Kinh doanh bết bát, cổ phiếu PFL vẫn tăng phi mã

Kinh doanh bết bát, cổ phiếu PFL vẫn tăng phi mã

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Từ ngày 28/8/2020 đến 10/9/2020, cổ phiếu PFL của CTCP Dầu khí Đông Đô đã có 9 phiên tăng trần liên tiếp với khối lượng giao dịch đột biến so với nhiều phiên giao dịch trước đó.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, diễn biến cổ phiếu PFL đã bắt đầu có dấu hiệu nóng lên từ hồi đầu tháng 8/2020, khi trên nhiều diễn dàn và nhóm đầu tư cá nhân zalo đã đưa ra những tin đồn đoán về việc một đại gia sẽ mua PFL.

Cụ thể như các phiên tăng trần ngày 5/8 với khối lượng khớp lệnh 12.210 cổ phiếu, ngày 13/8 khớp 550.110 cổ phiếu, ngày 18/8 khớp 316.300 cổ phiếu, ngày 19/8 khớp 243.000 cổ phiếu và ngày 26/8 khớp 41.201 cổ phiếu.

Đặc biệt, gần đây, cổ phiếu PFL đã có chuỗi 9 phiên tăng trần liên tiếp từ ngày 28/8 đến 10/9, với mức tăng lên tới 125%, từ mức giá 800 đồng/CP (giá đóng cửa phiên 27/8) lên 1.800 đồng/CP (trong phiên sáng 10/9) .

Đồng thời, thanh khoản của PFL trong thời gian này cũng sôi động với khối lượng giao dịch đều đặn vài nghìn đơn vị/phiên, đáng kể có phiên 31/8 đạt gần 1 triệu đơn vị khớp lệnh.

Từ 28/8 đến nay, PFL đã có 9 phiên tăng trần liên tiếp

Từ 28/8 đến nay, PFL đã có 9 phiên tăng trần liên tiếp

Tuy nhiên, giống với nhiều cổ phiếu penny, cổ phiếu PFL đã tăng trong bối cảnh thông tin tích cực không có nhiều.

Trong đó, kết quả kinh doanh còn thể hiện khá kém khi kết thúc 6 tháng đầu năm 2020, PFL tiếp tục báo lỗ hơn 8,73 tỷ đồng, sau 3 năm liên tiếp trước đó đều kinh doanh thua lỗ.

Theo PFL, mặc dù giá vốn cùng chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp đã giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn khá lớn đã bào mòn vào doanh thu, khiến lợi nhuận Công ty ghi nhận mức âm.

Mặt khác, trong báo cáo tài chính soát xét, Công ty kiểm toán đã phải lưu ý tới vấn đề nhấn mạnh PFL có các khoản nợ phải trả cung cấp và khoản vay ngắn hạn đã quá hạn thanh toán lần lượt là 31,63 tỷ đồng và 53,88 tỷ đồng.

Với hệ số khả năng thanh toán duy trì ở mức thấp, lỗ lũy kế của PFL tính đến cuối tháng 6/2020 xấp xỉ 240 tỷ đồng, lưu chuyển tiền tệ thuần trong kỳ âm 594 triệu đồng cùng một số vấn đề khác, kiểm toán đã đặt nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty.

Bên cạnh đó, kiểm toán cũng nêu nhiều ý kiến ngoại trừ liên quan đến Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhiệt điện Sông Hậu 1 và Chung cư Trần Anh – Long An với tổng giá trị dở dang của ba công trình này tại thời điểm 1/1/2020 và 30/6/2020 lần lượt là 60,35 tỷ đồng và 62,22 tỷ đồng, đơn vị này không thu thập được các tài liệu cần thiết để có thể đánh giá được giá trị thuần thực hiện được của các tài sản dở dang này tại 2 thời điểm trên.

Ngoài ra, PFL cũng bị kiểm toán nhắc tới tính chính xác của các khoản vốn góp Dự án Nam An Khánh và Dự án Dolphin Plaza. Hai khoản đầu tư này sau đó được PFL giải trình lần lượt là 51,05 tỷ đồng và 37 tỷ đồng.

Tới cuối 30/6/2020, hàng tồn kho của PFL lên tới 246 tỷ đồng, chiếm hơn 72% tổng tài sản ngắn hạn. Trong đó, chủ yếu do dự án Xuân Phương với hơn 171,6 tỷ đồng. Dự án này PFL đã 2 lần thông báo đấu giá, trong đó lần gần đây nhất vào ngày 7/9/2020.

Tuy nhiên, theo thông tin riêng của phóng viên, cuộc đấu giá đã không thành công với lý do không có nhà đầu tư nào đăng ký và nộp tiền đặt trước để tham gia đấu giá. Chủ tài sản đang thực hiện các thủ tục để tiếp tục bán đấu giá tài sản lần 3 trong thời gian tới.

Tin bài liên quan