Kinh nghiệm tái cấu trúc ngân hàng ở Hàn Quốc

Kinh nghiệm tái cấu trúc ngân hàng ở Hàn Quốc

(ĐTCK) Trọng tâm của quá trình tái cấu trúc ngân hàng mà Hàn Quốc từng tiến hành là xử lý mối quan hệ ngân hàng - chính phủ - các chaebol

CNH - HĐH và khủng hoảng ngân hàng

Hàn Quốc là nền kinh tế hàng đầu của châu Á. Trong vòng 3 thập kỷ từ đầu những năm 60 đến giữa thập kỷ 90 của thế kỷ XX, Hàn Quốc đã thành công trong quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước và trở thành một nước công nghiệp phát triển.

Một trong những đặc điểm quan trọng của quá trình công nghiệp hóa ở Hàn Quốc là sự phát triển mạnh mẽ của các tập đoàn kinh tế lớn (chaebol). Tuy nhiên, sự lớn mạnh của các chaebol lại phụ thuộc rất lớn vào chính sách của chính phủ và sự hỗ trợ vốn từ hệ thống NHTM. Do đó, có thể nói, sự phát triển của nền kinh tế Hàn Quốc phụ thuộc chủ yếu vào mối quan hệ chặt chẽ giữa ngân hàng, chính phủ và các chaebol.

Trong một thời gian dài, với chính sách hướng về xuất khẩu, Chính phủ Hàn Quốc đã tập trung mọi sự hỗ trợ cho các chaebol. Theo các quy định của Chính phủ, các NHTM Hàn Quốc phải cho các chaebol vay với lãi suất thấp. Hơn thế, Chính phủ sẵn sàng đứng ra bảo lãnh cho những khoản vay này trong những trường hợp doanh nghiệp phá sản hay thua lỗ.

Vì vậy, các khoản vay của chaebol chiếm một tỷ lệ rất lớn trong hệ thống NHTM. Có ngân hàng cho một doanh nghiệp vay tới 45% tổng dư nợ tín dụng. Thậm chí, tổng dư nợ của một tập đoàn chaebol tại một ngân hàng có thể lên tới 300% tổng nguồn vốn của ngân hàng đó.

Do Chính phủ can thiệp quá sâu vào quá trình kinh doanh của các ngân hàng, đặc biệt là việc giới hạn lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, nên lợi nhuận của hệ thống ngân hàng Hàn Quốc thuộc loại thấp nhất trong các nền kinh tế mới nổi vào thời điểm đó. Việc ỷ lại vào sự bảo lãnh của Chính phủ trong các dự án cho vay cũng đã làm giảm đi sự cạnh tranh về giá giữa các ngân hàng và hạn chế khả năng của các ngân hàng trong việc tính toán chi phí và xây dựng cho mình chính sách tín dụng hợp lý. Vì vậy, rủi ro đến với hệ thống ngân hàng là điều không thể tránh khỏi.

Khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á nổ ra và kéo Hàn Quốc vào vòng xoáy thì hệ thống ngân hàng Hàn Quốc đã bộc lộ tất cả những yếu kém của mình. Bốn tháng sau khi cuộc khủng hoảng nổ ra, từ tháng 11/1997, Chính phủ Hàn Quốc bắt đầu thực thi một chương trình cải cách toàn diện ngành ngân hàng.

Đầu tháng 3 năm 1998, Ủy ban Giám sát tài chính (FSC) được thành lập. Công việc đầu tiên, FSC đã xác định được 12 trong tổng số 24 ngân hàng Hàn Quốc không đủ khả năng tồn tại, và sau đó, yêu cầu 5 ngân hàng bị đình chỉ giấy phép ngay lập tức và 7 ngân hàng còn lại chỉ được hoạt động trên cơ sở có điều kiện.

5 ngân hàng bị ngừng hoạt động sau đó được các ngân hàng còn khả năng hoạt động mua lại. Những khoản nợ không sinh lời của các ngân hàng này được Cơ quan quản lý tài sản Hàn Quốc đứng ra mua. Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc còn hỗ trợ cho các ngân hàng được cơ cấu lại bằng việc cấp thêm vốn thông qua trái phiếu chính phủ do Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Hàn Quốc phát hành và được Chính phủ bảo lãnh. Nếu tài sản và nguồn vốn của các ngân hàng bị đóng cửa bị mất giá trong quá trình mua lại hay sáp nhập thì Chính phủ Hàn Quốc cũng sẽ đứng ra bù đắp cho những thiệt hại này.

Chính phủ Hàn Quốc cũng yêu cầu 7 ngân hàng được phép hoạt động có điều kiện phải hợp nhất với nhau hoặc tự tìm đối tác nước ngoài có khả năng về vốn và kinh nghiệm trong quản lý ngân hàng để hợp tác. Trong những trường hợp đặc biệt, FSC có thể mua lại những khoản nợ không sinh lời và tái cấp vốn cho các ngân hàng này với những điều kiện như: phải giảm 45 - 50% nhân viên, sắp xếp lại hoạt động của bộ máy lãnh đạo, củng cố hệ thống mạng lưới chi nhánh, đảm bảo tìm kiếm được đối tác để hợp nhất hay đối tác nước ngoài, và phải thay thế bộ máy điều hành cũ bằng đội ngũ chuyên gia ngân hàng trong nước và quốc tế.

 

Tái cấu trúc ngân hàng: xử lý quan hệ ngân hàng - chính phủ - các chaebol

Do các chaebol chiếm một tỷ lệ rất lớn nợ khó đòi trong hệ thống ngân hàng Hàn Quốc, nên việc tái cơ cấu lại các chaebol đóng vai trò quan trọng trong việc lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng. Chính phủ Hàn Quốc đã tiến hành dỡ bỏ các hạn chế về lãi suất và do đó, làm cho lãi suất trên thị trường tăng lên. Gánh nặng nợ nần của các doanh nghiệp ngày càng lớn. Sau khi Hàn Quốc chấp nhận các khoản vay của IMF, lãi suất trên thị trường tăng lên tới trên 30%/năm, đã làm cho một số chaebol nhỏ lập tức phá sản, một loạt các doanh nghiệp khác cũng rơi vào thua lỗ nặng nề.

Để giải quyết tình trạng trên, Hàn Quốc đã tiến hành tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trước khi tái cơ cấu các khoản nợ doanh nghiệp. Chính phủ cho rằng, khi hệ thống ngân hàng được lành mạnh hóa thì các ngân hàng sẽ đi đầu trong việc tái cơ cấu các doanh nghiệp. Hơn thế nữa, thông qua việc giúp đỡ các NHTM, Chính phủ có thể gián tiếp hỗ trợ các chaebol tái cơ cấu các khoản nợ.

Tuy nhiên, trên thực tế, mọi việc diễn ra không suôn sẻ như dự kiến vì 5 trong số các ngân hàng lớn nhất của Hàn Quốc đã bị quốc hữu hóa sau khi hoàn thành việc tái cơ cấu. Hơn thế nữa, 5 ngân hàng này lại nắm giữ phần lớn những khoản vay của 30 chaebol lớn nhất. Một lý do khác nữa là tại Hàn Quốc, Chính phủ sở hữu hầu hết các NHTM nên việc tham gia vào tái cơ cấu các chaebol của các ngân hàng thực chất cũng là do Chính phủ thực hiện. Do đó, trên thực tế, Chính phủ Hàn Quốc vẫn là nơi chịu gánh nặng cuối cùng. Tính tới cuối tháng 9/1998, Chính phủ Hàn Quốc đã chi tới 16 nghìn tỷ Won để mua lại các khoản nợ khó đòi trị giá khoảng 36 nghìn tỷ won. Tới cuối năm 2003, Chính phủ Hàn Quốc phải chi tới 161 nghìn tỷ won để ổn định khu vực tài chính và tái cấp vốn cho hệ thống ngân hàng.

Song song với quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, bao gồm cả việc xử lý các khoản nợ xấu của các chaebol tại các NHTM, Chính phủ Hàn Quốc cũng đã thực hiện quyết liệt các biện pháp nhằm cải tổ các chaebol này (xem bảng).

Từ bài học kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy, mối quan hệ ngân hàng, Nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước đóng một vai trò quan trọng trong quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Để xử lý mối quan hệ này, Chính phủ Hàn Quốc đã tiến hành theo trình tự:

-          Tái cấu trúc hệ thống các ngân hàng trước;

-         Khuyến khích các ngân hàng đã được tái cấu trúc và lành mạnh hóa tham gia vào quá trình tái cấu trúc các chaebol;

-         Đồng thời, Chính phủ đã phải chi một lượng vốn không nhỏ cho quá trình này để xử lý các khoản nợ của các chaebol.

Bài học từ Hàn Quốc đã cho thấy, việc xem xét một cách nghiêm túc và xây dựng phương án xử lý hợp lý, đặc biệt là vấn đề tài chính đề giải quyết mối quan hệ ngân hàng, chính phủ và các doanh nghiệp nhà nước là cần thiết trong quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.  

   

Các điều khoản cải tổ chaebol của Hàn Quốc được tiến hành song song với quá trình cải tổ hệ thống ngân hàng:

- Minh bạch hóa quản lý bằng cách công bố các báo cáo tài chính, thông tin tài chính và thông tin kinh doanh, điều hành chaebol.

- Không cho phép công ty mẹ bảo lãnh nợ cho công ty con thuộc tập đoàn.

- Xác lập và khống chế các tỉ lệ tài chính nhằm đảm bảo an toàn tài chính cho tập đoàn. Trong đó tỉ lệ nợ vay trên vốn sở hữu không quá 200%.

- Tập trung vào ngành nghề chuyên môn nhằm gia tăng tính cạnh tranh ở mức độ toàn cầu.

- Quy trách nhiệm cá nhân các lãnh đạo gia đình chaebol trong việc điều hành và lãnh đạo tập đoàn. Hủy bỏ hội đồng các tổng giám đốc, các công ty mẹ cũng như cơ quan điều hành các hoạt động ngoài ngành. Gia tăng quyền hạn cho cổ đông thiểu số. Đánh thuế lên giá trị quà tặng nhằm công khai và tránh hối lộ.

- Cấm các chaebol sở hữu các công ty tài chính phi ngân hàng.

- Khống chế đầu tư lòng vòng vào các công ty thành viên và cấm một số giao dịch giữa các công ty thành viên với nhau.

- Nghiêm cấm lễ lộc, quà cáp, hình thức tác động không hợp lệ đối với những người thừa kế chaebol.

(Trần Khuê - Hành trình cải tổ các Chaebol Hàn Quốc)