Kinh doanh vận tải đường bộ: “soi” đâu, sai đấy

Kết quả một số đợt kiểm tra hoạt động vận tải đường bộ vừa được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT)  thực hiện cho thấy, vẫn còn nhan nhản “hung thần xa lộ”.
Kinh doanh vận tải đường bộ: “soi” đâu, sai đấy

Lộ dân “nghiện” trong đội ngũ lái xe

Tính đến thời điểm này, xe khách mang biển kiểm soát 36B – 005.28 của Công ty TNHH Tuấn Thành (tỉnh Thanh Hoá) đang không có đối thủ về tần suất vi phạm tốc độ quy định cho phép.

Cụ thể, kết quả kiểm tra thiết bị giám sát hành trình trong khoảng thời gian 1 tháng (từ ngày 9/11/2013 đến ngày 8/12/2013), chiếc xe này đã có tới 1.633 lần vi phạm tốc độ, với tốc độ chạy xe lớn nhất là 95 km/giờ.

Đây là kết quả kiểm tra việc thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn và chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô tại tỉnh Thanh Hóa của đoàn kiểm tra Bộ GTVT.

Được biết, Công ty cổ phần TNHH Tuấn Thành không phải là doanh nghiệp duy nhất tại Thanh Hóa có nhiều lái xe vi phạm tốc độ quy định. Tại các doanh nghiệp như Công ty cổ phần Xe khách Thanh Hóa, Công ty TNHH Tuấn Thành, HTX Vận tải Thăng Long đều phát hiện lỗi vi phạm tốc độ và thời gian lái xe liên tục.

Kết quả kiểm tra 22 xe khách tại HTX Vận tải ô tô Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình) do Bộ GTVT thực hiện trong thời gian từ ngày 25/10/2013 đến 25/11/2013 đã phát hiện lái xe của đơn vị này đã có tới 3.122 lỗi vi phạm, với tốc độ cao nhất lên tới 117 km/giờ.

“Khi chạy với tốc độ như trên, nếu có tình huống bất thường trên đường, lái xe gần như không có cơ hội xử lý”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam khẳng định.

Tuy nhiên, đây chưa phải là thông tin gây “sốc” nhất liên quan tới tới hoạt động vận tải đường bộ dịp cuối năm.

Báo cáo về kết quả kiểm tra sức khỏe định kỳ cho đội ngũ lái xe ô tô trên địa bàn Hải Phòng do Sở GTVT Hải Phòng thực hiện cho thấy, có tới 217/7.524 lái xe thuộc các doanh nghiệp kinh doanh vận tải không đạt yêu cầu.

Theo ông Nguyễn Đức Thọ, Phó giám đốc Sở GTVT Hải Phòng, những lái xe không đạt chuẩn sức khỏe đợt này bao gồm cả những người không chấp hành việc đi khám sức khỏe định kỳ bắt buộc, những người từng có kết quả dương tính trong xét nghiệm máu, nước tiểu; những người mắc các bệnh về thính giác, thị giác...

Mặc dù đại diện Sở GTVT Hải Phòng khẳng định rằng, số lái xe không đạt yêu cầu đều đã bị loại bỏ, nhưng kết quả kiểm tra gây sốc này đã phần nào chứng minh tin đồn từ nhiều năm nay về việc lái xe đất Cảng có không ít người nghiện ma túy.

Siết đã chặt, nhưng chưa thật sự thấm

Hải Phòng là địa phương hiếm hoi trong cả nước tiến hành kiểm tra sức khỏe lái xe theo quy định của Luật Giao thông đường bộ. Trên thực tế, nếu làm chặt trên toàn quốc, chắc chắn, Hải Phòng không phải là địa phương duy nhất có tài xế đang làm việc tại các doanh nghiệp vận tải dính ma túy.

Theo Bộ GTVT, trong khi các quy định được ban hành nhiều và tương đối đủ, thì “lỗ hổng” lại xuất hiện dày đặc trong công tác cấp phép, hậu kiểm tại các sở GTVT địa phương, nơi vốn được coi là “gốc rễ” để kiểm soát các hoạt động vận tải.

“Ngoài vi phạm về an toàn, công tác quản lý điều hành tại nhiều doanh nghiệp vận tải còn nhiều bất cập”, ông Lê Đình Thọ cho biết.

Kết quả kiểm tra công tác điều hành vận tải tại Thanh Hóa cho thấy, 100% đơn vị không có đủ sổ sách, tài liệu theo dõi tình trạng kỹ thuật; 100% đơn vị không tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ theo quy định.

Sai sót “ly kỳ” nhất trong quản lý vận tải tại Thanh Hóa là việc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Đức Minh (vận tải container) không có đủ tài liệu chứng minh người trực tiếp điều hành hoạt động kinh doanh đang làm việc tại doanh nghiệp.

Tại Ninh Bình, phần lớn các đơn vị vận tải chưa quan tâm đến bộ phận quản lý, theo dõi an toàn giao thông, trong đó, nhiều HTX vận tải không có bộ phận theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông hoặc có bộ phận theo dõi, nhưng không hoạt động theo quy định của Chính phủ.

Cần phải nói thêm rằng, đợt kiểm tra hoạt động vận tải đường bộ tại Thanh Hóa, Ninh Bình được Bộ GTVT thực hiện chỉ sau 4 tháng kể từ đợt cao điểm tháng 8/2013, khi 7 thứ trưởng Bộ GTVT đồng loạt tỏa đi rà soát tại các địa phương trong cả nước.

“Điều này cho thấy, hiệu lực của công tác quản lý nhà nước tuy đã được siết chặt, nhưng chưa thật sự thấm vào công tác điều hành quản lý tại các doanh nghiệp vận tải. Nói cách khác, một bộ phận không nhỏ lãnh đạo doanh nghiệp vẫn còn nặng tư tưởng chụp giật”, ông Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá.