Số lượng cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam đã tăng gấp 4 lần kể từ năm 2012 và hình thức này cũng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số lượng mở mới các loại hình mua sắm trong 9 tháng của năm 2018.

Số lượng cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam đã tăng gấp 4 lần kể từ năm 2012 và hình thức này cũng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số lượng mở mới các loại hình mua sắm trong 9 tháng của năm 2018.

Kinh doanh cửa hàng tiện lợi tại hệ thống cây xăng: “Đại chiến” trên thị trường bán lẻ

Kế hoạch lấn sân của “ông lớn” Petrolimex sau 5 năm nung nấu ý định triển khai chuỗi cửa hàng tiện lợi tại hệ thống các cây xăng thuộc quản lý của mình có thể sẽ tạo ra một cuộc “đại chiến” trên thị trường bán lẻ.

Tận dụng lợi thế từ mạng lưới “khủng”

Chia sẻ với cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019, lãnh đạo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho hay, đã tiến hành nghiên cứu thành lập chuỗi cửa hàng tiện lợi được 5 năm và đang phân loại, đánh giá lại hệ thống cửa hàng xăng dầu có thể triển khai được dịch vụ cửa hàng tiện ích.

Ý định này không phải là không có cơ sở, khi Petrolimex có lợi thế lớn từ việc sở hữu các vị trí đẹp, mặt bằng khủng với mạng lưới 5.200 cửa hàng xăng dầu Petrolimex trải khắp 63 tỉnh, thành phố, trong số này, có 2.500 cửa hàng trực thuộc Petrolimex (số còn lại là những cửa hàng kinh doanh theo hình thức nhượng quyền hoặc đại lý).

Dù tự tin với những lợi thế rất lớn mà nhiều tập đoàn bán lẻ mong muốn, nhưng đại diện Petrolimex cũng thừa nhận, “không thể triển khai cửa hàng tiện lợi ở bất cứ cây xăng nào, mà cần phân loại, đánh giá cửa hàng nào có thể làm được. Với sự hỗ trợ của đối tác chiến lược đến từ Nhật Bản là JX Nippon Oil, Petrolimex sẽ triển khai hệ thống cửa hàng tiện lợi hiệu quả nhất, bởi nếu không tính toán kỹ, thì sẽ lỗ”.

Có vẻ, ý định của Petrolimex đang ngả theo hướng tự triển khai dịch vụ này với khoảng 1.500 - 2.000 mặt hàng, nhưng vẫn chưa công bố thời gian triển khai chính thức.

Trước đó, vào năm 2017, Petrolimex đã công bố khai trương một cửa hàng tiện ích mang tên P - Mart nằm trong khuôn viên của cây xăng Petrolimex tại huyện Hoài Đức (Hà Nội). Tại đây, ngoài các mặt hàng do Petrolimex sản xuất được như dầu nhớt, nước giặt…, còn có một số mặt hàng tiêu dùng nhanh khác như đồ uống, thực phẩm chế biến được bày bán.

Tuy nhiên, mô hình này vẫn chưa được mở rộng. Đa phần các cây xăng của Petrolimex hiện nay mới chỉ bán các sản phẩm trong ngành như bảo hiểm, dầu nhớt.

Tại Nhật Bản, JX Nippon Oil - đối tác chiến lược của Petrolimex - đang tổ chức hệ thống “car service” kết hợp cả dịch vụ sửa chữa ô tô và đăng kiểm. “Chương trình này cũng đang được Petrolimex nghiên cứu và đánh giá kỹ lưỡng”, đại diện Petrolimex cho biết.

Cơ hội rộng mở

Dẫn chứng thực tế bán hàng sản phẩm nước tăng lực Red Bull trong hệ thống cửa hàng tiện lợi tại cây xăng của hãng Shell lớn hơn so với doanh số bán tại các siêu thị, ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) - doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có mạng lưới lớn thứ 2 tại Việt Nam sau Petrolimex cũng đánh giá, đây là một ý tưởng tốt và PV Oil cũng đã nghiên cứu vấn đề này từ khoảng 2 năm trước.

“Hiện tại, cửa hàng tiện lợi ở cây xăng chưa phát triển tại Việt Nam, trong khi đó, đây là hình thức đã rất phổ biến tại các nước trên thế giới”, ông Dương nói.

Tổng giám đốc PV Oil cũng cho biết, thống kê từ thế giới cho thấy, lợi nhuận đến từ các cửa hàng tiện lợi và các dịch vụ phi xăng dầu ở cây xăng chiếm tới 50% lợi nhuận của cây xăng. Đó là chưa kể, dòng tiền thu được từ đây khá tốt, nên việc các doanh nghiệp có hệ thống cửa hàng bán xăng dầu lớn như Petrolimex hay PV Oil quan tâm tới việc mở cửa hàng tiện lợi ở cây xăng cũng là điều dễ hiểu.

Tất nhiên, câu chuyện tự phát triển một thương hiệu riêng biệt về cửa hàng tiện lợi và các dịch vụ phi xăng dầu tại hệ thống cây xăng của mình hay hợp tác với một đối tác có kinh nghiệm về vấn đề này sẽ tùy thuộc vào lựa chọn của từng doanh nghiệp với chiến lược cụ thể cho từng thị trường.

“Chi phí hậu cần cho cửa hàng tiện lợi cũng rất lớn. Nếu độ phủ sóng các cửa hàng của doanh nghiệp trong khu vực dày hơn, thì nhiều khoản chi phí sẽ được giảm bớt”, ông Dương chia sẻ và tiết lộ, hướng đi của PV Oil là hợp tác với một đối tác có kinh nghiệm để phát triển cửa hàng tiện dụng ở cây xăng của mình, thay vì tự phát triển thương hiệu riêng.

Có chung nhận định phân khúc cửa hàng tiện dụng ở cây xăng sẽ đem lại những đột phá lớn cho cả nhà cung cấp sản phẩm lẫn doanh nghiệp sở hữu cây xăng, dưới góc độ của một nhà sản xuất sản phẩm, ông Đỗ Xuân Diện, Chủ tịch HĐQT Công ty Thadi (doanh nghiệp làm nông nghiệp thuộc Thaco Holdings) đã chia sẻ thông tin sau nhiều lần khảo sát thực tế tại thị trường Trung Quốc với chuỗi cửa hàng tiện dụng ở các cây xăng thuộc Sinopec.

Cụ thể, hệ thống của Sinopec có 26.800 siêu thị/cửa hàng tiện dụng gắn với cây xăng, đặt tại 31 tỉnh, thành phố của Trung Quốc. Do đặt cạnh cây xăng, nên chỉ có các mặt hàng khô mới được đưa vào siêu thị. Tại các cây xăng này, họ dành khoảng 50 - 100 m2 để làm cửa hàng tiện lợi. Khi khách hàng đổ khoảng 50 lít xăng sẽ được tặng 1 voucher trị giá khoảng 49 nhân dân tệ (CYN), tương đương 7 USD. Như vậy, khách hàng mua đồ ở cửa hàng tiện dụng trong cây xăng với trị giá 100 CYN mà có voucher này, thì chỉ phải trả 51 CYN. “Chiêu” này đã khuyến khích rất nhiều khách mua hàng tại đây.

“Chỉ sau 3 năm phát triển, doanh số của 26.800 cửa hàng tiện dụng này đã đạt tới 11 tỷ USD, con số được đánh giá là rất hấp dẫn với mảng kinh doanh này”, ông Diện nói.

Với đà phát triển đó, Sinopec cũng đưa ra thông điệp cho năm 2019 là tiếp tục phát triển phương thức mới dựa trên sự kết hợp giữa Internet - trạm dịch vụ - cửa hàng tiện lợi - dịch vụ toàn diện, nhằm thúc đẩy sự phát triển của kinh doanh phi nhiên liệu.

“Cuộc chiến” mới

Trong Báo cáo về thị trường bán lẻ Việt Nam được hoàn tất vào tháng 2/2019 của Deloitte, quy mô thị trường bán lẻ tại Việt Nam năm 2018 đạt 142 tỷ USD và sẽ tăng lên mức 180 tỷ USD vào năm 2020.

Đáng chú ý, Việt Nam hiện được xếp là thị trường có tốc độ phát triển nhanh nhất khu vực châu Á với mảng cửa hàng tiện lợi và tốc độ phát triển này sẽ duy trì tới năm 2021.

Trong số 13 “đại gia” trong nước và 17 “đại gia” đến từ nước ngoài đang hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam, số doanh nghiệp/tập đoàn tham gia lĩnh vực bán lẻ thông qua mở cửa hàng tiện dụng được Deloitte Việt Nam liệt kê không có nhiều.

Tuy nhiên, Báo cáo của Deloitte tỏ ra rất lạc quan với sự phát triển của hình thức cửa hàng tiện lợi. Cụ thể, số lượng cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam đã tăng gấp 4 lần kể từ năm 2012 và hình thức này cũng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số lượng mở mới các loại hình mua sắm trong 9 tháng của năm 2018.

Mức độ hấp dẫn của các cửa hàng tiện lợi không chỉ thu hút sự chú ý của các tập đoàn trong nước như Vingroup, Saigon Co.Op…, mà còn cả với các công ty nước ngoài như Circle K, B's Mart, Mini Stop, 7-Eleven và đang trở thành hình thức ưa thích của nhiều nhà đầu tư bán lẻ nước ngoài, bởi những cửa hàng này mang đến cho người tiêu dùng sự gần gũi và thuận tiện hơn.

“Trong khi cửa hàng tiện lợi thường chiếm khoảng 20% thị trường ở các nền kinh tếkhác, thì con số này ở Việt Nam mới chỉ ở mức dưới 10%. Tỷ lệ cửa hàng tiện lợi so với dân số ở Việt Nam hiện là 54.400 cư dân/cửa hàng, trong khi ở Hàn Quốc là 2.100 cư dân/cửa hàng và ở Trung Quốc là 24.900 cư dân/cửa hàng”, báo cáo của Deloitte cho hay.

Những con số và phân tích ở trên đã cho thấy sức hấp dẫn của loại hình kinh doanh cửa hàng tiện lợi và chắc chắn, trong thời gian tới, thị trường sẽ chứng kiến sự bùng nổ số lượng các cửa hàng tiện lợi.

Sự bùng nổ và cạnh tranh ngày càng quyết liệt của các mô hình kinh doanh cửa hàng tiện lợi đang mang lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng và dĩ nhiên, nếu bước chân vào lĩnh vực bán lẻ tiện lợi, Petrolimex hay PV Oil sẽ phải suy tính kỹ càng để lựa chọn cho mình một con đường tối ưu nhất.

Chạy đua mở rộng chuỗi cửa hàng tiện lợi

Tính tới tháng 1/2019, tại Việt Nam, Saigon Co.op có 41 cửa hàng tiện lợi, Vinmart có hơn 1.700 cửa hàng, 7-Eleven có 24 cửa hàng, Aeon có 115 cửa hàng, B’s Mart có 168 cửa hàng, Shop&Go với 95 cửa hàng và Circle K có 300 cửa hàng (theo thống kê của Deloitte).

Hầu hết các thương hiệu này đều đang có kế hoạch mở rộng chuỗi để tăng độ phủ và giành thị phần. Vingroup đang có kế hoạch mở 4.000 cửa hàng tiện ích Vinmart vào năm 2020; Saigon Co.op đang tiến hành mua lại mạng lưới các cửa hàng tạp hóa nhỏ, chủ yếu ở khu vực nông thôn, để mở rộng thị trường.

Trong khi đó, gã khổng lồ bán lẻ 7-Eleven đặt mục tiêu tăng số lượng cửa hàng lên 1.000 trong vòng 10 năm; GS25 (Hàn Quốc) cũng bắt tay thực hiện kế hoạch mở 2.500 cửa hàng trong giai đoạn 10 năm tới.

Tin bài liên quan