Kinh tế Mỹ khởi sắc nhờ các gói QE

Kinh tế Mỹ khởi sắc nhờ các gói QE

(ĐTCK) Từ tháng 12/2018 đến nay, Fed đã bơm khoảng 2.500 tỷ USD vào nền kinh tế.

Các nhà kinh tế nhận định, chính sách nới lỏng tiền tệ của Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang bất ngờ chứng minh những hiệu quả tích cực trong việc tạo ra một cú hích cho nền kinh tế, bất chấp chính sách tài khóa thắt chặt.

Các nhà kinh tế trước đó lo sợ rằng, thuế khóa cao cùng với việc cắt giảm chi tiêu chính phủ mạnh mẽ sẽ kìm hãm tăng trưởng trong quý đầu tiên của năm nay. Tuy nhiên, một chuỗi các số liệu kinh tế mạnh mẽ hiện tại đã chứng minh các nhà kinh tế đã hoàn toàn sai lầm.

"Chính sách tiền tệ đang bắt đầu đạt được một số động lực thúc đẩy nền kinh tế”, ông Tom Higgins, Chiến lược gia kinh tế vĩ mô toàn cầu tại Quỹ quản lý tài sản Standish Mellon ở Boston nhận định.

Theo Higgins, nếu không có chính sách kích thích tiền tệ, nền kinh tế có thể sẽ phải đối mặt với tốc độ tăng trưởng hàng năm chỉ 1% hoặc có thể thấp hơn. Nhờ có việc nới lỏng tiền tệ, ông này dự đoán, tăng trưởng sẽ ở mức 2,5% trong quý đầu tiên của năm.

Ngân hàng Trung ương Mỹ đã giữ mức lãi suất qua đêm gần như bằng 0 kể từ tháng 12 năm 2008 và đã bơm khoảng 2.500 tỷ USD vào nền kinh tế bằng cách mua trái phiếu kho bạc và các tài sản khác trong một nỗ lực để thúc đẩy tăng trưởng nhanh hơn và tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn.

Thứ Tư tuần trước, ngân hàng này đã tái khẳng định kế hoạch mua 85 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng và cho biết sẽ tiếp tục mua tài sản nợ cho đến khi có thể thấy một sự cải tiến đáng kể trong thị trường lao động.

Những hành động này đã giúp đưa nền kinh tế có được tình trạng tốt hơn để có thể đối phó với sự kết thúc của chính sách cắt giảm thuế lương 2% và việc cắt giảm chi tiêu chính phủ khoảng 85 tỷ USD.

Các cam kết đối với chính sách nới lỏng dường như cũng đã nâng cao niềm tin kinh doanh, từ đó tạo cơ sở cho việc tăng việc làm và thị trường chứng khoán. Công việc trong lĩnh vực phi nông nghiệp đã tăng lên 236.000 vào tháng 2 và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm, ở mức 7,7%.

"Thông điệp từ các dữ liệu này là, trong cuộc chiến giữa chính sách thắt chặt tài chính và kích thích tiền tệ, Fed đang ở thế chiến thắng", ông Jim O'Sullivan, kinh tế trưởng tại High Frequency Economics tại Valhalla, New York cho biết.

Một báo cáo tuần trước về doanh số bán lẻ tăng trưởng mạnh mẽ đã gây bất ngờ cho thị trường, khiến hầu hết các nhà kinh tế đều tăng ước tính của mình về tăng trưởng kinh tế trong quý đầu năm nay. JPMorgan đã đẩy ước tính của họ khoảng 0,8 điểm phần trăm lên mức 2,3%, trong khi Goldman Sachs đã tăng dự đoán của họ khoảng 0,3 điểm lên mức 2,9%.

Các nhà kinh tế cũng cho biết, họ đã sai lầm khi tin rằng, các doanh nghiệp sẽ cho thôi việc nếu có một sự cắt giảm trong chi tiêu của chính phủ.

Sự suy đoán của các nhà kinh tế xuất phát từ bài học kinh nghiệm trong cuộc chiến chính sách gay gắt trong năm 2011 để nâng hạn mức cho vay của chính phủ, cuộc chiến đã đánh mạnh vào niềm tin kinh doanh.

Một cuộc khảo sát của Deloitte Growth Enterprise Services với khoảng 1.000 giám đốc điều hành thị trường trong tháng này đã cho thấy rất ít bằng chứng về việc cắt giảm chi tiêu chính phủ gây lo ngại cho các doanh nghiệp.

Khoảng 72% số người được hỏi cho biết, sự cắt giảm chi tiêu chính phủ sẽ không ảnh hưởng đến doanh nghiệp của họ và 91% cho biết họ đã không chấm dứt việc thuê nhân công vì việc cắt giảm. Theo các nhà kinh tế, điều đó có thể là một dấu hiệu của niềm tin kinh doanh được tạo ra bởi thái độ sẵn sàng hỗ trợ nền kinh tế của Fed.

Một thực tế khác cũng đang hỗ trợ nền kinh tế là các ngân hàng đang bắt đầu giảm bớt các tiêu chuẩn cho vay và bảng cân đối kế toán của các hộ gia đình đã được cải thiện sau khi bị tàn phá bởi sự sụp đổ của thị trường nhà đất.

"Những gì chúng ta đang chứng kiến là các hộ gia đình đã giảm được nợ và hiện nay đang bắt đầu mở rộng việc đi vay, và các tài khoản cho vay của ngân hàng đang tăng lên”, ông Steve Cunningham, người đứng đầu nghiên cứu tại Viện nghiên cứu kinh tế Mỹ tại Great Barrington, Massachusetts cho biết. "Vì vậy, ở khía cạnh nào đó, chính sách tiền tệ đang trở nên có hiệu quả tích cực".

Tuy nhiên, nền kinh tế không phải là đã hoàn toàn thoát khỏi suy thoái. Một phần tăng trưởng dự kiến trong quý này sẽ bị kéo lại bởi một sự tích tụ hàng tồn kho kinh doanh, cũng có nghĩa là tăng trưởng quý II có thể sẽ giảm xuống.

Kết quả từ các yếu tố kinh tế đang vững chắc hơn, nhiều nhà phân tích đang ước tính ngân sách chính phủ có thể bị cắt giảm khoảng 0,3 điểm phần trăm trong năm nay, chỉ bằng một nửa so với dự báo của Văn phòng Ngân sách Quốc hội.

"Ảnh hưởng tiêu cực từ việc cắt giảm chi tiêu có thể nhỏ hơn mức chúng ta đã lo ngại. Chúng ta đang có một nền kinh tế tốt hơn để có thể đối mặt với những cú sốc tiêu cực cho nền kinh tế”,  ông Laurenti của Mesirow Financial nhận xét.