Bà Lê Thu Mai, Phó vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế (Tổng cục Thuế).
Bà có cho rằng, khi NOE được thống kê sẽ tạo áp lực cho ngành thuế trong việc quản lý thuế?
Hiện tại, ngành thuế và ngành thống kê đã phối hợp khá chặt chẽ trong việc cung cấp thông tin cho nhau để nâng cao công tác quản lý nhà nước. Việc thực hiện thống kê NOE, tôi cho rằng, còn tạo điều kiện cho ngành thuế nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý nhà nước.
Cụ thể, khi các hoạt động kinh tế hợp pháp nhưng bị giấu giếm; hoạt động kinh tế hợp pháp chưa được cấp phép; hoạt động phi chính thức chưa được thu thập thông tin về kết quả sản xuất, kinh doanh; hoạt động kinh tế bị bỏ sót hiện chưa được thống kê, chưa công khai, minh bạch, đã hạn chế hiệu quả quản lý thuế.
Khi các hoạt động kinh tế kể trên được cơ quan thống kê điều tra, khảo sát, tính toán, đo lường mức độ đóng góp vào GDP, cũng như đóng góp cho xã hội và cập nhật kết quả biên soạn tổng sản phẩm trong nước, tổng sản phẩm trên địa bàn cấp tỉnh và các chỉ tiêu tài khoản quốc gia khác, thì sẽ tạo cơ sở cho ngành thuế đề xuất, xây dựng các cơ chế, chính sách, quy trình nghiệp vụ để quản lý nghĩa vụ đóng góp vào ngân sách nhà nước và nghĩa vụ xã hội của các chủ thể tham gia hoạt động kinh tế hiệu quả hơn.
Vì vậy, tôi cho rằng, khi minh bạch toàn bộ hoạt động của nền kinh tế, đặc biệt là khu vực hiện nay chưa quan sát được không hề tạo áp lực cho ngành thuế, mà ngược lại, còn tạo điều kiện cho ngành thuế nâng cao hiệu quả quản lý thuế.
Hiện mới có khoảng 726.000 doanh nghiệp đang hoạt động và hơn 2 triệu hộ gia đình, kinh doanh cá thể nhưng tình trạng thất thu thuế, gian lận thuế, trốn thuế còn diễn ra phổ biến. Thưa bà, khi NOE được thống kê, cơ sở thuế gia tăng sẽ tạo áp lực cho ngành thuế trong việc quản lý thuế?
Thống kê NOE, tuy cơ sở thuế tăng, song đối tượng nộp thuế chưa chắc đã tăng nhiều.
Cụ thể, với người làm nghề xe ôm, sửa xe máy, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ, hoạt động kinh tế tự sản, tự tiêu của hộ gia đình… thuộc đối tượng điều tra, khảo sát, thu thập thông tin và cập nhật dữ liệu của ngành thống kê, nhưng họ có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm, thì theo quy định hiện hành, không phải nộp thuế thu nhập cá nhân, cũng như thuế thu nhập doanh nghiệp và không phải thực hiện chế độ hóa đơn, chứng từ, tức là không thuộc đối tượng quản lý thuế.
Còn những đối tượng có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên đang nộp thuế theo phương pháp khoán, tức là đã được ngành thuế quản lý.
Với hoạt động kinh tế chưa được cấp phép; hoạt động kinh tế phi chính thức chưa được thu thập thông tin về kết quả sản xuất, kinh doanh; hoạt động kinh tế bị bỏ sót khi được thống kê đầy đủ là cơ sở giúp ngành thuế đưa ra các giải pháp, cơ chế, chính sách, quy trình, nghiệp vụ quản lý chặt chẽ hơn, qua đó góp phần giảm tình trạng gian lận thế, trốn thuế, chứ không hề gây ra áp lực.
Còn hoạt động kinh tế chưa được cấp phép, phi chính thức chưa được thu thập thông tin và hoạt động kinh tế bị bỏ sót được cập nhật đầy đủ chắc chắn tạo áp lực cho ngành thuế, vì những đối tượng này đang gian lận thuế, trốn thuế rất lớn?
Thực hiện Luật Quản lý thuế, từ ngày 1/7/2007, doanh nghiệp được tự tính thuế, tự khai thuế, tự nộp thuế và họ phải chịu trách nhiệm khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng thời hạn; nộp tiền thuế đầy đủ, đúng thời hạn, đúng địa điểm; lập và giao hoá đơn, chứng từ cho người mua theo đúng số lượng, chủng loại, giá trị thực thanh toán...
Cơ quan thuế sẽ thực hiện thanh, kiểm tra chứ không quản lý trực tiếp từng người nộp thuế như trước kia. Cơ quan thuế cũng không thanh, kiểm tra tất cả doanh nghiệp, cơ sở có hoạt động sản xuất, kinh doanh, mà chỉ thanh, kiểm tra với đối tượng có mức độ rủi ro cao trên cơ sở ứng dụng hệ thống thông tin nghiệp vụ để đánh giá rủi ro về thuế, mức độ tuân thủ pháp luật của người nộp thuế, từ đó hàng năm lựa chọn đối tượng kiểm tra, thanh tra.
Thực tế, mỗi năm, cơ quan thuế các cấp chỉ thanh, kiểm tra khoảng 18 - 20%% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng chủ yếu tập trung kiểm tra hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp tại cơ quan thuế, chứ không tập trung kiểm tra tại doanh nghiệp. Vì vậy, đối tượng nộp thuế tăng sau khi hoạt động kinh tế chưa được cấp phép, phi chính thức chưa được thu thập thông tin và hoạt động kinh tế bị bỏ sót được thống kê kể từ năm 2020 cũng không gây áp lực nhiều cho ngành thuế.
Còn chống gian lận thuế, trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế, chuyển giá là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành thuế, dù có hay không thống kê NOE. Khi khu vực NOE được thống kê, cập nhật đầy đủ, ngành thuế tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thanh, kiểm tra, song vẫn theo nguyên tắc quản lý theo phương pháp rủi ro, đối tượng nào có mức độ rủi ro cao sẽ ưu tiên thanh, kiểm tra trước.
Có nghĩa là, khi thống kê được NOE, sẽ tạo điều kiện cho ngành thuế nâng cao được hiệu lực quản lý thuế?
Khi triển khai Đề án thống kê NOE, ngành thuế sẽ có thêm thông tin, dữ liệu phục vụ quản lý thuế, vì người nộp thuế khi đăng ký kinh doanh, ngành thuế ghi nhận kết quả hoạt động kinh doanh, đánh giá mức độ chấp hành pháp luật về thuế, nhưng không thể rà soát tất cả các hoạt động kinh nhỏ phát sinh.
Còn với chức năng, nhiệm vụ của mình, ngành thống kê thực hiện điều tra, khảo sát chi tiết đến từng ngõ ngách của nền kinh tế, bất cứ phát sinh thu nhập, biến động trong hoạt động kinh doanh nào cũng đều được thống kê, ghi nhận và cập nhật vào cơ sở dữ liệu. Dữ liệu này được chia sẻ với ngành thuế và trên cơ sở thông tin, dữ liệu thống kê, cơ quan thuế sẽ xác định đâu là đối tượng phải quản lý thuế.