Nhu cầu trên thế giới dè dặt cũng khiến các công ty tại các nền kinh tế phát triển tìm cách cắt giảm chi phí, tìm nguồn hàng hóa, nguyên vật liệu thay thế với giá rẻ hơn khiến hàng Việt Nam hưởng lợi. Nhờ vào nguồn vốn FDI giải ngân ổn định và chi phí nhân công thấp, chỉ số phụ về việc làm trong khảo sát PMI tăng khá ổn định, là dấu hiệu tích cực cho một quốc gia có lượng nhân công dồi dào được hấp thu hiệu quả vào nguồn lực lao động.
Các nhà sản xuất và người tiêu dùng Việt Nam sẽ được lợi từ việc giá xăng dầu giảm. Khảo sát PMI của HSBC cũng cho thấy, các nhà sản xuất được lợi từ việc giá cả đầu vào giảm mạnh, cho phép họ chuyển phần tiết kiệm được qua cho khách hàng và điều này dẫn đến giá cả đầu ra giảm.
Bên cạnh đó, chỉ số CPI toàn phần tại Việt Nam giảm còn 2,6% trong tháng 11 so với cùng kỳ năm trước do chi phí vận chuyển thấp hơn và dự báo sẽ còn giảm nữa. Ngoài ra, nhiều khả năng người tiêu dùng sẽ được lợi từ việc tăng thu nhập sau thuế cũng như từ sự vực dậy của ngành sản xuất, để có thể dần mở rộng chi tiêu. Do vậy, HSBC dự báo, tiêu thụ cá nhân tại Việt Nam sẽ tăng lên mức 5,6% trong năm 2015, từ mức 5,4% của năm 2014 và nền kinh tế sẽ tăng tốc trong năm sau, dù chỉ là tăng nhẹ.
Bức tranh kinh tế Việt Nam mà HSBC phác thảo ở trên tương đồng với những gì mà Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) nhìn nhận. Theo Sách trắng của EuroCham về các vấn đề thương mại/đầu tư và kiến nghị vừa công bố đầu tuần này, chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) Việt Nam lần thứ 16 của EuroCham cho thấy, niềm tin, triển vọng và kỳ vọng tương lai của DN châu Âu tại Việt Nam tiếp tục được cải thiện. Điểm số này được tính toán sau khi EuroCham phỏng vấn và khảo sát với hơn 800 DN châu Âu đang làm việc tại Việt Nam và chấm điểm môi trường kinh doanh ở nhiều hạng mục.
Theo đó, chỉ số BCI đã tăng từ 66 điểm của quý trước lên 74 điểm trong quý III/2014, tiệm cận mức cao hồi năm 2011. Trong ấn phẩm Sách trắng trước, chỉ số BCI trong quý IV/2013 là 50 điểm. Điểm BCI tăng đáng kể trong năm là do cộng đồng kinh doanh kỳ vọng nhiều vào các cuộc đàm phán về Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa EU và Việt Nam đang diễn ra và dự kiến hoàn tất vào năm sau.
Bà Nicola Connolly, Chủ tịch EuroCham nói: “Các nhà đầu tư châu Âu hiện không còn lo lắng về vấn đề lạm phát, với chỉ số lạm phát tháng 11 giảm 0,27 điểm phần trăm so với tháng trước đó. Những cải cách về thủ tục hành chính đóng góp phần lớn nhất vào việc cải thiện điểm số. Ngoài ra, việc cá nhân nước ngoài đã vừa được nới lỏng điều kiện sở hữu bất động sản tại Việt Nam cũng làm giới đầu tư châu Âu hồ hởi”.
Báo cáo HSBC cũng cho biết nguyên nhân đưa đến các đánh giá tích cực về triển vọng của Việt Nam là: thứ nhất, xuất khẩu đang tăng trưởng nhanh và ổn định từ các mức thấp hơn trước đó; thứ hai, sự phát triển thiên về xuất khẩu phù hợp với nguồn nhân công Việt Nam, tài nguyên và vị trí địa lý cạnh tranh thuận lợi. Áp lực tiền công tăng tại Trung Quốc cũng như áp lực cắt giảm chi phí đang khiến các DN hàng điện tử đa dạng hoá sang phía Bắc của Việt Nam…
Bà Trinh Nguyễn, chuyên gia kinh tế HSBC nói: “Chỉ cần Việt Nam tiếp tục cải thiện tính hiệu quả của nguồn lao động, việc phân bổ vốn và tài nguyên để bù đắp cho tính cạnh tranh về giá tất yếu sẽ bị ăn mòn trong tương lai, triển vọng của nền kinh tế sẽ sáng sủa”.
Trong khi đó, ông Franz Jessen, Đại sứ Liên minh Châu Âu tại Việt Nam chia sẻ: “Các DN trong Liên minh châu Âu mong muốn được làm việc hơn nữa ở Việt Nam. Chắc chắn nếu môi trường đầu tư được cải thiện, DN châu Âu sẽ còn đầu tư nhiều hơn nữa vào Việt Nam”.
“Trong lúc thử thách còn lớn, theo chúng tôi, chướng ngại lớn nhất cho sự thịnh vượng trong tương lai vẫn là việc thiếu các nỗ lực phối hợp để các DN nội kết nối với chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu dễ dàng và nhanh hơn. Tuy nhiên, điều này là một vấn đề nghiêng về phía trung hạn và là một thử thách vào lúc khác. Trong lúc này, chúng tôi kỳ vọng nền kinh tế dần tăng thêm sức mạnh, dù sẽ vẫn tồn tại các khó khăn”, bà Trinh Nguyễn nói.