Kinh doanh bết bát, PGT tiền đâu mua 3 công ty?

(ĐTCK) Trong bối cảnh kinh doanh sa sút kéo dài, Công ty cổ phần PGT Holdings lên kế hoạch M&A hàng loạt doanh nghiệp để tham gia vào lĩnh vực kinh doanh mới. Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra với phương án mà PGT dự kiến trình đại hội đồng cổ đông bất thường được tổ chức vào ngày 31/10/2017.

Thua lỗ kéo dài, PGT đẩy mạnh M&A

Theo tài liệu Đại hội đồng cổ đông bất thường, Hội đồng quản trị PGT dự kiến sẽ trình cổ đông kế hoạch đầu tư vào một công ty chứng khoán, một công ty tài chính tại Myanmar và một dự án bất động sản tại quận 4, TP.HCM.

Kế hoạch M&A nằm trong chiến lược chuyển hướng kinh doanh sang tập trung vào các lĩnh vực chính là đầu tư, tài chính và bất động sản đã thông qua tại Đại hội đồng cổ đồng thường niên năm 2017.

Cụ thể, PGT dự kiến sẽ nhận chuyển nhượng 8,63% vốn của một công ty chứng khoán trong nước (chưa nêu tên) với tổng giá trị chuyển nhượng 31,9 tỷ đồng. Công ty sẽ từng bước nâng tỷ lệ sở hữu lên tối đa 100% vốn và dự kiến trong năm 2019, hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực chứng khoán sẽ giúp PGT tăng doanh thu và lợi nhuận 50% so với năm nay.

PGT cũng sẽ nhận chuyển nhượng tối đa 70% vốn của một công ty tài chính vi mô tại Myanmar (có vốn điều lệ 1 triệu USD), tương đương giá trị 20 tỷ đồng. Trước mắt, PGT sẽ góp 10,7 tỷ đồng, tương đương 46,2% vốn điều lệ của công ty này. Theo lãnh đạo PGT, thị trường tài chính vi mô tại Myanmar trong thời gian gần đây phát triển rất nhanh, nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu tài chính tiêu dùng của người dân nước này.

Cũng trong kế hoạch M&A của PGT, Công ty sẽ hợp tác kinh doanh thực hiện dự án khu phức hợp khách sạn cao cấp quốc tế tại quận 4, TP.HCM. Tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 145,9 tỷ đồng; trong đó PGT góp vốn tối đa 22 tỷ đồng, tương đương 15% vốn đầu tư giai đoạn đầu.

Tiền thân PGT là công ty con của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), tên gọi trước đây là CTCP Taxi Gas Sài Gòn Petrolimex, niêm yết trên sàn HNX từ 14/12/2009. Chưa đầy 1 năm sau khi ông Kakazu Shogo, cổ đông lớn người Nhật Bản đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị, từ đầu tháng 2/2016, PGT chính thức đổi tên thành Công ty cổ phần PGT Holdings. Được biết, ông Kakazu Shogo đang sở hữu 15,71% vốn tại PGT. Ông này cũng đang nắm giữ chức vụ Phó chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Vận chuyển Sài Gòn Tourist (STT), công ty có nhiều ồn ào về tranh chấp giữa các nhóm cổ đông nội bộ thời gian qua.

Với ngành nghề chính là kinh doanh vận tải (xe buýt, taxi), nhiều năm trở lại đây, tình hình kinh doanh của PGT liên tục sa sút. Năm 2013, PGT lỗ tới trên 21 tỷ đồng, năm 2014 lỗ trên 10 tỷ đồng, năm 2015 chỉ có lãi nhẹ hơn 200 triệu đồng, sang năm 2016 tiếp tục lỗ gần 5,9 tỷ đồng. Sáu tháng đầu năm nay, PGT lỗ hơn 7,9 tỷ đồng.

Thị giá trà đá, PGT dự kiến phát hành bằng mệnh giá

Để thực hiện kế hoạch M&A, Hội đồng quản trị PGT sẽ trình kế hoạch phát hành riêng lẻ 5,26 triệu cổ phiếu cho tối đa 5 đối tác đầu tư với giá dự kiến 10.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian thực hiện trong quý IV/2017.

Mức giá phát hành cao hơn nhiều so với giá trị sổ sách và thị giá cổ phiếu trên sàn. Tính đến 30/6/2017, vốn chủ sở hữu của PGT là 67,1 tỷ đồng, thấp hơn vốn điều lệ 92,4 tỷ đồng. Giá trị sổ sách mỗi cổ phiếu của PGT là 7.261 đồng. Giá cổ phiếu PGT trên thị trường dao động ở mức 3.000 - 4.000 đồng/cổ phiếu, giảm 32% trong vòng 1 năm trở lại đây và dao động dưới mệnh giá trong khoảng 7 năm qua.

Bên cạnh đó, PGT huy động thêm 39,2 tỷ đồng thông qua hình thức phát hành trái phiếu chuyển đổi trong thời hạn 3 năm với lãi suất đơn 8%/năm. Giá chuyển đổi dự kiến 10.000 đồng/cổ phiếu. Tổng số cổ phần sau chuyển đổi của PGT là 3,92 triệu cổ phiếu, tương đương 42,9% vốn cổ phần PGT.

Tổng số vốn huy động từ hai đợt phát hành cổ phiếu và trái phiếu trên dự kiến là 91,8 tỷ đồng.

Đối với một doanh nghiệp kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ vận chuyển và lưu trú khách sạn, việc tham gia đầu tư vào hàng loạt lĩnh vực mới có thể xem là bước chuyển mình lớn. Để chiến lược kinh doanh mới thuyết phục được cổ đông, chắc chắn Ban lãnh đạo PGT cần đưa ra kế hoạch cụ thể hơn nữa, đặc biệt là trong tái cơ cấu bộ máy hoạt động. Bởi tái cơ cấu bộ máy, cải thiện chất lượng quản trị doanh nghiệp là nền tảng quan trọng, giúp doanh nghiệp tạo ra những thay đổi thực sự từ bên trong.       

Tin bài liên quan