Kinh tế châu Âu tiến gần đến suy thoái

Kinh tế châu Âu tiến gần đến suy thoái

(ĐTCK-online) Khu vực đồng euro đang tiến gần hơn đến tình trạng suy thoái khi nền kinh tế Tây Ban Nha đã chững lại và tình trạng thất nghiệp ở cả 17 quốc gia thành viên tăng mạnh hơn dự báo, đạt mức cao nhất kể từ khi đồng euro ra đời. Những nhân tố mới này đang làm phức tạp hơn tình hình kinh tế tại châu Âu, vốn đã rối bời bởi cuộc khủng hoảng nợ công.

Trong khi đó, lạm phát lại đang ở mức cao trong vòng 3 năm qua, cao hơn mục tiêu 2% của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB). Điều này hạn chế phạm vi kích thích tăng trưởng thông qua cắt giảm lãi suất của ECB.

Số người thất nghiệp tại Khu vực đồng euro đã tăng thêm 188.000 người trong tháng 9, đưa tỷ lệ thất nghiệp tăng thêm 0,1% lên 10,2%, theo một báo cáo của cơ quan thống kê châu Âu, Eurostat. Tổng số lượng người thất nghiệp hiện tại của Khu vực đồng euro hiện là hơn 16,2 triệu người, một con số kỷ lục kể từ khi khu vực này được thành lập hồi tháng Giêng năm 1998.

"Khu vực đang thực sự đối mặt với rủi ro suy thoái", Ben May, nhà kinh tế của consultancy Capital Economics nói. Ông này dự đoán tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Khu vực đồng euro năm 2012 sẽ giảm 0,5% so với năm 2011.

Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD hạ mức dự báo tăng trưởng năm tới của Khu vực đồng tiền chung xuống còn 0,3%, từ mức 2% của lần dự báo cách đây mới 5 tháng, tụt lùi đáng kể so với các nền kinh tế lớn khác như Mỹ và Nhật Bản.

"Một sự chậm lại rõ rệt và mức tăng trưởng chớm âm là có thể xảy ra" tại một số nền kinh tế trong khu vực đồng euro, OECD cho biết.

Khái niệm suy thoái thường được định nghĩa là sự thu hẹp quy mô nền kinh tế ít nhất 2 quý liên tiếp. Khu vực đồng euro đã có mức tăng trưởng vừa phải trong quý III vừa qua, nhờ vào sự đóng góp chính của Đức, Greg Fuzesi, kinh tế gia của J.P. Morgan Chase nói. Nhưng nó sẽ chậm lại 0,5% trong quý IV này, Greg Fuzesi cho biết, đồng thời viện dẫn các số liệu về tình trạng thất nghiệp và cuộc khảo sát mức độ chán nản của các nhà quản lý mua hàng gần đây.

Thậm chí, gây lo lắng nhiều hơn, theo Fuzesi, là sự chia rẽ ngày càng tăng giữa các thành viên của khối tiền tệ chung. Thất nghiệp ở Đức, Áo và Hà Lan - những nước đã có được sự hồi phục vững chắc về kinh tế, đồng thời giảm được mức thâm hụt ngân sách- là dưới 6%. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp lại đang leo lên mức độ "khủng hoảng" ở các nước khó khăn trong Khu vực. Tỷ lệ thất nghiệp tại Ai Len đã cao hơn 14%, còn tại Hy Lạp là gần 18%. Thất nghiệp nhiều tại các nước vốn đã khó khăn về ngân sách càng gây áp lực lên việc chi tiêu cho các khoản trợ cấp thất nghiệp và dịch vụ xã hội.  "Tiểu cảnh ở các quốc gia hầu như tồi tệ hơn toàn cảnh khu vực", Fuzesi nói.

Tỷ lệ thất nghiệp tại Tây Ban Nha đã nhảy lên 22,6% trong tháng 9, cao nhất trong Khu vực đồng euro. Ngân hàng trung ương nước này cho biết, quý vừa qua, các hoạt động kinh tế đã xẹp xuống như "bóng hết hơi" tại nền kinh tế lớn thứ tư Khu vực này. Hậu quả theo sau là Madrid có lẽ sẽ lỗi hẹn với các mục tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách của mình.

Phản ứng của các ngân hàng trung ương trước thất nghiệp tăng cao và rủi ro suy thoái thường là hạ các loại lãi suất ngắn hạn. ECB là một trong số các ngân hàng trung ương lớn còn dư địa để cắt giảm lãi suất, vì ngân hàng này đã có hai lần tăng lãi suất trong tháng 4 và tháng 7 vừa qua, lên 1,5%/năm. Hành động của ECB khi đó đã bị chỉ trích kịch liệt, đặc biệt là từ thế giới ngoài châu Âu, vì nó góp phần gây thêm khó khăn cho khối tiền tệ này khi cơn lốc khủng khoảng nợ đang quần thảo. Bấy giờ, Mỹ, Anh và Nhật chỉ duy trì lãi suất gần bằng không.

Ông Draghi (người vừa kế nhiệm ông Jean-Claude Trichet, chủ tịch ECB vào hôm qua, 1/11) ít khả năng sẽ đưa ra quyết định cắt giảm lãi suất vào ngày mai, 3/11, khi ECB họp phiên đầu tiên trong nhiệm kỳ chủ tịch của ông.

Lạm phát tại khu vực đồng euro vẫn ở mức 3% trong tháng 10. Việc giữ lạm phát dưới 2% là nhiệm vụ duy nhất của ECB. Draghi hiện cũng là Thống đốc Ngân hàng trung ương Ý, một nước đang bị kẹt giữa lạm phát cao và nợ công nhiều. Việc cắt giảm lãi suất sớm như vậy có thể sẽ đe doạ tín nhiệm của ông ở trong nước.

Theo Bagattini, nhà kinh tế của RBC Capital Markets thì có thể đến tháng 12 tới, Draghi mới có thể quyết định một sự cắt giảm lãi suất, khoảng 0,5%. Vì khi đó, thời điểm diễn ra cuộc họp thứ hai của ECB dưới nhiệm kỳ lãnh đạo của Draghi, các chứng cứ rõ ràng hơn sẽ được công bố, chúng là các dự báo mới về tăng trưởng và lạm phát của năm 2013.