Kinh tế 2021: Thúc tăng trưởng trên nền bất định

Kinh tế 2021: Thúc tăng trưởng trên nền bất định

0:00 / 0:00
0:00
Năm 2021 sẽ là năm chuyển trạng thái của nền kinh tế từ vượt khó sang phục hồi và tăng trưởng cao hơn, nhưng trên phông nền của những biến động và rủi ro khó lường.

Rủi ro lơ lửng trước mắt

Có thể khái quát tình hình thế giới và Việt Nam trong năm 2020 với 2 cụm từ ngắn gọn là Covid-19 và vượt khó, còn từ khóa cho năm 2021 là phục hồi. Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho biết, bên cạnh chủ đề chính, Hội nghị APEC năm 2021 tại New Zealand có 3 ưu tiên đều gắn với phục hồi và sự phục hồi này gắn với cải cách cơ cấu, thương mại đầu tư; phát triển bao trùm; đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Ở châu Á - Thái Bình Dương, khu vực được cho là động lực chính cho quá trình phục hồi toàn cầu, thì sự phục hồi được nhắc nhiều ở nền kinh tế Trung Quốc, hay các nền kinh tế nhỏ hơn, nhưng thành công trong chống dịch và vượt khó như Việt Nam…

TS. Võ Trí Thành cho rằng, sự phục hồi kinh tế sẽ diễn ra trong bất định. Những bất định có thể đến từ tài chính, nợ toàn cầu gia tăng, quá trình điều hành chính sách vĩ mô của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, để kích thích sự phục hồi, nhưng không làm tăng rủi ro tài chính.

“Qua bức tranh của nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam và các báo cáo, ít nhất trong nửa đầu năm 2021, tình hình kinh tế vẫn khó khăn, gắn với bất định về vắc-xin chống Covid-19, chuyển giao chính quyền theo nhiệm kỳ”, ông Thành nhận định.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Kinh tế tổng hợp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM), nhìn chung, kinh tế vĩ mô Việt Nam vẫn tương đối ổn định, thể hiện sức chống chịu tốt trước những cú sốc bên ngoài, với tăng trưởng dương và kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng cao. Tăng trưởng GDP năm 2020 đạt 2,91%, trong đó, nền kinh tế ghi nhận sự phục hồi đáng kể trong nửa cuối năm. Bên cạnh đó, tuy đối mặt với không ít khó khăn do các nước nhập khẩu ngày càng siết chặt hàng rào phi thuế quan, đơn hàng sụt giảm, thiếu nguyên liệu đầu vào…, nhưng xuất khẩu hàng hóa năm 2020 vẫn tăng 6,5% so với năm trước, lên 281,5 tỷ USD, nhờ sự phục hồi khá nhanh trong quý III và quý IV.

Nhiều thách thức đang đặt ra cho kinh tế Việt Nam trong năm 2021. Trước hết là việc tiếp cận vắc-xin chống Covid-19 và cung ứng đến người dân. Dẫn thông tin từ The Economist, ông Nguyễn Anh Dương cho biết, trên bình diện toàn cầu, Việt Nam nằm trong nhóm màu đỏ - nhóm quốc gia được tiếp cận và sử dụng rộng rãi vắc-xin từ tháng 2/2022. Điều này khiến sức phục hồi kinh tế sẽ chậm lại.

Trong khi đó, kinh tế thế giới còn nhiều bất định, rủi ro, Covid-19 đã xuất hiện những biến thể mới và luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thêm các làn sóng nhiễm bệnh.

Xem lại giải pháp căn cơ

Báo cáo vừa công bố của CIEM đưa ra 2 kịch bản chính về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021. Ở kịch bản tăng trưởng 5,98%, xuất khẩu năm 2021 được dự báo tăng 4,23%, còn thặng dư thương mại đạt 5,49 tỷ USD. Với trường hợp thuận lợi hơn, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,46%, thì xuất khẩu sẽ tăng 5,06% và thặng dư thương mại đạt 7,24 tỷ USD. Ở cả hai kịch bản này, lạm phát được dự báo không đáng ngại, vẫn dưới ngưỡng 4%.

Trong bối cảnh khủng khoảng, thì tăng đầu tư công để duy trì mục tiêu tăng trưởng qua việc ồ ạt giải ngân đầu tư công cũng là điều tốt, nhưng đó là giải pháp mang tính thời điểm. Về lâu dài, không phải dựa vào giải pháp căn cơ, mà dựa vào nguồn lực tư nhân, khu vực ngoài nhà nước.

PGS-TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Đối với vấn đề tăng trưởng năm 2021, TS. Võ Trí Thành hàm ý sự tăng trưởng trong thay đổi, trong cải cách; tăng trưởng phải thích ứng với xu thế mới, lối sống và cách tiêu dùng xanh, bền vững; tăng trưởng gắn với quản trị rủi ro bất định trong một thế giới còn nhiều điều khó lường.

Trong khi đó, PGS-TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, cần đánh giá kỹ lưỡng hơn về chất lượng tăng trưởng và những thay đổi của nền kinh tế Việt Nam năm 2020. Một trong những hạn chế của doanh nghiệp hiện nay là chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

“Chúng ta nói nhiều về việc Việt Nam đạt tăng trưởng 2,91% trong năm 2020, nhưng cần nhìn nhận xem nền kinh tế thực sự có thay đổi mới so với năm trước không, bởi lẽ, chủ yếu chúng ta mới làm rào chắn tốt, nên nền kinh tế chịu tác động ít hơn so với các nền kinh tế khác, còn về cơ bản thì cấu trúc kinh tế, năng lực cạnh tranh chưa có thay đổi căn bản về chất”, ông Tuấn nói.

Theo chuyên gia này, Việt Nam đang thiếu những doanh nghiệp tầm “đại bàng”, nên phải xác định được và khắc phục những yếu tố cản trở doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu là năng lực của doanh nghiệp hay thể chế chính sách.

Liên quan vấn đề trên, TS. Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng CIEM cho rằng, điều quan trọng và căn cơ nhất là tiếp tục đẩy mạnh đổi mới thể chế, trong đó, phải xây dựng luật pháp, chính sách sao cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam và xu hướng của thế giới. Đây vừa là vấn đề trước mắt và lâu dài. “Đổi mới thể chế để có môi trường kinh doanh tốt hơn, doanh nghiệp bớt được những chi phí không cần thiết, đầu tư công cũng tốt lên, nhân lực và khoa học - công nghệ cũng phát triển”, TS. Lê Xuân Bá nói.

Giữa những luồng ý kiến khác nhau về lựa chọn thúc đầu tư công, phát triển du lịch, hạ lãi suất tín dụng… để đưa nền kinh tế tiến lên trong năm 2021, ông Bá cảnh báo, không nên quá say sưa với thắng lợi trong năm 2020, khi chúng ta vừa chống dịch tốt, vừa đạt mức tăng trưởng dương và thuộc diện cao nhất thế giới.

“Năm 2021 và một số năm tiếp theo, việc đầu tiên là phải lưu ý chống Covid-19 khi thế giới chưa đoán định hồi kết của đại dịch. Do vậy, đừng nên ‘tham bát bỏ mâm’ như gần đây có hiện tượng một số ngành dịch vụ mở toang. Việc thu được “ba đồng” từ du lịch, để rồi phải đi giải quyết hậu quả là không nên”, ông Bá khuyến nghị.

Tin bài liên quan