Kiều hối về TP.HCM tăng 8,2%

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TPH.HCM cho biết, kiều hối chảy về TP.HCM qua các ngân hàng cả năm 2020 đạt 5,5 tỷ USD, tăng 8,2% so cùng kỳ năm 2019. 
Kiều hối về TP.HCM tăng 8,2%

Lượng kiều hối chuyển về TP.HCM vẫn khá ổn định bất chấp dịch COVID-19 khi NHNN TP.HCM cho biết, lượng kiều hối chuyển về địa bàn thành phố đạt khoảng 5,5 tỷ USD, tăng nhẹ so với mức 5,3 tỷ USD trong năm 2019.

Trước đó, theo ông Minh, trong 10 tháng năm 2020, lượng kiều hối chuyển về thành phố đạt khoảng 4,7 tỷ USD. Chỉ tính riêng tháng 10/2020, lượng kiều hối đã tăng thêm 500 triệu USD so với tháng trước đó.

Dòng kiều hối không chỉ góp phần hỗ trợ kinh tế thành phố phát triển mà còn là nguồn cung giúp ổn định nguồn ngoại tệ trên địa bàn. Đáng chú ý, tại một số ngân hàng thương mại ghi nhận lượng kiều hối đổ về tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2020, Việt Nam được cho là đứng thứ 9 trên thế giới về lượng kiều hối. Theo Báo cáo Di cư và Kiều hối được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây, lượng kiều hối chảy về Việt Nam trong năm 2020 có thể giảm hơn 7% so với năm 2019 còn 15,7 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 5,8% GDP.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn nằm trong top 10 quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất. Đây là lần đầu tiên kiều hối về Việt Nam dự báo giảm trong vòng 10 năm qua.

Trước đó, cũng theo dữ liệu công bố của WB, kiều hối về Việt Nam liên tục tăng cao qua các năm, đặc biệt từ năm 2016 vượt xa mốc trên 10 tỷ USD và đến 2019 đã đạt 17 tỷ USD, chiếm 6,5% GDP.

Năm nay, dù không tăng cao, nhưng Việt Nam vẫn nằm trong nhóm quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất thế giới năm 2020, đứng thứ 9.

Tính riêng khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, Việt Nam xếp thứ 3 về giá trị kiều hối, sau Trung Quốc (59,5 tỷ USD) và Philippines (33,3 tỷ USD), và thứ 9 theo tỷ trọng GDP.

Theo báo cáo của WB, ước tính lượng kiều hối chảy về các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình giảm 7% xuống còn 508 tỷ USD trong năm 2020. Con số này sẽ tiếp tục giảm 7,5% vào năm 2021.

Nguyên nhân do các biện pháp phòng chống Covid-19, tăng trưởng kinh tế giảm tốc khiến nguồn tiền mà lao động di cư gửi về cho gia đình sụt giảm. Cùng với đó là số lượng việc làm giảm, đồng tiền tại các quốc gia nhận kiều hối giảm giá trị so với đồng USD.

Tin bài liên quan