Kinh tế Nga phục hồi từ bờ vực khủng hoảng

Kinh tế Nga phục hồi từ bờ vực khủng hoảng

(ĐTCK) Ngân hàng Trung ương Nga liên tiếp cắt giảm lãi suất, giá dầu mỏ phục hồi từng bước, căng thẳng trong quan hệ với Ukraine phần nào lắng dịu, đây là những tín hiệu trong thời gian gần đây cho thấy, kinh tế Nga đã có đủ cơ hội để “hồi sinh” từ bờ vực suy thoái.

Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây khẳng định, khủng hoảng kinh tế tại nước này đã chạm mức đáy và đó chỉ là những khó khăn nhất thời.

Tuần qua, Ngân hàng Trung ương Nga đã quyết định hạ lãi suất cơ bản thêm 1,5 điểm phần trăm (từ 14% xuống 12,5%), đánh dấu lần cắt giảm lãi suất thứ ba kể từ đầu năm tới nay, trong bối cảnh nguy cơ lạm phát đang yếu dần và đồng ruble phục hồi so với USD. Tỷ lệ lạm phát của Nga hiện ở mức 16,5%, song lạm phát dự kiến sẽ giảm xuống dưới ngưỡng 8% trong năm 2016 và hướng tới mục tiêu 4% vào năm 2017.

Chuyên gia tại BCS Financial, Joseph Dayan cho rằng, đồng ruble đã trải qua giai đoạn phải chịu nhiều sức ép và điều tương tự cũng diễn ra với giá dầu. Khoảng 60% ngân sách Nga phụ thuộc vào dầu mỏ và các khoản thu nhập có liên quan tới dầu khí. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi việc cả hai nhân tố là đồng ruble và giá dầu phục hồi đã song hành trợ lực cho kinh tế Nga.

Tính tới phiên giao dịch ngày 7/5, giá dầu đang dao động quanh ngưỡng 60 USD/thùng, trong khi đồng ruble đã tăng giá khoảng 14% so với USD trong năm nay và hiện giao dịch quanh mức 50 ruble đổi 1 USD.

Ông Dayan cho rằng, Nga cũng được hưởng lợi khi căng thẳng trong quan hệ ngoại giao với Ukraine đã phần nào lắng dịu trong thời gian gần đây, cho dù Moscow vẫn đang phải chịu các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Trước đó, ảnh hưởng từ các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính, cùng với việc giá dầu thế giới tụt dốc mạnh giai đoạn nửa cuối năm ngoái từng khiến đồng ruble tụt giá thê thảm, xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev hồi tháng trước thông báo, kinh tế nước này đã sụt giảm 2% trong 3 tháng đầu năm nay, ghi dấu lần suy giảm đầu tiên kể từ năm 2009. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) có cái nhìn bi quan hơn khi dự đoán tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của “xứ sở Bạch dương” có thể sụt giảm tới 3,8% trong cả năm 2015 và giảm tiếp 1,1% trong năm 2016.

Mặc dù vậy, nhiều nhà phân tích cho rằng các điều kiện kinh tế Nga hiện nay không tụt dốc nhiều như lo ngại được đưa ra chỉ vài tháng trước đây và dấu hiệu ổn định kinh tế rõ ràng đã hiện hữu.

Trả lời phỏng vấn CNBC, Giám đốc điều hành Ngân hàng Societe Generale (Pháp), Frederic Oudea chia sẻ quan điểm trên khi nhận định rằng, đang xuất hiện các tín hiệu bình thường hóa trong hoạt động kinh tế Nga, bất chấp mảng kinh doanh tại Nga đã sụt giảm 91 triệu USD trong quý I vừa qua do nhu cầu vay tiền chậm lại.

“Tại Nga, như dự đoán, hoạt động kinh doanh trong quý I khó khăn hơn do các hộ gia đình ngừng vay tiền để mua sắm xe hơi mới. Tuy nhiên, có thể nói rằng, các dấu hiệu bình thường hóa đã xuất hiện khi lãi suất đang giảm xuống và đồng ruble phục hồi trở lại”, ông Oudea nói.

Về phần mình, Christopher Granville, Giám đốc điều hành Công ty Nghiên cứu các thị trường đang nổi Trusted Sources đánh giá,  sau khi hấp thụ cú sốc đồng ruble rớt giá kỷ lục, kiềm chế được tình hình lạm phát tăng cao và từng bước hạ lãi suất để ổn định thị trường tiền tệ, kinh tế Nga đang ghi nhận những động thái tích cực.

Tuy nhiên, đối với một số chuyên gia khác, sự mạnh lên của đồng ruble có thể tạo ra một rủi ro lớn tới sự ổn định kinh tế Nga. Việc tỷ giá đồng ruble so với USD tăng 37%, so với giai đoạn thấp kỷ lục cuối năm 2014, có thể kéo thâm hụt ngân sách của Nga tăng lên, do doanh thu từ dầu mỏ giảm khi quy đổi về đồng nội tệ.

Tin bài liên quan