Nhìn lại bức tranh kinh tế năm 2017, theo góc nhìn của ông, có những điểm gì đáng chú ý?
Kinh tế năm 2017 có diễn biến tích cực, một phần là nhờ kinh tế thế giới có sự hồi phục, nhất là ở một số “đầu tàu”, nên thương mại, đầu tư có nhiều điểm thuận lợi. Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay ước đạt mục tiêu 6,7%. Chính sách tiền tệ linh hoạt hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và tăng trưởng kinh tế.
Hoạt động xuất nhập khẩu khá ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng mạnh. Sau khi có nghị quyết của Quốc hội, việc thúc đẩy xử lý nợ xấu, sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng đạt kết quả tốt hơn trước. Hoạt động của hệ thống ngân hàng cũng tích cực hơn nhờ triển khai áp dụng quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II. Diễn biến này đã và sẽ hỗ trợ tích cực cho ổn định kinh tế vĩ mô cũng như tăng trưởng kinh tế.
TS. Vũ Bằng
Đặc biệt, trong năm 2017, Chính phủ đã thể hiện sự quyết liệt trong cải cách môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Đáng chú ý là các giải pháp cải thiện khả năng bảo vệ nhà đầu tư, nâng cao chất lượng quản trị công ty thông qua hoàn thiện hệ thống quy định pháp lý trên thị trường chứng khoán, Luật Doanh nghiệp...
Những nỗ lực này đã mang lại kết quả tích cực. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, nếu như chỉ số bảo vệ nhà đầu tư của Việt Nam năm 2015 ở mức 130/190 nước thì năm nay là 81/190 nước.
Giai đoạn cuối năm, tiến độ cổ phần hóa, nhất là thoái vốn nhà nước khỏi các doanh nghiệp được đẩy mạnh. Theo ông, diễn biến này góp phần thu hút các dòng vốn, nhất là vốn đầu tư nước ngoài tham gia thị trường chứng khoán ra sao?
Nếu như tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn diễn ra chậm vào đầu năm thì tình hình được cải thiện vào cuối năm, khi Nhà nước thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp lớn, điển hình như tại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam và sắp tới là một số doanh nghiệp lớn khác.
Điều này cộng với bối cảnh kinh tế tích cực đã tạo ra tín hiệu thu hút các dòng vốn, nhất là vốn đầu tư nước ngoài tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam. Đây là dòng tiền thật. Nhà đầu tư nhìn thấy cơ hội phát triển của doanh nghiệp sau khi Nhà nước thoái vốn nên đây là tín hiệu tốt.
Cùng với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh, vốn gián tiếp vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2017 gấp hơn 2 lần năm trước. Hiện giá trị danh mục đầu tư của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam trị giá khoảng 27 tỷ USD.
Như phân tích của ông, một trong những yếu tố quyết định giúp bức tranh kinh cũng như thị trường chứng khoán năm 2017 có nhiều điểm sáng bởi sự nỗ lực, quyết liệt của Chính phủ trong cải cách thủ tục hành chính nói riêng, môi trường kinh doanh nói chung. Ông nhìn nhận gì về dư địa cải cách những lĩnh vực này trong thời gian tới?
Dư địa cải cách còn lớn. Đơn cử, chi phí sử dụng dịch vụ logistics tại Việt Nam hiện còn cao, nên có khả tăng giảm chi phí khá lớn nếu nỗ lực cải cách được thúc đẩy quyết liệt hơn.
Việc hoàn thiện cơ chế đồng bộ, khả thi để khích lệ khu vực tư nhân tham gia đầu tư nhiều hơn vào các lĩnh vực dịch vụ cơ sở hạ tầng sẽ tạo ra những bước tiến mới góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế.
Với “vốn liếng” khá tốt tích lũy được trong năm 2017, ông dự cảm gì về bức tranh kinh tế cũng như thị trường chứng khoán năm 2018?
Với những nền tảng tích cực của năm 2017, nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán trong năm 2018 được dự báo sẽ có những diễn biến tích cực. Việc Chính phủ kiên định theo đuổi thực thi đồng bộ các giải pháp về kiểm soát chi thường xuyên, tăng các nguồn thu cho ngân sách, giảm dần tỷ lệ nợ công, tăng chi cho đầu tư phát triển… là những điểm hỗ trợ cho hoạt động của nền kinh tế trong năm tới.
Dẫu vậy, nền kinh tế đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức do kinh tế thế giới còn nhiều rủi ro tiềm ẩn. Để vượt qua những thách thức này, sự vào cuộc của cơ quan quản lý thôi là không đủ, mà đòi hỏi các doanh nghiệp cần chủ động tái cấu trúc để hoạt động hiệu quả hơn.