây Ban Nha và Pháp. Vào tháng 4, Bồ Đào Nha đã trở thành nước thứ ba thuộc Khu vực đồng tiền chung cần đến sự cứu trợ về tài chính. Khu vực đồng euro cũng đã thông qua một gói cứu trợ tăng cường cho Hy Lạp vào mùa hè năm 2011, khi nước này giáp mặt với khả năng vỡ nợ.

Tháng 9, lo ngại leo thang khi Ý trở thành thành viên tiếp theo đề nghị được hỗ trợ. Đồng euro đã rơi xuống dưới mức 1,3 USD. Chi phí nợ công ở khắp Khu vực đồng euro tăng cao, trong đó, lợi tức trái phiếu 10 năm của Ý lên đến mức mà nước này không thể chịu đựng được. Các hãng xếp hạng tín nhiệm lớn thì cảnh báo về khả năng hạ mức xếp hạng trên diện rộng đối với khu vực này.

Cuộc khủng hoảng nợ đã có những nạn nhân đầu tiên trong khu vực tài chính. Ngân hàng cho vay lớn nhất nước Bỉ, Dexia đã nộp đơn xin phá sản đầu tháng 10 và sau đó, Công ty Chứng khoán MF Global của Mỹ nối gót. Các nạn nhân có thể chưa dừng ở đó. Thậm chí, kinh tế Mỹ có thể bị cuộc khủng hoảng này đẩy trở lại suy thoái và các nền kinh tế lớn của châu Á có thể bị kéo chậm lại.

Kinh tế thế giới 2011: Nốt nhạc trầm ảnh 1

Lũ lụt ở Thái Lan gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nước này

Năm qua, không chỉ châu Âu gặp vấn đề về nợ mà Mỹ cũng vướng phải, chỉ khác là Mỹ không thiếu khả năng trả nợ mà thiếu "quyết tâm chính trị". Vào phút chót, trước khi ngân khố Mỹ chính thức khánh kiệt (2/8/2011), Quốc hội nước này mới thông qua nghị quyết nâng trần nợ, đi kèm với các biện pháp tăng thu giảm chi cho ngân sách.

Tuy nhiên, ở một chừng mực nhất định, quyết nghị đó cũng đã muộn khi Mỹ bị một tổ chức xếp hạng tín nhiệm đánh tụt khỏi mức xếp hạng siêu tốt AAA. Trong trường hợp này của nước Mỹ, kinh tế là nguyên nhân cơ bản, song chính thái độ chính trị mới khiến vấn đề trở nên phức tạp.

Đầu tầu kinh tế thế giới - Mỹ có thể đã thoát khỏi sự đeo bám của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, qua đó, góp phần kìm hãm diễn biến phức tạp của hai cuộc khủng hoảng nợ kể trên nếu không có một tác nhân xuất hiện từ thiên nhiên: trận động đất - sóng thần kinh hoàng tại Nhật Bản.

Ngoài những thiệt hại tại chỗ, tức thì về người và của vô cùng to lớn, thảm họa kép động đất - sóng thần Nhật Bản ngày 11/3/2011 còn gây ra những ảnh hưởng tiêu cực khác tới phạm vi rộng lớn hơn và lâu dài hơn như: đẩy 80.000 người vào tình trạng không nhà, gây ra thảm họa hạt nhân và làm gián đoạn chuỗi cung của ngành công nghiệp ô tô thế giới.

Trên khắp thế giới, các công ty là biểu tượng của nền công nghiệp Nhật Bản đã bị tổn hại nghiêm trọng về năng lực sản xuất, điển hình nhất là Toyota. Gần đây, Hãng đã cắt giảm triển vọng doanh số bán xe toàn cầu xuống còn 7,38 triệu xe trong năm tài khóa kết thúc vào 31/3 tới và đối mặt với nguy cơ để mất vị trí là nhà sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới.

Bên cạnh siêu thảm họa tại Nhật Bản, trên khắp thế giới năm qua, hàng loạt các thảm họa thiên nhiên khác cũng "rủ nhau" ập đến, như động đất tại New Zealand, Thổ Nhĩ Kỳ; bão, lốc tại Mỹ; núi lửa tại Chilê và lũ lụt tại Thái Lan. Đó đều là những "đòn đánh" vào nền kinh tế toàn cầu.

Ngoài ra, lạm phát cũng là một điều không may đối với kinh tế thế giới trong năm qua. Đầu năm, lạm phát tăng cao tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là ở các nền kinh tế mới nổi đã buộc các nước này phải thắt chặt tiền tệ, hạ lãi suất, chấp nhận hy sinh tăng trưởng.

Tại Mỹ, cho đến những ngày gần đây, lạm phát mới có dấu hiệu chậm lại. Qua đó, cho phép nước này có thể kích thích tăng trưởng kinh tế, tạo thêm việc làm.

Hầu hết những mối họa kể trên chưa chấm dứt hệ lụy khi năm 2011 kết thúc, đặc biệt là cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, trở thành những thách thức hiện hữu của năm nay, 2012.