Kinh nghiệm mới ứng phó với bảo hiểm xã hội!

Kinh nghiệm mới ứng phó với bảo hiểm xã hội!

Để đối phó với khoản nợ BHXH hàng tỉ đồng, doanh nghiệp (DN) ngoài việc hứa hẹn, đưa ra “lộ trình trả nợ” đã nghĩ ra đủ chiêu thức, thậm chí làm thay chức năng của ngành bảo hiểm.

Việc DN “thay trời hành đạo” có vẻ như quyền lợi của người lao động (NLĐ) vẫn đảm bảo, tuy nhiên về lâu dài, NLĐ sẽ gánh chịu nhiều thiệt thòi.

 

Làm thay Bảo hiểm xã hội

 

CTCP Thương mại Tiến Hưng, chuyên sản xuất hạt nhựa, sản phẩm nhựa, caosu... (ĐC số 142A-17-18-19 Lũy Bán Bích, Q.Tân Phú, TPHCM, nhà xưởng ở huyện Long Thành, Đồng Nai) liên tục chậm đóng BHXH từ năm 2010.

 

Tiến Hưng đã bị cơ quan BHXH Q.Tân Phú (TP. HCM) khởi kiện ra tòa, Thi hành án vào cuộc, tuy nhiên, số nợ cứ tăng dần lên, đến nay Tiến Hưng đã nợ BHXH gần 4 tỉ đồng.

 

Bà Nguyễn Thị Hồng Điệp - Giám đốc BHXH Q.Tân Phú - cho biết, lãnh đạo Công ty đưa ra lộ trình trả nợ từng ít một, tuy nhiên, BHXH Tân Phú không có thẩm quyền giải quyết việc này.

 

Hiện cơ quan này đang hoàn tất hồ sơ để khởi kiện tiếp lần 2 đối với DN này.

 

Trong khi đó, phía Tiến Hưng, bà Võ Thị Ái - chuyên viên phòng nhân sự kiêm Chủ tịch Tiến Hưng - cho rằng, Công ty đã “xin” được trả nợ dần theo từng đợt và khẳng định việc này cũng không ảnh hưởng tới quyền lợi NLĐ!

 

Theo bà Ái, trước đây khi nhân viên, NLĐ của Công ty bị đau ốm, thai sản dù cơ quan BHXH không giải quyết chế độ thì phía Công ty đã bỏ tiền ra giải quyết đầy đủ cho NLĐ.

 

Nếu NLĐ nghỉ việc, cần giải quyết chế độ sau nghỉ việc, Công ty cũng sẽ tính đầy đủ, ứng tiền ra trả cho NLĐ, sau đó NLĐ làm cam kết sau này cơ quan BHXH giải quyết thì số tiền đó phía Công ty sẽ giữ!

 

Chị Nguyễn Thị Hà - CN Công ty T.N, Q.Tân Bình - bức xúc kể, chị làm ở Công ty đã gần 2 năm, được ký hợp đồng lao động, hằng tháng Công ty vẫn trích lương của chị để nộp BHXH.

 

Tuy nhiên, đến ngày chị nghỉ sinh mới biết là Công ty nợ BHXH đã nhiều tháng qua nên chế độ thai sản của chị cũng sẽ bị “treo”, cơ quan BHXH không giải quyết trường hợp của chị.

 

“Để trấn an tôi, Công ty nói cứ nghỉ sinh bình thường, mang mọi hóa đơn, chứng từ về Công ty sẽ trả hết. Chế độ thai sản BHXH thanh toán như thế nào thì Công ty sẽ thanh toán như thế! Nghe Công ty nói vậy nên tôi cũng an tâm” - chị Hà nói.

 

NLĐ có nguy cơ mất quyền lợi!

 

Tuy nhiên, sau khi sinh, vì phải ở cữ lại bận bịu con nhỏ nên chị Hà không lên Công ty để thanh toán, mấy tháng nghỉ sinh cũng không được nhận trợ cấp thai sản, nhưng nhớ đến lời hứa của Cty nên chị cũng yên tâm.

 

“Chưa nghỉ đủ 6 tháng, nhưng vì tiền bạc không có nên tôi đi làm trở lại. Khi đem hóa đơn chứng từ lên Công ty giải quyết thì Công ty cứ hẹn tới hẹn lui.

 

Nhiều lúc tôi ức lắm, muốn nghỉ việc rồi đi khiếu nại Công ty để đòi quyền lợi cho mình nhưng nghĩ lại bây giờ con còn nhỏ, liệu Công ty khác có chịu nhận một sản phụ vào làm việc hay không nên tôi đành cắn răng ở lại.

 

Thật tình tôi thấy khổ quá!” - chị Hà bộc bạch.

 

Ông Đỗ Quang Khánh - Phó Giám đốc BHXH TP.HCM - cho rằng, việc DN nợ BHXH, tự giải quyết quyền lợi cho NLĐ như vậy, trước mắt NLĐ có thể thấy là quyền lợi của mình vẫn được đảm bảo, nhưng về lâu dài họ sẽ đối mặt với tình thế nguy hiểm là có thể mất trắng quyền lợi.

 

Ông Khánh nói: “Cách làm của các DN là trái quy định của pháp luật. Khi DN tự chi trả các khoản BHXH trực tiếp cho NLĐ, trốn đóng BHXH thì những người nghỉ việc trước có thể được hưởng quyền lợi, nhưng còn những NLĐ bám trụ đến cùng với DN mà DN giải thể, phá sản thì quyền lợi của những NLĐ đó gần như mất trắng!

 

Hơn nữa, việc DN hứa hẹn sẽ tự chi trả với NLĐ, việc chi trả đó diễn ra như thế nào, có đảm bảo quyền lợi cho NLĐ không, cũng không có cơ quan nào giám sát thì làm sao đảm bảo được quyền lợi cho NLĐ”.

 

Trao đổi với PV, luật sư Trần Mạnh Thắng - văn phòng luật sư Luật Tín Nghĩa, TP.HCM - cho rằng: “Nếu DN đóng đủ BHXH thì khi Cty phá sản, giải thể, trách nhiệm đảm bảo quyền lợi cho NLĐ vẫn còn có ngành BHXH, còn DN cứ tự mình làm luôn chức năng của ngành BHXH thì khi DN giải thể, NLĐ có nguy cơ mất trắng quyền lợi là điều khó tránh.

 

Hơn nữa, DN còn vi phạm pháp luật về trích đóng và nghĩa vụ thanh toán BHXH đối với ngành BHXH”.