Kinh nghiệm tái cấu trúc ngân hàng Trung Quốc

Kinh nghiệm tái cấu trúc ngân hàng Trung Quốc

(ĐTCK) Một trong 5 yếu tố thành công then chốt trong công cuộc cải cách hệ thống ngân hàng ở Trung Quốc là giải quyết triệt để các khoản nợ xấu, nợ dưới chuẩn.

Gần đây, khi cuộc khủng hoảng nợ công của châu Âu vẫn chưa giảm sức nóng, thì Trung Quốc ngày càng nổi lên trong vai trò của một đại gia sẵn tiền có thể cho vay, để các nước đang ngập trong nợ nần như Hy Lạp hay Iceland có được cái phao cứu trợ nhằm vượt qua cơn bĩ cực.

Câu hỏi đặt ra là làm sao trong khi cả thế giới đang vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính, kể cả các ngân hàng lớn của Mỹ và châu Âu cũng đang lao đao, thì khối ngân hàng Trung Quốc lại có vẻ không hề hấn gì, mà ngược lại vẫn trụ vững và đang tích cực hỗ trợ chủ trương kích cầu của Chính phủ bằng cách tăng cường cho vay và vẫn đảm bảo kiểm soát được rủi ro tín dụng? Trong khi cuối những năm 1990, hầu hết ngân hàng Trung Quốc đều vật lộn với vô số vấn đề như hiệu quả kinh doanh thấp, chất lượng tài sản xấu đi, cạn kiệt thanh khoản, tỷ lệ nợ dưới chuẩn (NPL) thực tế thậm chí vượt quá mức 40% ở nhiều tổ chức tín dụng…

 

NHTW cũng phải tổ chức lại

Bước đi đầu tiên của Chính phủ Trung Quốc trong tiến trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là tiến hành tổ chức lại Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBC) nhằm tăng cường khả năng giám sát và tính độc lập, tự chủ trong quản lý, điều hành các chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương này. Tiếp theo là củng cố và tăng cường hệ thống giám sát tài chính bằng việc thành lập Ủy ban Giám sát Ngân hàng Trung Hoa, tập trung vào công tác quản trị rủi ro ở các ngân hàng. Ban hành hàng loạt văn bản và quy định mới, áp dụng những chuẩn mực kế toán và kiểm toán độc lập khắt khe hơn và những thông lệ quản trị công ty hiện đại nhằm nâng cao tính minh bạch, khôi phục, duy trì niềm tin của khách hàng, nhận diện những ngân hàng có vấn đề để kịp thời có biện pháp hỗ trợ, xử lý.

Năm 1998, Trung Quốc thông báo bắt đầu áp dụng các quy tắc, quy định, định mức và tỷ lệ an toàn theo chuẩn mực của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), tỷ lệ an toàn vốn (CAR) được nâng lên mức 8%; những quy định mới về phân loại khoản vay. Nhờ đó, bức tranh toàn cảnh về số nợ dưới chuẩn trở nên rõ ràng hơn và hình thành kế hoạch làm sạch bảng cân đối kế toán của các NHTM nhà nước. Bốn công ty quản lý tài sản được thành lập để xử lý toàn bộ số nợ dưới chuẩn ước tính lên đến 670 tỷ nhân dân tệ (NDT), những công ty này được trao quyền ngoại lệ đặc biệt để xử lý, mua lại nợ xấu, thậm chí đầu tư và sinh lời từ đó.

Số nợ xấu của các DNNN chiếm tới 70% tổng dư nợ trong hệ thống ngân hàng được đưa ra ngoài bảng cân đối kế toán để xử lý. Sau đó, Chính phủ dành ra 40 tỷ NDT dự trù ngân sách trong năm 1998 cho mục đích xóa nợ xấu của những DNNN này. Con số này là 30 tỷ NDT trong năm trước đó và tương tự các năm sau đều có khoản dự trù ngân sách dành để xóa nợ xấu. Đồng thời, những DNNN có nợ xấu được sắp xếp lại nhằm ngăn ngừa nguy cơ làm giảm chất lượng tài sản của những ngân hàng cho vay vốn. Đối với vấn đề thanh khoản, kế hoạch tái cấp vốn cho các NHTM nhà nước được triển khai song song. Số vốn yêu cầu được huy động theo cơ chế ngoài ngân sách, nghĩa là bằng công cụ trái phiếu chính phủ được phát hành với thời hạn 30 năm.

Bước tiếp theo, Chính phủ Trung Quốc khuyến khích các NHTM nhà nước xúc tiến kế hoạch niêm yết trên TTCK. Động thái này buộc các ngân hàng phải xây dựng cơ chế quản trị theo chuẩn quốc tế, kinh doanh theo định hướng thương mại nhiều hơn, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động, kế hoạch đầu tư và trên sổ sách kế toán. Nhằm tạo ra môi trường lành mạnh để tránh cho các ngân hàng rơi vào vòng luẩn quẩn của làn sóng nợ dưới chuẩn mới phát sinh, PBC kiên quyết yêu cầu các ngân hàng cải thiện chất lượng công tác quản trị doanh nghiệp, vì đó là bước đầu tiên trong việc quản trị rủi ro ngân hàng. Từng ngân hàng được yêu cầu lập kế hoạch với những chỉ tiêu cụ thể về chuyển đổi mô hình kinh doanh, giới thiệu dịch vụ khác biệt, kế hoạch quản trị rủi ro tổng thể, ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển nguồn nhân lực…

Ngành tài chính Trung Quốc không bị ảnh hưởng nhiều bởi cuộc khủng hoảng đang hoành hành hiện nay trên thế giới là nhờ tiến trình tái cấu trúc ngành ngân hàng mà chính phủ nước này thực hiện kịp thời cuối thập kỷ trước. Trung Quốc đã vạch ra được kế hoạch tổng thể và đồng bộ, gắn việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng với tiến trình tái cấu trúc hệ thống các DNNN, tái cơ cấu các khoản nợ của những doanh nghiệp này, chuyển đổi mô hình kinh doanh ngân hàng, tăng cường chất lượng quản trị, giám sát tổng thể thị trường tài chính, tiếp thu áp dụng kinh nghiệm của nước khác một cách có chọn lọc…

 

5 yếu tố then chốt

5 yếu tố thành công then chốt trong công cuộc cải cách hệ thống ngân hàng ở Trung Quốc bao gồm: (1) giải quyết triệt để các khoản nợ xấu, nợ dưới chuẩn trong đó có tỷ lệ lớn là nợ ở khối DNNN; (2) tăng cường năng lực quản trị ngân hàng bao gồm cả về tổ chức, nhân sự; (3) thu hút các nhà đầu tư chiến lược; (4) đưa ngân hàng niêm yết ở trong nước và nước ngoài, một mặt giúp các ngân hàng tăng vốn, mặt khác buộc các ngân hàng tự đẩy mạnh tái cấu trúc để tuân thủ các chuẩn mực quốc tế theo yêu cầu của thị trường; (5) sử dụng vốn huy động mới để tăng cường đầu tư vào hệ thống công nghệ, quản trị rủi ro để nâng cao hiệu quả hoạt động cho các ngân hàng.

Trên thực tế, công cuộc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng ở mỗi một quốc gia là đặc thù, xét đến điều kiện kinh tế, văn hóa - xã hội ở mỗi nước là khác nhau. Hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng không giống với bất kỳ một quốc gia nào khác, song có những nét tương đồng với các nước châu Á như Malaysia hay Hàn Quốc, trên phương diện hệ thống ngân hàng Việt Nam có nhiều ngân hàng nhỏ, phân tán, thiếu những ngân hàng đủ lớn làm trụ cột; tương đồng với Trung Quốc về văn hóa, mối quan hệ của hệ thống ngân hàng và khối DNNN. Ngoài ra, điều kiện ở Trung Quốc có khác biệt bởi nước này đã có sẵn những ngân hàng trụ cột và rất lớn về mặt quy mô, song hoạt động không khỏe mạnh, cần được cải tổ và tái cấu trúc.

Như vậy, lộ trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam có thể kết hợp tham khảo những bài học thành công của các quốc gia này, trước hết là quá trình xây dựng hệ thống ngân hàng mạnh với những ngân hàng đủ lớn như ở Malaysia và Hàn Quốc, sau đó là tham khảo những biện pháp quyết liệt của Chính phủ Trung Quốc nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả, an toàn và chất lượng hoạt động của những ngân hàng trụ cột này, đáp ứng những tiêu chuẩn quốc tế và vươn tầm cạnh tranh khu vực. Cũng như các quốc gia khác, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng ở Việt Nam là một bài toán khó, song nỗ lực để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng của Chính phủ và NHNN Việt Nam với những bước đi cụ thể cho thấy viễn cảnh lạc quan về nền kinh tế khỏe mạnh và có sức thu hút lớn đối với các nhà đầu tư.