Tốc độ cải cách hệ thống ngân hàng vẫn được tiến hành chậm chạp

Tốc độ cải cách hệ thống ngân hàng vẫn được tiến hành chậm chạp

Kinh tế 7 tháng, chưa đủ để yên tâm!

(ĐTCK) Như thường lệ, Báo cáo tình hình kinh tế 7 tháng và tháng 7/2014 vừa được Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGS) công bố, bên cạnh yếu tố tích cực, những rủi ro hiện hữu của nền kinh tế cũng được chỉ rõ. 

Theo đó, UBGS cho rằng, lạm phát cơ bản liên tục giảm từ tháng 10/2013 cho thấy tổng cầu chậm cải thiện. Cơ quan này ước tính, trong tháng 7, lạm phát cơ bản là 3,6%, thấp hơn nhiều lạm phát tổng thể (4,9%) và cũng thấp hơn lạm phát cơ bản của cùng kỳ năm ngoái (4,2%).

Bên cạnh đó, tổng cầu chậm cải thiện đối với cả tiêu dùng và đầu tư. Cụ thể, đối với tiêu dùng, mặc dù tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng so với cùng kỳ năm 2013, nhưng mức cải thiện không lớn. Trong khi đó, khối lượng vận chuyển hàng hóa trong 7 tháng năm 2014 tăng thấp hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ (4,8% so với 13,7%). 

Đối với hoạt động đầu tư, theo ước tính của UBGS, trong nửa đầu năm 2014, đầu tư tư nhân ở mức 10,3% GDP, thấp hơn mức 11,1% GDP cùng kỳ 2013. Trong khi đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện trong 7 tháng đầu năm chỉ tăng 2,3% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2013 tăng 6,4%).  

“Một trong những nguyên nhân khiến đầu tư tư nhân ở mức thấp là tín dụng tăng thấp. Ngân hàng dư dả thanh khoản, song do vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong khâu tiêu thụ sản phẩm và chi phí vốn còn cao, nên khả năng hấp thụ vốn của DN rất kém. Số DN giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động trong 7 tháng đầu năm vẫn tăng 9,8% so cùng kỳ 2013”, một quan chức của UBGS nhận định.

Khá tương đồng với quan điểm của UBGS, Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI™) toàn phần được điều chỉnh theo mùa của HSBC vừa công bố cho biết, điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tiếp tục cải thiện khi bắt đầu bước vào nửa cuối năm. Mặc dù vậy, có nhiều dấu hiệu cho thấy sự tăng trưởng giảm sút khi cả sản lượng và đơn đặt hàng mới tăng với tốc độ yếu hơn tháng trước. Cụ thể, PMI tháng 7 ở mức 51,7 điểm, tháng thứ 11 ở trên mức trung bình 50 điểm. Nhưng với việc chỉ số này đi xuống từ mức tăng 52,3 điểm trong tháng 6 thể hiện dấu hiệu cải thiện yếu nhất trong bốn tháng qua.

Bà Trinh Nguyen, Chuyên viên kinh tế, Ngân hàng HSBC nhận định: “Việc làm và số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng, phản ánh yêu cầu cao về sản xuất và nhu cầu ở nước ngoài đã được cải thiện. Chúng tôi kỳ vọng số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới và việc làm tiếp tục tăng trong những tháng tới. Tuy nhiên, nhu cầu trong nước tiếp tục có những diễn biến gây quan ngại”.

Trong khi đó, theo Báo cáo Triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam số tháng 8/2014 của Khối Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng HSBC, là một nền kinh tế đang phát triển, cũng như nhiều nước khác, kinh tế Việt Nam sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức cao. Tuy nhiên, một điểm đặc thù ở Việt Nam là khi nền kinh tế phát triển trên vòng quay sử dụng nhiều đòn bẩy tài chính, các DNNN được hưởng lợi từ nguồn tín dụng dễ dãi, đa phần lại không đầu tư vào những nỗ lực nâng cao năng lực sản xuất. Các chính sách giảm đòn bẩy tài chính từ năm 2011 của Chính phủ đã làm bộc lộ sự yếu kém ở khu vực kinh tế nhà nước cũng như gia tăng các khoản nợ xấu. Đến thời điểm hiện tại, nền kinh tế vẫn phải đang giải quyết những hệ lụy để lại của một giai đoạn sử dụng đòn bẩy tài chính quá độ, trong khi tiến trình thị trường hóa khu vực kinh tế nhà nước vẫn diễn ra khá chậm chạp…

Theo các chuyên gia kinh tế, rõ ràng, những yếu tố nội tại đang cản trở nền kinh tế Việt Nam trong nỗ lực trở lại đà tăng trưởng 7%/năm. Tốc độ cải cách, đặc biệt là cải cách hệ thống ngân hàng đang được thực hiện chậm chạp, chưa đủ tạo ấn tượng về một tương lai phía trước tươi sáng hơn, dẫn tới sức tiêu thụ tiếp tục chậm lại. Trong khi đó, áp lực giá sẽ dịu lại khi không có lượng lớn tín dụng được bơm vào nền kinh tế. Lạm phát sau khi loại trừ những yếu tố dao động theo mùa khi giá dịch vụ tăng và yếu tố thời tiết ảnh hưởng lên nguồn cung thực phẩm và giá dầu thế giới, cũng sẽ giữ trong khoảng 4,5 - 6,5% trong năm nay.

“Thời gian tới, Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục sử dụng các đòn bẩy tài chính nhưng với tỷ lệ vừa phải hơn, nhất là khi đang tiến hành cải cách mạnh mẽ hệ thống ngân hàng cũng như hoạt động đầu tư nhà nước”, Báo cáo HSBC nhận định.

Về các giải pháp điều hành nền kinh tế nửa cuối năm, UBGS khuyến nghị, trong điều kiện lạm phát đang được kiểm soát tốt, trong những tháng còn lại của năm nay, chính sách điều hành cần tiếp tục các giải pháp hỗ trợ tổng cầu, tăng sức khỏe tài chính cho DN, nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,8% cho năm 2014.

Tin bài liên quan